Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Kinh tế Việt Nam sau Covid-19 : khó khăn và thách thức

Những con số chung

Doanh số bán lẻ giảm đáng kể (giảm 9,6% so cùng kỳ năm trước) do người tiêu dùng gặp phải nhiều xáo trộn và hạn chế đi lại (kể cả khi có dấu hiệu chuyển dịch sang thương mại điện tử).

Vận tải hành khách và hàng hóa giảm lần lượt 27,5% và 7,2%.

Việc làm ở các ngành chế tạo và chế biến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1,2 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong quý 1 ; tiếp theo là 1,1 triệu việc làm trong các ngành bán buôn và bán lẻ, 740.000 trong các ngành lưu trú.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 4,7% trong quý I, so với tốc độ tăng trưởng 6,5% cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ tăng 1,5% so với 4,4% trong cùng kỳ năm trước. Mặc dù chưa có ước tính chính thức, nhưng cán cân thu nhập và thương mại dịch vụ chắc chắn là suy giảm mạnh do Việt Nam gần như dừng đón khách du lịch nước ngoài (lượng khách giảm 98% trong tháng 4/2020 so với năm trước) và dự kiến kiều hối cũng giảm mạnh. Trong bốn tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước.

Điều đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết trong tháng 4 lại tăng 81% so với tháng 3 và 62% so với tháng 4/2019, có lẽ do sự chuyển dịch đầu tư của các công ty lớn trên thế giới vào những nền kinh tế được đánh giá là « ổn định » và nhất là họ không còn muốn bị ràng buộc bởi một thị trường như Trung Quốc.

Tình hình thực hiện ngân sách trong quý đầu năm 2020 là giảm thu và tăng chi, được dự báo cũng là xu hướng cho những tháng còn lại trong năm. Theo Bộ Tài chính, trong quý I, tổng chi tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% trong giai đoạn này.

Tuy vậy, theo Ngân hàng thế giới, nền kinh tế VN vẫn có mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8% trong quý I/2020, trong khi đó rất nhiều nước có con số âm.

Sau đây là chi tiết trên một số lĩnh vực :

Thủy sản

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ đầu năm đến nay sụt giảm đáng kể. Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 2,18 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Hết quý I/2020, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57,69% tổng giá trị xuất khẩu. Thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Nga khi tăng tới gần 22%, đạt 26,41 triệu USD.

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Theo Bô công thương, những tháng đầu năm nay, tỷ lệ các đơn hàng vẫn giao bình thường theo hợp đồng đã ký nay chỉ chiếm 30 – 50% ; tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn (20-40%) và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy (20-30%) khá cao. Đặc biệt tại thị trường châu Âu, phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng. Việc ký kết các đơn hàng mới khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có đơn hàng mới trong quý II và III.

Các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Equateur phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Indonésie hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong những tháng tới nhu cầu nhập khẩu cá tra và các sản phẩm thủy sản khác có thể sẽ ổn định lại như các năm. Đáng chú ý, dự báo sau khi thị trường châu Âu hồi phục, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) – đã ký (phía EU đã phê chuẩn, đang đợi Quốc hội VN phê chuẩn). Đặc biệt, đối với sản phẩm tôm Việt Nam có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không thể cạnh tranh được.

Công nghiệp


Theo Tổng cục Thống kê, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung, 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%) ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6% ; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng, sản xuất xe có động cơ ; sản xuất mô tô, xe máy…

Một số sản phẩm trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, như ô tô giảm 26,9% ; bia giảm 24,5% ; xe máy giảm 15,6% ; dầu thô khai thác giảm 13,7%… Bên cạnh đó, một số tăng khá so với cùng kỳ năm trước như linh kiện điện thoại ; bột ngọt ; thép thanh, thép góc…

Hầu như tất cả các bạn hàng của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy, khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.

Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường ngoài nước, trong đó đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.

Nông, lâm nghiệp

Năm tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm sản ước đạt gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1%; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%; xuất siêu gần 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD ; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD ; lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD.

Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là cà phê, gạo, rau, sắn, quế, mây tre… Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác như cao su, chè, hồ tiêu… lại có giá trị xuất khẩu theo chiều ngược lại. Cụ thể, xuất khẩu cao su đạt 464 triệu USD (giảm 30,4%); chè đạt 71 triệu USD (giảm 11,3%); hồ tiêu đạt 307 triệu USD (giảm 18,5%)…

Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu, tính chung 5 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23,8% thị phần.

Tiếp đến là Mỹ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 3,5%, chiếm gần 9 % thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% và chiếm 10,38% thị phần.

Du lịch

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) do dịch Covid-19. Lượng khách du lịch quốc tế xuống đáy từ tháng 4 do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên toàn thế giới. Tương tự, dịch bệnh cũng làm « đóng băng » nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ các lễ hội, hội nghị và từ 15-4 là cách ly toàn xã hội.

Ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam riêng trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 80-90% số doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa có thể đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước tình thế khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như các giải pháp về khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, chậm nộp thuế thu nhập…

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú, Bộ cũng đề xuất đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, kích cầu du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu khi cả nước công bố hết dịch.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa với khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, khách nội địa có thể là nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.

Ông Nuno F. Ribeiro, người phụ trách mảng nghiên cứu về du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, việc Chính phủ Việt Nam xử lý đại dịch Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các quốc gia khác sau đại dịch.

Ông chia sẻ, “Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và cuộc sống thú vị, mà hiện nay xu hướng sẽ chủ yếu đến nơi an toàn nhất. Và Việt Nam hiện đang minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới”.

Kết luận : Như các nước khác trên thế giới, ảnh hưởng của dịch đối với Việt Nam rất nặng nề, song với những kết quả trong việc hạn chế ảnh hưởng của dịch đã đạt được, dù rất khiêm tốn, song có những tín hiệu cho thấy Việt Nam có thể trỗi dậy được, với điều kiện như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, lúc này cả nước cần « phấn đấu chống dịch ỷ lại, dịch trì trệ ».

Tổng hợp của toasang