Sau nhiều thập kỷ quen dùng tiền mặt để chi tiêu, người dân Việt Nam nay đã từng bước chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo xu hướng này ngày càng thắng thế trong năm 2020 khi có đến 63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết năm 2019 hệ thống chuyển mạch Napas tăng trưởng 80,2% về tổng số lượng giao dịch và 170,6% về tổng giá trị giao dịch so với năm 2018.
Đáng lưu ý, không chỉ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống Napas có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM (người dân rút tiền mặt tại cột ATM) sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng.
Cụ thể, năm 2018 tỷ trọng giao dịch ATM chiếm đến 62%, năm 2019 giảm còn 42%. Còn tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng tăng từ mức 26% năm 2018 lên 48% năm 2019.
Theo Napas, con số này cho thấy xu hướng chuyển dịch thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
88,5 triệu tài khoản ngân hàng
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. 63,7% người trưởng thành có tài khoản, khác rất xa so với con số trước đây vài năm là 31%.
Theo số liệu từ VisaNet – mạng lưới xử lý thanh toán của Visa, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54%.
Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Đăng Hùng – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) – cho biết hiện Napas xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày, số tiền gần 21.000 tỉ đồng/ngày, tương ứng gần 1 tỉ USD. « Nếu ai đã dùng thanh toán điện tử trên mobile, tiền điện, nước, tiền điện thoại, kể cả những chi tiêu lặt vặt như đi chợ búa, v.v… tôi nghĩ rằng không ai muốn quay trở lại để thanh toán bằng tiền giấy nữa ».
Song, trên thực tế hiện nay, tiền mặt vẫn được thanh toán rất phổ biến. Từ ăn bát phở, đi xe ôm, đến đổ xăng, thậm chí mua cả những tài sản có giá trị rất lớn như thửa đất hay ôtô… khách hàng vẫn quen trả bằng tiền mặt. Chính thói quen là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến (và kèm theo biết bao hệ lụy về xã hội như gian dối, móc ngoặc, tham nhũng…). Tuy nhiên, thói quen này sẽ thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi. Trước mắt, như nhiều người đã tâm sự : « Không mang tiền mặt trên người cũng ít lo lắng bị cướp giựt ».
Tổng hợp của toasang