Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Người phụ nữ 40 năm trông coi mộ liệt sĩ

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhận 849 018 liệt sĩ. Hiện nay còn rất nhiều gia đình chưa tìm được hài cốt con em mình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp

Đứng trước một ngôi mộ, bà nói : « Đây, ông này đây, đây là bác Vũ Văn Thi, không biết quê quán của bác ở đâu, đơn vị của bác là C2, D1, E234, hy sinh ngày 30/04/1975. Đến giờ, bác Thi chưa có người nhà đến thăm. Tại sao bao nhiêu năm rồi, bác Thi vẫn chưa được về nhà. Nhiều ngôi mộ đã có người nhà đến thăm, cũng có nhiều ngôi mộ có tên, nhưng có lẽ gia đình chưa biết ở đây ».

« Nhiều khi, mấy đứa con tôi nói : mẹ ơi, lớn tuổi rồi thì ở nhà đi, xin nghỉ đi. Tôi nói thôi, mẹ còn ngày nào thì cố gắng chăm lo cho các bác ngày ấy ».

Bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, sinh năm 1963, là người quản trang (người trông coi nghĩa trang) cho nghĩa trang Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM từ năm 1982.

« Năm 1982, có lệnh cải táng các chiến sĩ hy sinh ở chiến dịch 30-4, gia đình tôi mới hợp tác với Phòng thương binh xã hội huyện đưa tất cả các anh em liệt sĩ về đậy. Lúc ấy tôi mới 19 tuổi. Đến năm 1989, tôi mới thay gia đình nhận hợp đồng thời vụ để chăm sóc và coi chừng nghĩa trang. Lúc đó, thấy các chú về đây mà không ai đến viếng thăm hết, tôi tự mình dọn cỏ từng ngôi mộ, tự mình làm hết nên sau đó xã thấy nghĩa trang được sạch sẽ gọn gàng nên bố trí cho tôi công việc luôn ».

« Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, tôi đến quét dọn và thắp nhang. Buổi chiều lại qua thắp nhang cho các bác, các chú. Có những bữa, tối lại qua chơi với các chú chút xíu ».

« Ở đây có tất cả là 756 ngôi mộ, các liệt sĩ hy sinh năm 1975 có khoảng 360 người, còn lại là một số chết vô danh, chết rải rác. Tất cả các bác đều còn rất trẻ, toàn 19 – 20 tuổi. Nhiều khi ở nhà mình buồn quá, nên chạy qua nói chuyện với các bác. Mình nói : « Mấy bác ơi, buồn quá, qua đây chơi chút về, các bác ơi, Hiệp đây nè, quản trang đây nè ».

Bà kể tiếp :

« Năm 1975, đạn nó bắn xuống nghe lốp cốp, lốp cốp vậy . Sáng 30-4, ba tôi kêu xuống hầm hết đi, đừng đứa nào lên hết. Trốn dười đó đến khoảng 10 giờ sáng, không còn nghe tiếng súng nữa. Đi ra ngoài ngồi thấy các chú đi ngang qua, các chú còn cầm lá cờ nhỏ bằng giấy, quơ lơ quơ, lơ quơ, phất pha phất phơ. Mình chẳng biết gì, đến chiều khoảng 4 – 5 giờ, mới biết các chú bộ đội đã đánh thẳng về TP HCM ».

« Bây giờ cũng sắp ngày 30-4, tôi dọn dẹp cỏ rác ở đây cho các bác, các chú về ăn lễ. Công việc này lúc mới đầu tôi sợ lắm, nhưng vì cũng đã đưa hài cốt về nhiều lần rồi nên cũng đỡ sợ. Có lúc đang cắt cỏ nghe tiếng cười, có khi nghe tiếng khóc nữa, tôi nhìn không thấy ai bèn nói : « Các chú ơi, đừng ghẹo tôi nhe, tôi sợ lắm, không dám cắt cỏ, làm nhà sạch sẽ cho các chú nữa đâu ».

« Gia đình tôi, hai bên nội ngoại cũng có người chết trong chiến tranh. Cũng có người chết không tìm được xác. Hầu như tất cả các chiến sĩ đã nằm xuống đây, mình cũng nghĩ có gia đình mình cũng có ở đây. Cũng vì họ đã ngã xuống mà mình mới có được ngày hôm nay ».

« Lương thấp quá, có lúc cũng muốn nghỉ lắm, đi kiếm công việc khác làm để có kinh tế mà lo cho gia đình. Nhưng mà cuối cùng cứ nhớ, thương các chú lắm, bỏ các chú không đành. Các chú được nhang khói ấm cúng, mà mình cũng gắn bó, coi như người thân của gia đình ».

Vừa thấy bà Hiệp dọn dẹp từng ngôi mộ, vừa nghe bà khấn : « Các bác, các chú, các cô, các cậu, các dì ơi, 3 thôn 7 vía tập trung về đây hưởng những miếng nhang khói cho ấm cúng, mỗi người ngụm nước nhe. Đây nén nhang, ly nước, Hiệp quản trang đây, mời tất cả ».