Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Các khẩu hiệu đặc thù Việt Nam trong mùa dịch Covid-19

“Chống dịch như chống giặc”

Trong cuộc họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 27/1/2020 (mùng 3 Tết Canh Tý), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chống dịch như chống giặc.

Đây là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động cho suốt “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam từ mấy tháng qua.

Về mặt truyền thông, lần đầu tiên trong lịch sử, các thuê bao điện thoại khi thực hiện cuộc gọi đi, thay vì nghe tiếng tút tút truyền thống sẽ được nghe lời nhắc chống dịch Covid-19. Cả nước có khoảng 135 triệu thuê bao điện thoại di động, tính bình quân 1 tháng có hơn 5 tỷ cuộc gọi. Như vậy, chỉ trong 2 tháng cao điểm của mùa dịch (tháng 2 và tháng 3-2020), người Việt đã nghe đến 10 tỷ lần lời nhắc nhau phòng Covid. Làm ta liên tưởng đến « chiến tranh nhân dân » của một thời đã qua, gần nửa thế kỷ trước.

“Tôi nghe khẩu hiệu này mỗi lúc gọi điện, từ bỡ ngỡ thành thói quen. Mỗi lần nghe câu đó là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và với chính bản thân mình lại tăng cao hơn”, một người dân thổ lộ.  Đó không chỉ là tâm sự của một các nhân mà là tâm lý chung của người dùng thuê bao di động khi được nghe câu khẩu hiệu nhắc nhở từ điện thoại.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”

Là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới chính quyền cấp cơ sở vào đầu tháng 3/2020 khi Việt Nam bước vào giai đoạn thứ 2 chống dịch.

Trước đó, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phân loại người tiếp xúc :

+ F0 được xác định là bệnh nhân dương tính hoặc nghi ngờ dương tính với vi rút SAR – CoV 2 gây bệnh Covid-19.

+ F1 là những người tiếp xúc gần với ca dương tính

+ F2 là những người tiếp xúc với F1.

+ F3 là những người tiếp xúc với F2.

+ F4 là những người tiếp xúc với F3. 

Đối với các trường hợp F0 : được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố hoặc các bệnh viện khác theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế.

Đối với người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính (Fl) thực hiện việc cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Trong thời gian cách ly, cơ quan y tế tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm, theo dõi, giám sát sức khỏe. Trong trường hợp xét nghiệm âm tính vẫn tiến hành cách ly (tại nhà) cho đủ 14 ngày.

Đối với người tiếp xúc người F1 (F2) được cách ly tại nơi ở cho đến khi trường hợp F1 có kết quả âm tính.

Đối với những trường hợp khác (F3, F4): tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở) thì chủ động đến ngay cơ sở y tế đế được khám, điều trị kịp thời.

Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do; người Việt Nam từ nước ngoài về; những người đi, đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội…

Lực lượng công an, các cấp chính quyền cơ sở, các tổ dân phố đã khẩn trương triển khai các biện pháp rà soát, kiểm tra, lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương ; đồng thời đã vận động người dân thông báo những trường hợp trong diện nghi vấn hoặc đã tiếp xúc với những người bệnh, hoặc người tiếp xúc gần với người bệnh để thực hiện cách ly theo quy định.

Một ví dụ cụ thể : Khi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trở thành ổ dịch, 52.239 người liên quan đến bệnh viện đã được rà soát :  bao gồm : 2.272 cán bộ y tế của bệnh viện; 4.309 bệnh nhân nội trú; 1.937 bệnh nhân ngoại trú; 23.193 bệnh nhân khám ngoại trú; 12.775 người thân/người chăm sóc; 747 nhân viên phục vụ và 7.006 người khác có liên quan gần xa (họ hàng, người quen có tiếp xúc ở diện F2, F3, F4)

“Ở nhà là yêu nước”

Xuất phát từ cuộc thi tranh cổ động, họa sĩ Lê Đức Hiệp tự sáng tác một câu nói và đưa vào tranh và từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa. Ý nghĩa của câu nói này là khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, tất cả hãy cố gắng ở yên trong nhà, không tụ tập đông người để ngăn ngừa khả năng lây lan COVID-19.

Tổng hợp của toasang