Bác Hồ trở lại nước Pháp năm 1946
Phần 2 : Bác với kiều bào
Như chúng ta đã biết, ngày 6-3-1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết.
Ngày 24/3/1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương d’Argenlieu đón tiếp Hồ Chủ tịch trên chiến hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long để bàn về thi hành Hiệp định sơ bộ nói trên. Nhưng kết quả ra sao ?
– Tháng 4-1946, trên nguyên tắc có một phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm hữu nghị Quốc hội Pháp. Việc này không thành do Pháp nêu có khó khăn về mặt tổ chức.
– Cuộc họp trù bị (cho một Hội nghị sẽ được tổ chức bên Pháp) diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 19-4-1946 đến 11-5-1946 nhưng không đạt được kết quả.
– Ngày 31-5-1946, đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH sang Pháp để tiến hành thương thảo tại Paris. Cùng đi có Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Bác không phải là thành viên mà là với tư cách khách mời chính thức của Chính phủ Pháp. Hai chiếc máy bay Dakota đã phải đi lòng vòng suốt 12 ngày mới đến Pháp.
Rất nhiều ý kiến đề nghị Bác không nên đi vì lý do an toàn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết không thay đổi ý định của mình với lời giải thích: « Trong Chính phủ Pháp hiện có Đảng Cộng sản tham gia, ta có thể tin vào sự giúp đỡ của Đảng bạn. Sang Pháp cũng là dịp tốt để đề cao vị trí của Việt Nam, tranh thủ tình cảm của nhân dân Pháp và thế giới. Đặc biệt, cộng đồng người Việt ở Pháp cũng là một chỗ dựa tin cậy vì vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ, có tinh thần yêu nước và đoàn kết, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của ta ».
Trước khi lên máy bay, Bác đã tạm giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ nội vụ, Bác nói : « Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến ». Chỉ sáu chữ được trao đổi bởi hai nhà Nho, đem cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi. Cái gì không thay đổi ? Đó là mục tiêu độc lập, thống nhất nước nhà.
Đồng thời, Bác cũng đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Bức thư viết tay tại Hà Nội vào sáng ngày 31-5-1946, trên nền giấy màu vàng. Bác khuyên nhủ đồng bào cứ bình tĩnh và khẳng định: « Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi! ».
Tháp tùng cùng với Bác chỉ có hai người : ông Đỗ Đình Thiện, thư ký và ông Vũ Đình Huỳnh, sĩ quan cận vệ. Ông Đỗ Đình Thiện nhớ lại : Một hôm, ông Nguyễn Lương Bằng đến nhà ông ở số 54 Hàng Gai, Hà Nội, thông báo : « Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp ». Nghe vậy, ông Thiện hỏi lại: « Tôi có thể không đi được không? ». Ông Nguyễn Lương Bằng nói ngay: « Nếu anh tìm được người đủ tin cậy thay anh đi với Bác thì anh có thể ở lại ». Ông Thiện biết rằng, Hồ Chủ tịch được mời với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp, song chuyến đi ngoại giao này rõ ràng đầy bất trắc, hiểm nguy, « lành ít, dữ nhiều ». Tuy nhiên, thật khó để tìm người thay thế. Vì vậy, ông Thiện đã nhận nhiệm vụ quan trọng này. Ông đã từng là sinh viên du học tại Pháp từ trước năm 1930.
Tới Pháp, Văn phòng của Chủ tịch được bổ sung thêm các Việt kiều : bác sĩ Lê Văn Cưu (chăm lo sức khỏe cho Bác), ông Phạm Ngọc Xuân (đại úy hải quân trong quân đội Pháp). Ngoài ra còn có tiến sĩ Phạm Huy Thông, họa sĩ Mai Trung Thứ (quay phim), ông Nguyễn Viết Ty (đầu bếp cho Bác và cả đoàn, sau này là Chủ nhiệm báo Đoàn Kết của Hội NVNTP từ năm 1969), bà Phương Tiếp… cùng tham gia trợ giúp công việc của đoàn.
Ông Mai Trung Thứ kể lại : ông đã tự học kỹ thuật điện ảnh, tự sắm máy quay phim, tự sản xuất phim. Năm 1945, ông đã lập Hãng phim Tân Việt ở Paris. Năm 1946, các rạp chiếu phim Hà Nội đã chiếu bộ phim của ông tặng trong nước, nhan đề: « Sức sống của 25.000 kiều bào ở Pháp ». « Tôi đã quay toàn bộ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp năm 1946, từ ngày 12 tháng 6 năm 1946, khi Người hạ cánh xuống thành phố Biarritz, miền Nam nước Pháp, đến ngày 18/9/1946 khi Người rời Pháp trở về nước ».
Từ sáng sớm ngày 31-5-1946, một rừng cờ hoa của hàng vạn nhân dân Thủ đô đi tiễn Bác và đoàn của Chính phủ Việt Nam. Tướng Salan cùng hai nhân viên làm nhiệm vụ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp ghi lại trong hồi ký: « Chúng tôi gặp nhau ở sân bay Gia Lâm. Trời vẫn mưa. Một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn bộ binh số 6 cùng đại tá Trung đoàn trưởng mang theo quân kỳ và đội quân nhạc bồng súng chào. Chủ tịch chào lại khá lâu. Khi hai chiếc Dakota cất cánh, khăn tay ở trên và ở dưới mặt đất cùng vẫy lên tíu tít giữa tiếng hoan hô và động cơ nổ ầm vang… ». Máy bay đi Rangoon (Miến Điện), qua Calcutta -Agra (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Habegna (Iraq), Le Caire (Ai Cập) và Biskra (Algérie) rồi mới đáp xuống Biarritz (Pháp), nghỉ tại đây 10 ngày trước khi đi Paris.
Ngày 6-8-1946, khi máy bay dừng tại Le Caire, tại khách sạn do Pháp đón tiếp, trước lúc dùng bữa sáng, Bác đã nói với tướng Salan : « Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái Chính phủ Nam Kỳ. Tôi vừa được biết tin này qua báo chí và đài phát thanh ở Le Caire. Tôi được biết, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 8 ông Sédin (Cao uỷ Pháp ở Nam Bộ) đã đọc một bức thư của Đô đốc D’Argenlieu, chế tạo ra cái Chính phủ này, có bác sĩ Thỉnh làm Chủ tịch và đại tá Xuân làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường ? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam Bộ thành một thứ Alsace-Lorraine mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy. Ông hãy làm ơn đưa tôi quay trở lại Hà Nội ». Tướng Salan không biết trả lời làm sao, chỉ xin đề nghị cứ đi Pháp, vì ở đó « người ta » đang chờ Chủ tịch để « thanh toán các vấn đề ». Một lát sau, Bác Hồ nói tiếp với Salan : « Thôi được, tôi tin ông vì ông là một sĩ quan. Tôi biết ông coi trọng chúng tôi và ở Pháp tôi cũng có nhiều bạn ».
Ngày 11-6-1946, máy bay đáp xuống sân bay Biarritz. Pháp đề nghị Bác ở lại đó vài ngày vì cuộc bầu cử Nghị viện của họ vừa mới kết thúc, Chính phủ mới chưa được thành lập. Vào buổi chiều, Bác tiếp các ông Mạnh Hà, Trần Ngọc Danh, Bửu Hội và nhiều đại biểu của các đoàn thể kiều bào.
Ngày 17-6-1946, trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP, Bác nói: « Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp – Việt này. Hai nước Pháp – Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng, mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của Việt Nam ».
Ngày 22-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khách sạn Palais Impérial đi Paris. 13 giờ, máy bay cất cánh tại sân bay Parme Biarritz, trên cắm quốc kỳ hai nước Việt Nam và Pháp. 16 giờ 10 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Le Bourget (Paris), đông nghẹt kiều bào đã ra tiếp đón với rừng cờ đỏ sao vàng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng ngang hàng cùng quốc kỳ Pháp. Sau lễ chào cờ và duyệt đội danh dự, trước khi lên ô tô, Bác nói với phóng viên Hãng thông tấn AFP: « Tôi rất lấy làm hài lòng được đặt chân lên một đất nước đã chịu đau khổ nhiều vì lý tưởng và tự do. Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đón tôi một cách long trọng. Mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt Nam cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện ».
Lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra 10 ngày sau đó và kéo dài trong 3 ngày theo các nghi thức truyền thống đối với các nguyên thủ quốc gia.
Chính phủ Pháp đã thu xếp để Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng đến ở trong khách sạn Royal Monceau, số 37 avenue Hoche, quận 8 Paris (nay là khách sạn 5*). Mấy ngày liền bận rộn đến thời gian ngủ cũng ít. Có những tờ báo Pháp đã đưa tin: « Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một phút nào rảnh ». Bác đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ với bà còn Việt kiều tại Pháp, tiếp xúc với báo chí, nhiều nhà chính trị gia của các nước và với nhiều nhà khoa học và văn hóa, trong đó có những danh nhân thế giới như họa sĩ Picasso, nhà bác học Joliot Curie, nhà văn Ehrenbourg…
Một kỷ niệm riêng tư về sinh hoạt cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi lại: « Sáng sáng, Bác dùng bột than củi mang từ nhà đi để đánh răng. Tôi nghĩ Bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại giao, đã lẳng lặng giấu hộp than của Bác đi, và để thay vào đó một tuýp thuốc đánh răng. Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm, tôi giả bộ nói: « Thưa Bác, mất rồi thì thôi, mời Bác dùng thuốc đánh răng ». Bác nói: « Không phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen mất rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm giọng ». Thế là sáng hôm sau, tôi đành lẳng lặng đặt trả lại hộp bột than đánh răng của Người ».
Ngay ngày đầu tiên đến Paris, vào buổi chiều, Bác mở tiệc trà đón hơn 50 thiếu nhi Việt Nam ở Paris cùng cha mẹ các cháu đến chào. Bác trao lá cờ của nhi đồng Hoàng Diệu (Hà Nội) cho em Trương Hồng Quân, 12 tuổi, đại diện nhi đồng Việt Nam tại Paris. Một Việt kiều quê ở Thanh Hóa, làm nghề thợ may xin được may gấp cho Bác vài bộ đồ vì thấy Bác mặc bộ đồ ka-ki quá đơn sơ. Bác tươi cười ôm lấy người thợ may: « Tôi xin cảm ơn tấm lòng tốt của chú đối với đất nước cũng như đối với tôi. Tôi nói thật với chú, toàn dân ta đang nỗ lực chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập tự do. Đồng bào ta đã hy sinh và còn phải hy sinh nhiều nữa cho tới khi nào thắng lợi hoàn toàn. Dân ta còn phải cần kiệm hơn nữa để vượt qua khó khăn về mọi mặt. Tôi nhận thấy chúng tôi ăn mặc như thế này cũng còn hơn bà con trong nước nhiều lắm rồi… ».
Sau đây là một số cuộc tiếp xúc của Bác với bà con Việt kiều :
– Ngày 24-6 : tiếp khoảng 100 đại biểu kiều bào Nam Bộ đến chào mừng, thông báo tình hình nước nhà và gặp đại biểu trí thức Nam Bộ tại Pháp, trong đó có ông Trần Đức Thảo.
– Ngày 25-6 : sau khi đến thăm và đặt vòng hoa tại mộ ông Khánh Ký trong nghĩa trang Thiais (ngoại ô Nam Paris), tiếp hơn 100 đại biểu chiến binh, công binh Việt kiều.
– Ngày 26-6 : tiếp các đại biểu Liên đoàn ái hữu người Việt Nam ở Lyon, Paris, Bordeaux, Toulouse và các tỉnh khác đến chào và nghe thông báo về tình hình kiều bào ta ở Pháp.
– Ngày 30-6 : dùng cơm tối tại nhà bác Nguyễn Viết Ty.
– Ngày 12-7 : tiếp các trí thức Việt kiều đến chào, trong đó có các ông Trần Hữu Tước, Trần Bá Huy… Các bác sĩ, dược sĩ Việt kiều bày tỏ ý định mở xưởng bào chế thuốc để giúp anh em trong nước
– Ngày 15-7 : cùng ông Phạm Văn Đồng và một số đại biểu trong Phái đoàn Việt Nam dự mít tinh do kiều bào ta tổ chức tại Palais de la Mutualité, Paris 5. Có khoảng hơn 2000 người tới dự. Bác tặng Việt kiều lá cờ Việt Nam và một bài thơ, khuyên kiều bào đoàn kết, ủng hộ Tổ quốc và Chính phủ. Trong buổi gặp mặt, lần đầu tiên Bác gặp ông Raymond Aubrac, cựu ủy viên Cộng hòa thành phố Marseille, nghị sĩ Pháp.
– Ngày 27-7 : Tham dự buổi chiêu đãi do Việt kiều tổ chức tại Khu giải trí Bagatelle.
– Ngày 2-9 :dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp – Việt tổ chức ở nhà hát Pleyel, Paris 8, có hơn 3000 người dự. Cùng dự có Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng, ông Phan Nhiên, đại biểu Hội Việt kiều, ông Lunet, đại biểu Tổng Công hội Pháp, ông Pranics Jourdain, ông Bayet, bà Andrée Violis… đại biểu Hội Pháp-Việt, và nhiều đại biểu Congo, Madagascar…
– Ngày 28-7, nhận lời mời của ông bà Raymond Aubrac, Bác chuyển về ở tại gia đình ông bà ở số 190 đường Paris, thị xã Soisy-sous-Montmorency, vùng Seine et Oise, cách Paris 10 km. Tại nơi đây, Bác đã nhận đỡ đầu cho cô bé Elizabeth (người con thứ 3 của ông bà Aubrac chào đời hôm 15-8). Khi bà Aubrac vào nằm bệnh viện để chờ ngày sinh, Bác dặn ông Nguyễn Viết Ty: « Chú xem nấu nướng món gì, đưa cho ông Aubrac mang vào nhà thương cho bà ấy ăn cho thêm sức ». Hôm bà sinh con xong rời bệnh viện về nhà, trông thấy ông Ty, bà ôm hôn và nói: « Được anh cho ăn uống tốt quá, không biết gì trả ơn ! ». Ông Ty đáp lại: « Ông bà đã nhường nhà cho Chủ tịch chúng tôi ở. Chúng tôi có nhiệm vụ trông nom gia đình bà. Bà không nên nói lời cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi mới phải cảm ơn ông bà ».
Các thành viên trong phái đoàn chính phủ Việt Nam từ Fontainebleau thường tới đây làm việc.
8g00, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các báo Pháp và báo nước ngoài. Người tuyên bố lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau là:
1- Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập nhưng không phải là tuyệt giao với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp, vì như thế có lợi cho cả hai nước. Về mặt kinh tế và văn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.
2- Việt Nam tán thành Liên bang Đông Dương, với Cao Miên và Ai Lao nhưng quyết không chịu có Chính phủ Liên bang.
3- Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam. Không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.
4- Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng.
5- Nếu cần đến cố vấn thì Việt Nam sẽ dùng người Pháp trước.
6- Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.
Người khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề Nam Kỳ: « Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam » và nói tiếp: « Tôi tin nước Pháp mới. Tôi có gặp nhiều người Pháp hữu trách, họ đều hiểu chúng tôi. Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thực thà. Chúng tôi mong rằng người khác cũng thật thà với chúng tôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ : Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi.
Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà bình đẳng, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước ».
– Ngày 12-9 : do đã quyết định là sẽ về Việt Nam trong những ngày tới nên Bác có gửi thư cho kiều bào như sau :
« Cùng tất cả kiều bào yêu quý,
Từ ngày Phái bộ và tôi đến nước Pháp, và trong ngày kỷ niệm Quốc Khánh (ngày mồng 2 tháng 9), kiều bào ta, nơi thì phái người, nơi thì gửi điện ủng hộ Chính phủ và tôi, nhiều kiều bào lại quyên tiền hoặc thuốc giúp Tổ quốc.
Lòng thân ái đó là rất quý, chúng tôi rất cảm động và cám ơn. Nay tôi và Phái bộ sắp trở về nước, chúng tôi gửi lời chào và khuyên tất cả anh chị em kiều bào :
1- Phải triệt để đoàn kết,
2- Ra sức tuyên truyền và ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc,
3- Thực hành khẩu hiệu ĐỜI SỐNG MỚI : CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH,
4- Mỗi người cần biết thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.
Lời chào đoàn kết và thân ái
Paris, ngày 12 tháng 9 năm 1946
Hồ Chí Minh »
– Ngày 16-9 :
3g00, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đi nghỉ.
5g00, Bác dậy để chuẩn bị ra ga xe lửa lên đường về nước.
6g30, Bác tới khách sạn Sainte Anne gặp ông Dương Bạch Mai.
8g05, chuyến xe lửa đặc biệt chở Chủ tịch chuyển bánh rời Paris đi Marseille. Ra tiễn Bác có các ông Bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các nghị sĩ Quốc hội và rất đông quan khách, kể cả quốc tế cùng với gần nghìn kiều bào ta tại Pháp. Người nói với Việt kiều về ý nghĩa của bản Tạm ước 14-9, và căn dặn đồng bào : Đoàn kết, kỷ luật, thi hành đúng mệnh lệnh của Chính phủ, tránh hành động khiêu khích, tranh thủ tình cảm của các bạn Pháp. Trước khi tàu chuyển bánh, Bác còn ngó đầu qua cửa sổ vẫy chào như muốn nói với kiều bào: « Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào ».
21g15, xe lửa đến Marseille. Đông đảo kiều bào đã đợi sẵn ở ga đón tiếp. Chủ tịch bước xuống, nói chuyện với kiều bào chừng mươi phút. Đêm nay, Bác và anh em trong đoàn ngủ lại trên xe lửa đặc biệt có đủ phòng khách, phòng ngủ rất lịch sự và được cảnh sát canh phòng rất cẩn mật.
– Ngày 17-9 :
Sau bữa ăn sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các quan chức sở tại đến chào và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo La Marseillaise.
8g20, Bác đi đặt vòng hoa tại mộ chiến sĩ vô danh. Lúc về, Người tiếp đại biểu các báo địa phương, cảm ơn nhân dân Pháp đã đón tiếp Người và đùm bọc công nhân, binh lính Việt Nam tại Pháp.
9g30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trại Montélimar và trại Magarqui gần Marseille, nơi tập trung hơn 3.000 lính thợ Việt Nam và Đông Dương, giải thích cho anh em rõ tình hình khó khăn của Việt Nam về sách lược của Chính phủ ta đối với nước Pháp và yêu cầu mọi người hãy bình tĩnh trước thỏa hiệp mang tính sách lược này. Người nói: « Hội nghị Fontainebleau tuy không thành, nhưng là một thắng lợi của Phái đoàn Quốc hội nước VNDCCH. Không thành, nhưng Hội nghị là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình ở khắp thế giới.
Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước VNDCCH do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo.
Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi, có phải như thế không? Kiều bào hiểu chưa ? ».
Bác còn gửi thư cho Việt kiều ở Pháp bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập thống nhất cho đất nước:
« Hỡi toàn quốc đồng bào,
Phái bộ ta đã lên tàu Pasteur về nước. Tôi cũng sẽ về trên chiếc tàu binh Dumont – d’Urville. Trong lúc chúng tôi ở Pháp, Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp chiêu đãi chúng tôi một cách thân thiện và long trọng xứng đáng với một nước hữu bang. Chúng tôi rất cám ơn. Vì điều kiện khó khăn mà Hội nghị Fontainebleau chưa có kết quả như chúng ta mong đợi. Tuy vậy đã có tiến bộ ít nhiều. Nó dọn đường cho cuộc hội nghị giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ ta trong tháng giêng sắp đến. Hơn nữa, nó làm cho nhân dân Pháp và thế giới biết rõ nước ta hơn trước. Đó là một sự tiến bộ lớn lao!
Hỡi đồng bào yêu quý!
Trước kia chúng ta trông mong nhiều ở nước Pháp mới. Ngày nay chúng tôi trở về nước chưa mang lại quyền Độc lập và chưa giải quyết vấn đề Nam Bộ vì thế có lẽ đồng bào lấy làm thất vọng.
Nhưng chúng ta phải biết rằng tương lai của một đất nước không thể xây dựng trong mấy tháng mà xong.
Trong các hội nghị thế giới họp tháng này qua tháng khác mà cũng chưa được bao nhiêu kết quả!
Ta phải tin vào lực lượng của ta và lòng kiên quyết của ta. Ta hãy tin vào nước Pháp mới, nó là tiên phong của nền độc lập và sự dân chủ của các dân tộc.
Trong khi chờ đợi Hội nghị Fontainebleau tiếp tục, ta cần phải làm những việc gì ?
Toàn thể quốc dân chúng ta phải nỗ lực làm việc.
Chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất; chúng ta phải giữ gìn trật tự.
Chúng ta phải gây một không khí thân thiện giữa người Pháp và người Việt chúng ta.
Chúng ta phải thực hiện đời sống mới.
Như thế thì chúng ta sẽ thành công sau này!
Lời chào thân ái
Ký tên Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. »
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi cùng xe với ông Jean Sainteny đi tiễn Người từ Marseille đi hải cảng Toulon. Tại đây, Bác dự tiệc với Phó thuỷ sư đô đốc Lambert, tướng Orly, Quận trưởng vùng Var, Quận phó quận Toulon và ông Jean Sainteny trên chiến hạm Dumont d’Urville, con tàu sẽ đưa Người về nước.
Lúc đi Pháp cách đây 3 tháng, có hai người tháp tùng Bác, đó là ông Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh. Nay có thêm 4 Việt kiều theo cùng về nước đóng góp là các kỹ sư Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước. Sau này, một số trí thức lần lượt về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo…
Bản Tạm ước ngày 14-9 sẽ không bao giờ được thực hiện. Ngày 19-12-1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để rồi 8 năm sau, 1954, tên của một mảnh đất xa xôi, hẻo lánh ở phía tây-bắc đất nước Việt Nam sẽ trờ nên nổi tiếng, thậm chí còn được xem như một huyền thoại trong lịch sử thế giới thế kỷ 20 : Điện Biên Phủ.
Hết
Tâm An