Học tiếng Việt là một sinh hoạt truyền thống của Hội người Việt Nam tại Pháp từ rất nhiều năm nay, chắc chắn là từ hơn nửa thế kỷ, khi có « Lớp thiếu nhi » ở thành phố Bagneux, cách Paris khoảng 5 cây số về hướng nam. Thời ấy, phần lớn là con em của các hội viên gồm các gia đình Việt hoặc các gia đình Pháp-Việt. Và do các Hội tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày hôm nay phụ trách.
Từ vài năm nay, sinh hoạt này đã tiến lên một bước khá xa, có bài bản, trở thành Trường học mang tên « Về Nguồn ». Đây là trường dạy tiếng Việt nhưng không chỉ giới hạn ở việc dạy học vì còn có những sinh hoạt vui chơi khác cho các em, với những lớp về thủ công mỹ nghệ, về ca múa nhạc, về võ Việt Nam. Hiện nay, trường gồm những em từ 4 tuổi đến 14-15 tuổi, nhưng cũng có những người lớn tuổi hơn rất nhiều, đó là những cha mẹ người Pháp cùng học với con em của mình. Như lời của anh …….. Minh, một người phụ trách trường, rất khiêm tốn không dám nhận cho mình chức danh « thầy giáo » đã nói với chúng tôi : « Mục tiêu chủ yếu của trường là dạy tiếng Việt, sau đó là tạo một sân chơi để các em học thêm điều gì mới, biết được văn hóa và gìn giữ phong tục cổ truyền của Việt Nam mình ».
Lớp học diễn ra chiều thứ bảy hàng tuần tại số 77, đường Dunois, thuộc quận 13 Paris. Có 10 thầy cô giáo cho những lớp tuổi khác nhau với 45 em ghi tên cho niên khóa 2019-2020. Cùng đến còn có phụ huynh của các em. Với các em trên 10 tuổi thì các bậc cha mẹ để lại trường, sau đó đi công chuyện riêng, đến khoảng tan tầm thì trở lại rước con. Còn những cha mẹ có con ít tuổi hơn thì thường thường họ ở lại xem con học, hoặc tranh thủ trò chuyện, thông tin cho nhau về cuộc sống tại Pháp và sau đó tham gia vào các lớp học thủ công mỹ nghệ cùng với con em mình. Tựu chung cũng phải đến trên dưới 100 người.
Nhưng « Về nguồn » không chỉ có vậy. Các anh chị đã cùng nhau thành lập một Chi hội, mang tên « Về Nguồn », nằm trong cơ cấu chính thức của Hội người Việt Nam tại Pháp, mục đích là để cùng nhau lo những việc khác, bắt nguồn từ mong muốn, từ ước vọng của chính mình. Đó là tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng người Việt tại Pháp và đóng góp nhân đạo cho Việt Nam. Mà hai mục tiêu này lại gắn bó mật thiết với nhau. Đó là : tập họp cộng đồng thuộc giới và tuổi tác của mình để gắn bó với nhau trong cuộc sống, qua đó tạo nên sức mạnh tập thể để có thể làm được những gì có ích thật sự cho người nghèo ở Việt Nam.
Về cộng đồng, Chi hội thường xuyên tổ chức những sự kiện lớn trong năm như Tết trung thu cho các cháu, đêm Gala Giáng sinh hay đêm Saint-Sylvestre, tham gia cùng các hội đoàn khác vào đêm Tết lớn do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức. Riêng về Tết Canh Tý vừa qua tại Pavillon Baltard, Chi hội đã tham gia vào mấy tiết mục văn nghệ của thiếu nhi, nhất là phần đọc các câu thơ trong « Bình ngô đại cáo » của Nguyễn Trãi. « Đối với người lớn chúng ta, những câu thơ này cũng đã khó nhớ vì là từ Hán Việt, huống hồ đối với các em nhỏ, đang sống trong môi trường Pháp. Phải mất mấy tháng trời, các phụ huynh đã dày công giải thích và tập cho các em ở nhà học thuộc lòng ». Và còn biết bao nhiêu món ăn để cống hiến cho bà con, một công sức rất lớn mà toasang (site Web của HNVNTP) đã đề cập trong bài tường thuật về Tết của Hội. « Để chuẩn bị Tết, chúng tôi phải mất mấy tháng, chiều thứ bảy thì lo lớp học, ngày chủ nhật thì gặp nhau tại Hội quán để bàn bạc, cùng chuẩn bị mọi thứ. Trong tuần, ai nấy đều có công ăn việc làm của mình, rõ ràng không có nhiều thời gian, nhưng tinh thần là chính ». Cho những sự kiện này, tham gia trực tiếp là khoảng 50 người, còn tham gia từ xa có thể lên đến 3, 400 người.
Về nhân đạo, toasang cũng có cuộc trao đổi với anh Rabin Angot, một trong hai thành viên của « Về Nguồn » đã về Việt Nam tháng 6 năm 2019 để thực hiện chương trình nhân đạo (cùng với anh Lý Minh Đạt) : « Chuyến đi vừa qua tốt đẹp vì chúng tôi thực hiện được chương trình nhân đạo, tức là giúp đỡ cho một trường học, xây mới hoàn toàn 2 phòng học cho khoảng 60 học sinh. Đó là nhờ sự quyên góp đặc biệt của phụ huynh trường Về Nguồn, và của kiều bào tại Pháp đóng góp thông qua việc bán bao lì xì đêm Tết, bán bánh chưng, tham gia các lễ hội, các buổi ăn chung từ thiện do Chi hội tổ chức.
Chúng tôi chọn nơi để giúp đỡ là trường tiểu học Kiến Hào, thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cách Rạch Giá khoảng 30 km. Trường có 10 lớp học với 470 em học sinh. Anh em chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với các nhà thầu tại Việt Nam để có được đối tác tin tưởng nhất và cho giá tốt nhất về công trình xây dựng. Số tiền đóng góp là 8000 €, sau đó được bổ sung thêm 5000 €, quy ra tiền Việt là 350 triệu đồng. Còn 8 lớp đang trong tình trạng xuống cấp, sơn bị tróc, tường bị hư hỏng, bàn ghế quá thô sơ, thành ra chúng tôi mong muốn tiếp tục đợt 2 cho trường. Về chương trình này, có khoảng 30 anh chị em trực tiếp tham gia bằng cách đi quyên góp từng người, từng gia đình và khoảng 70 người lo về các mặt khác ».
Qua những gì mà tôi đã được chứng kiến, qua những việc làm của các anh chị, qua những nụ cười mà anh chị đã thể hiện khi tiếp xúc với tôi, tôi nghĩ chữ « Về nguồn », nghe rất hay, rất đẹp nhưng, suy cho đến cùng, các anh chị có xa nguồn đâu mà phải về ? Trên thực tế, các anh chị đã đưa nguồn đến cho các thế hệ con em của chúng ta, và các anh chị chính là nguồn cảm hứng cho chúng tôi, những người con sống xa gia đình, xa họ hàng, xa nơi quê cha đất tổ.
Phạm Nguyên Thy