Hội người Việt Nam tại Pháp vô cùng thương tiếc báo tin ông Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Tổng thư ký của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, đã từ trần ngày 15/05/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 89 tuổi.
Hội người Việt Nam tại Pháp xin thành thật chia buồn cùng hai chị Ngân Hà, Minh Hà, anh Tích Kỳ và toàn thể gia quyến.
Thông báo của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Tp HCM : Kính báo: Đ/c Nguyễn Ngọc Hà, Đv phường 7, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc Hội, Đại biểu Quốc Hội các khóa 6,7,8. Từ trần lúc 22g, ngày 15/5/2020. Linh cữu quàn tại NTL số 25 Lê Quý Đôn, P7, Q3. Lễ viếng từ 8g, ngày 18/5/2020; Lễ truy điệu lúc 11g30 ngày 19/5/2020. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. |
BÁC SĨ NGUYỄN NGỌC HÀ
Lịch sử 100 năm phong trào người Việt Nam ở Pháp được bồi đắp kế tiếp bởi chính các thế hệ người Việt đã yêu nước, đoàn kết và kiên định trên con đường đồng hành cùng dân tộc góp phần làm nên những điều kỳ diệu Việt Nam. Sang Pháp năm 1948, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà có gần ba thập kỷ sống và hoạt động trong phong trào người Việt Nam tại Pháp, luôn trong đội ngũ đi đầu “đứng mũi chịu sào” cùng anh em đồng chí mình trụ vững và phát triển phong trào.
Trong lịch sử Hội người Việt tại Pháp, một trong những người luôn luôn được phong trào nhắc tên, nhớ việc là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà. Tên ông gắn liền với những trang sử của Hội, được nhắc đi nhắc lại trong hồ sơ lưu trữ Pháp, trong ký ức của những người cùng thời mà nhiều trong số đó đã đi xa…. Ngay khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, ông đã về nước từ những ngày đầu với bao ngổn ngang, gian khó, đảm trách nhiệm vụ cách mạng cần vì sự nghiệp xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông sinh ngày 13/2/1931 ở Pnom-pênh, Campuchia trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha là Nguyễn Văn Thân, viên chức; Mẹ là Cụ Nguyễn Thị Huệ. Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, cha mẹ hồi hương, Nguyễn Ngọc Hà học trung học ở Sài Gòn. Tuổi trẻ yêu nước và được tổ chức giác ngộ, ông tham gia các hoạt động mít-tinh, bãi khóa của học sinh, sinh viên. Bị phát hiện là “người cầm đầu” hăng hái nhất, ông bị cảnh sát bắt giam. Thương và hiểu rõ việc con làm, Cụ Huệ lúc đó đang là chủ một tiệm làm bánh nổi tiếng ở thành phố đã đến “gặp” khéo léo, kín đáo “tặng quà” cảnh sát trưởng khu vực. Nhận lời giúp đỡ, song viên cảnh sát không quên “dặn” rằng trước sau con trai bà cũng sẽ bị bắt vì theo Việt Minh xúi giục làm loạn. Biết rõ ý đồ của địch, Cụ Huệ để con trai sang Pháp học. Trước lúc đó, tổ chức bắt liên lạc, bí mật đưa ông Hà lên căn cứ. Ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 17 tuổi.
Giữa tháng 8/1948, ông Hà đến Pháp vừa kịp dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ở Marseille ; vài ngày sau, lại kịp dự Lễ Quốc khánh ở Paris. Lúc đó hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia đoàn thể thanh niên Cứu quốc, Học sinh Cứu quốc…Để tập hợp sức trẻ, Nguyễn Ngọc Hà chủ động bắt liên lạc với người phụ trách và cùng với Nguyễn Thị Bình (con gái nhà yêu nước Nguyễn An Ninh), Đỗ Đại Phước lập nhóm nòng cốt vận động tổ chức Đại hội thành lập Tổng hội sinh viên Việt Nam vào tháng 5/1949. Đại hội cử Đỗ Đại Phước làm Chủ tịch Tổng hội và thông qua biểu quyết ủng hộ cuộc kháng chiến và tham gia Tổng hội sinh viên quốc tế chống đế quốc.
Tháng 8/1949, Hội Ái hữu cử Trần Văn Khê và Nguyễn Ngọc Hà là đại biểu chính thức dự Liên hoan thanh niên Quốc tế tại Hongrie. Tết âm lịch năm 1949, kiều bào ở Pháp lần đầu tiên tổ chức đón Tết truyền thống và hơn 70 năm qua, thành tục lệ, cộng đồng duy trì Tết người Việt Nam ở Pháp. Hát hay, chơi đàn và biết sáng tác, từ ngày còn là sinh viên đến lúc giữ trọng trách của Hội, ông nhiều năm là người trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy dàn hợp xướng của kiều bào trong các chương trình văn nghệ. Khi cần ông kiêm luôn việc sáng tác. Hoạt động văn nghệ với sự tham gia của đông đảo bà con trở thành “thương hiệu”, thu hút cộng đồng.
Từ 1950, các hội đoàn người Việt Nam dần bị cấm hoạt động, các thành viên phụ trách phong trào bị theo dõi, bắt bớ, trục xuất… Năm 1953, chính quyền thẳng tay vây bắt các nòng cột phong trào, nhiều người bị trục xuất, lùng bắt trong đó có Phạm Huy Thông, Trần Thanh Xuân… Ít ai biết rằng lúc đó ông giữ vai trò là người thứ hai trong Nhóm Việt ngữ giữ liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp, nắm tình hình để phối hợp hành động trong khi chính bản thân mình cũng đang bị theo dõi, lùng bắt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ký kết Hiệp định Genève, tháng 12/1955, Liên hiệp Việt kiều được thành lập, ông là Ủy viên Ban thư ký. Cuối 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cắt chuyển ngân nhằm phá hoại phong trào, Liên hiệp Việt kiều kêu gọi đoàn kết tương trợ sinh viên vượt qua khó khăn duy trì học hành. Tháng 12/1959, Liên hiệp Việt kiều lại bị cấm hoạt động, song cộng đồng vẫn bí mật duy trì hoạt động, giữ gìn và bảo vệ phong trào. Đầu năm 1963, lấy cớ “âm mưu lập lại đoàn thể bị giải tán” chính quyền Pháp xét nhà, lấy lời khai và đưa ra khởi tố một số nhân vật cốt cán của Hội trong đó có Nguyễn Khắc Viện, Huỳnh Trung Đồng, Lâm Bá Châu và Nguyễn Ngọc Hà.
Hồ sơ cảnh sát ghi rằng ông Hà và gia đình gồm vợ và hai con gái ở tại địa chỉ Arcueil (Val-de-Marne), Les Irlandais, Bâtiment 5; Thẻ đăng ký hành nghề của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà số 92.220, série B.T ngày 26/6/1963 và phòng khám đặt ngay nhà của mình. Hồ sơ cũng thể hiện ông là một trong những yếu nhân đảm nhận nhiều chức danh của tổ chức Liên hiệp Việt kiều. Chính quyền sở tại có thể đã chủ quan khi nhận xét : Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà không biết mình bị cảnh sát tư pháp theo dõi.
Thời kỳ là Tổng thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, ông có vinh dự là đại diện duy nhất được cử về Hà Nội làm việc, được đến thăm và báo cáo công việc của đoàn thể với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 27/1/1969. Trở về Paris, mang theo lá thư và bức ảnh Bác Hồ có chữ ký của Người tặng kiều bào, ông đã dành thời gian nói về tình cảm của Bác với cộng đồng và đó là nguồn động viên, cổ vũ khích lệ to lớn với cộng đồng. Tháng 9/1970, ông là Phó trưởng đoàn đại biểu Việt kiều ở Pháp về tham dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 25, được nhiều lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước tiếp đón. Cũng trong nhiệm kỳ của mình, ông có thời gian là Bí thư Nhóm Việt ngữ -tổ chức nồng cốt của phong trào-, chỉ đạo và phân công các thành viên giúp hai phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris, tổ chức các hoạt động của kiều bào và bạn bè quốc tế ủng hộ hai phái đoàn. Đặc biệt đã tham gia huy động kiều bào từ các địa phương trong toàn nước Pháp tập trung về thủ đô Paris chuẩn bị một rừng cờ hoa chào mừng lễ ký chính thức Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà cùng tập thể lãnh đạo Liên hiệp Việt kiều tai Phap tiến hành thống nhất phong trào người Việt nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng thông qua việc chuẩn bị tổ chức thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp với khẩu hiệu : Đoàn kết rộng rãi người Việt Nam tại Pháp, hướng về Tổ quốc thân yêu góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Trở về nước công tác, ông vẫn giành trọn tình cảm và tâm tư cho kiều bào Việt Nam ở Pháp. Ở cương vị của mình, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt nam ở nước ngoài TpHCM, ông tổ chức việc nghiên cứu tổng kết và đưa ra đề xuất tham mưu cho các cấp lãnh đạo để có quyết sách đúng và phù hợp với thực tế của phong trào kiều bào ở Pháp và kiều bào trên toàn thế giới. Cho đến nay, nhiều bà con ta mỗi dịp về thăm quê hương đều thu xếp đến thăm hỏi sức khỏe, trao đổi thông tin, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc. Ông luôn lắng nghe, thấu hiểu. Trong tâm thức mọi người, ông là một phần không thể thiếu của phong trào người Việt Nam tại Pháp.
NKV Hà Nội
Cây văn nghệ của phong trào
Trong giai đoạn ở bên Pháp trước khi về nước vào năm 1978, anh Nguyễn Ngọc Hà (Ba Hà) luôn là một trong những hạt nhân các chương trình biểu diễn văn nghệ của các hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp và Hội người Việt Nam tại Pháp … Điểm nhấn và công phu hơn cả của các buổi trình diễn văn nghệ thường là các màn cải lương vô cùng ấn tượng… từ phông màn trang trí sân khấu tới từng trang phục, trang điểm của các diễn viên nghiệp dư (ngày đi học, đi làm – chiều tối hay cuối tuần luyện tập chuẩn bị cho đêm trình diễn vào dịp Tết âm lịch hàng năm ở Hội trường Maubert Mutualité, quận 5 Paris).
Anh đã đóng những vai kép chính của các vở ca kịch cải lương: Lục Vân Tiên trong « Kiều Nguyệt Nga » – Ngọc Hoàng trong « Bạch Mẫu đơn » – Mẫn Đạt trong « Đời cô Lựu »… Vì giai đoạn cuộc chiến còn rất quyết liệt nên phong trào chủ trương nội dung nên mang tính nghệ thuật dân tộc với những tích xưa, chuyện cổ thể hiện rõ lòng Việt kiều yêu nước, thể hiện rõ lập trường ủng hộ công cuộc kháng chiến nơi quê nhà… Mỗi đêm trình diễn văn nghệ như thế giữa lòng nước Pháp là một dịp biểu dương lực lượng của bà con Việt kiều theo kháng chiến, theo Bác Hồ. Hạt nhân của những đêm trình diễn văn nghệ như vậy thường là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên với sự hỗ trợ về mọi mặt tài chính, công sức, chuẩn bị từ sân khấu sàn diễn, thuê mướn hội trường cho hàng trăm, thậm chí cả ngàn người (có lúc còn phải đối đầu với phe chống đối, với cảnh sát Pháp) của bà con, của các bác thương gia, công nhân, các anh chị trí thức, v.v… Trong tất cả những hoạt động văn nghệ đó, anh Ba Hà là một trong những người đã đóng vai trò quan trọng, cùng với anh Nguyễn Thiện Đạo và nhiều anh chị em khác. Ngoài ra, anh còn sáng tác nhiều bản hợp xướng như Bài ca khởi nghĩa (1971), Khúc ca hòa hợp (1973), Sài Gòn rung chuyển (1975), Bài ca hòa giải (1976).
Toasang