Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Coca-Cola Việt Nam bị truy thu thuế 821 tỷ đồng (33 triệu euros)

Có mặt ở Việt Nam từ năm 1993, mãi đến năm 2013, Coca-Cola Việt Nam mới khai có lãi và bắt đầu nộp thuế từ năm 2015 sau khi đã được khấu trừ các khoản lỗ kết chuyển trước đó.

Ai cũng biết, Coca-Cola Việt Nam liên tục lỗ nhưng vẫn vui vẻ mở rộng đầu tư. Pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, lỗ triền miên, năm này kéo dài qua năm khác nhưng vẫn vui vẻ, kiên trì chịu lỗ và bung tiền tiếp tục đầu tư là có gì đó bất thường.

Là tập đoàn đa quốc gia, Coca-Cola Việt Nam đã tìm hiểu kỹ pháp luật Việt Nam và họ luôn đầu tư rất lớn cho bộ phận pháp chế, quản lý thuế để có được số thuế phải nộp ít nhất.

Coca-Cola Việt Nam có nộp thuế, nhưng phần lớn đều là thuế giá trị gia tăng, tức là thuế do người tiêu dùng nộp, họ chỉ là bên thu hộ cho Nhà nước. Trong khi số thuế phản ánh thực chất hoạt động của doanh nghiệp chính là thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng số thuế này Coca-Cola Việt Nam lại nộp không nhiều.

Và để « truy » ra được những đồng thuế thu nhập doanh nghiệp Coca-Cola Việt Nam phải nộp, đó là cuộc « đuổi bắt » giữa cơ quan thuế Việt Nam và họ. Như trong số 821 tỉ đồng mà Coca-Cola Việt Nam bị truy thu và phạt theo quyết định của cơ quan thuế, có đến 359 tỉ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vài năm trước, Cục Thuế TP.HCM đã đặt Coca-Cola Việt Nam vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.

Chuyển giá, hiểu đơn giản là doanh nghiệp làm cách nào đó để mua nguyên phụ liệu của công ty mẹ với giá rất cao, để rồi đẩy công ty « con » ở Việt Nam luôn rơi vào lỗ lã, thực chất là lỗ giả lời thật, để không phải nộp thuế.

Tìm đủ cách để tránh thuế, âu cũng là một thủ thuật của một số công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.