Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Thu hút đầu tư FDI mới : Cơ hội phụ thuộc vào chính Việt Nam

Trong thời kỳ hậu Covid,hiện đang có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư vào Trung Quốc sang các nước khác. Xu hướng này thể hiện rõ khi nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được mình đang bị quá ràng buộc bởi nền kinh tế nước này (xu hướng « thoát Trung »). Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD để khuyến khích các doanh nghiệp của mình chuyển đầu tư về nước hoặc sang nước thứ ba. Các doanh nghiệp châu Âu cũng đang có sự dịch chuyển khi chuỗi cung ứng với Trung Quốc có nguy cơ “đứt gãy”.

Tình hình này đã khiến Việt Nam có cơ hội để đón nhận sự dịch chuyển đầu tư. Điều này có những lý do sau:

Thứ nhất, Việt Nam là nước phòng chống dịch COVID-19 tốt trên thế giới, làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế quý I và II của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức độ con số dương trong khi các nước khác đều ở số âm, sức chống chọi của nền kinh tế Việt Nam trước khủng hoảng được đánh giá là tốt.

Thứ ba, xét về điều kiện bên ngoài, xu hướng toàn cầu hóa đang có hướng thay đổi sau dịch bệnh, đặc biệt nguy cơ về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Hiệp định thương mại Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu  (EVIPA) sẽ được triển khai trong tháng 8/2020, điều này mở ra cơ hội lớn cho quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU. Bên cạnh đó, thông qua dịch bệnh, các nhà đầu tư đều nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế ổn định, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang “nhòm ngó” đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên)

Tuy nhiên, để đón được làn sóng đầu tư này, Việt Nam cần lưu ý 4 điểm sau :

Thứ nhất, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng cho các nhà đầu tư, đồng thời cần có thủ tục thuê đất đơn giản nhất và có giá thuê đất ưu đãi. Đừng vì thấy xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển sang nhiều mà nâng giá đất lên bởi thực tế giá đất tại Việt Nam đã cao hơn trong khu vực.

Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị về nguồn nhân lực với trình độ cao và cần giới thiệu để các nhà đầu tư nhận thấy chất lượng nhân lực của Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thực tế đã chứng minh nguồn nhân lực đã đáp ứng được cho nhu cầu của Samsung.

Thứ ba là hạ tầng cơ sở bao gồm điện nước, phương tiện truyền thông, logistiques… phải được chuẩn bị tốt nhất và đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư.

Thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính, giảm tối thiểu các thủ tục đầu tư kinh doanh để rút ngắn kế hoạch triển khai đầu tư cho các doanh nghiệp vì đối với họ, thời gian là vàng bạc.

Tuy cơ hội là có nhưng Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với tất cả các quốc gia khác trong thu hút đầu tư, chứ không phải Việt Nam là địa điểm duy nhất thu hút đầu tư. Chính vì vậy, khi các dòng tiền nước ngoài sẵn sàng đổ vào, Việt Nam cần lưu ý đến hàng loạt vấn đề như: Liệu Việt Nam có thể hấp thụ nguồn vốn đầu tư đó hay không? Liệu Việt Nam có lao động, nhân công tay nghề giỏi để đáp ứng được phương thức sản xuất kinh doanh đa dạng theo yêu cầu của các nhà đầu tư hay không? Rồi các vấn đề thủ tục hành chính, hải quan, thuế… có đủ thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư hay không? Có chuẩn bị tốt và đáp ứng các vấn đề nêu trên thì Việt Nam mới có thể thu hút được dòng vốn dịch chuyển đầu tư đang diễn ra.

Có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistiques, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Họ đang mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn. Và đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Sau đây, để giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, toasang xin ghi lại ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) . Đây không có nghĩa là có sự đồng thuận ý kiến của toasang.

« Hãy thôi kỳ vọng và ảo tưởng về FDI »

Thưa ông, xu hướng kêu gọi « thoát Trung » của Mỹ, Nhật được nói đến nhiều thời gian gần đây. Vấn đề này nên được nhìn nhận ra sao và Việt Nam cần quan sát như thế nào?

Cuối cùng, các nhà đầu tư nhận thức đầy đủ hơn về rủi ro đặt chuỗi giá trị ở Trung Quốc, bị đứt gãy, giảm sản xuất. Họ đều nhìn thấy rủi ro quá lớn. Về mặt địa chính trị, mọi người đều thấy Trung Quốc nổi lên là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt với Mỹ mà Mỹ không muốn Trung Quốc quá mạnh, cần phải phân bố lại cán cân lực lượng.

Những tác động đó thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển khỏi Trung Quốc nhanh hơn và có lẽ lớn hơn.

Nhưng đặt câu hỏi, chuyển về đâu? Đầu tiên có thể tìm về nước mẹ, rồi về gần thị trường tiêu thụ hay chuyển sang các quốc gia có điều kiện thuận lợi và giảm rủi ro.

– Việt Nam được đánh giá là một trong những nơi được lựa chọn, đặc biệt khi Mỹ đưa Việt Nam vào « network » các quốc gia thịnh vượng. Đó là tín hiệu cho thấy vị thế của Việt Nam tăng thêm.

Việt Nam được cho là có nhiều cơ hội đón lấy sự dịch chuyển này, tuy nhiên theo tôi, không nên kỳ vọng quá nhiều, cũng không nên ảo tưởng. Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế nhờ thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước mới là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam không được quá kỳ vọng vào dòng vốn rút đi từ Trung Quốc vì đó không phải là lợi ích cỗi lõi về lâu dài.

Vì Trung Quốc đầu tư vào không có nghĩa là họ phát triển cho Việt Nam mà chủ yếu họ khai thác để lợi nhuận cho họ ?

Việt Nam phải đặt ra nhiều thứ, phải phát triển kinh tế trong nước, cải cách hành chính, thay đổi quản trị nhà nước. Nếu chỉ chăm chăm thu hút FDI thì không đạt được mục tiêu.

Đặt bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi cách thức thu hút FDI như thế nào nhằm nâng « chất » của nền kinh tế, nâng cao giá trị Việt Nam trong giá trị xuất khẩu, không lệ thuộc vào FDI ?

– Tôi nhìn nhận quá trình thu hút đầu tư 30 năm đến nay, Việt Nam là nền kinh tế quá phục thuộc vào đầu tư nước ngoài, nhưng không phải là đầu tư nước ngoài chất lượng cao mà là chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp.

Gia nhập WTO là cơ hội rất lớn cho phát triển. Hàng loạt các FTAs thế hệ mới (Hiệp định thương mại tự do) cho chúng ta tiếp cận thị trường. Điều này, đại bộ phận các nhà đầu tư nước ngoài đều nắm được. Họ tận dụng được lợi thế của Việt Nam về tài nguyên, lao động ; ngược lại, chúng ta cho họ ưu đãi vượt trội, họ tận dụng cơ hội của hội nhập, từ đó khiến Việt Nam có hai nền kinh tế trong một nền kinh tế (đầu tư từ nước ngoài FDI và đầu tư từ công ty tư nhân trong nước).

Người đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân trong nước gần như không tận dụng được cơ hội này. Vị thế bản địa của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp. Do đó, giờ chúng ta phải thay đổi, từ tầm chủ trương đến thực hiện.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào phải gắn với mục tiêu của ta, hai bên phải có lợi, lợi ích của ta phải nhiều hơn. Việt Nam phải có tiêu chí đo lường. FDI vào đây phải đàm phán, ai đáp ứng hợp tác, ai chia sẻ phát triển thì tiếp nhận. Nếu vào mà vẫn lập khu vực riêng, tận dụng nhân công giá rẻ, tự định đoạt thị trường xuất khẩu thì không cần FDI làm gì cả, doanh nghiệp Việt đã đủ sức rồi.

Có thể « nói không với đầu tư nước ngoài », không thể đón bằng mọi giá. Khi các ông lớn vào Việt Nam, chúng ta đã « biệt đãi », « lót ổ » cho nằm, điều đó không sai. Tuy nhiên, cái chúng ta không khéo là chưa ràng buộc họ vì sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác với doanh nghiệp nội địa, hình thành chuỗi cung ứng tại Việt Nam…

Rất nhiều quốc gia đang dồn sức vào phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp bản địa, coi đây là nguồn lực lâu dài. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang quá cầu toàn vào « bánh vẽ » FDI, với những mỹ từ như : tăng GDP, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng chất cho nền kinh tế… nhưng thực tế là không. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Một trong những yêu cầu là phải gắn kết với kinh tế tư nhân trong nước, tất nhiên nói thế là áp đặt. Tuy nhiên, chúng ta hiện có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, vừa, có năng lực, trình độ, nhưng thiếu sự giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển.

Các Startup về công nghệ, mô hình kinh tế sẻ chia, hiện tượng Grab… đều gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động ở Việt Nam, đây là minh chứng một điều chúng ta còn quá lạm dụng về « quản, kiểm ». Không quản được thì cấm, Nhà nước quen kiểu quản lý thay vì hỗ trợ, thay vì thúc đẩy họ lên.

Từ một mô hình quản lý Nhà nước quá cũ, không phù hợp, nó minh chứng cho cách thức quản lý kiểm soát mà cán bộ Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu đổi mới, phát triển của thị trường.

Ông từng nhắc đến, Việt Nam chẳng phải cải cách gì nhiều, chẳng phải sửa luật, quy định, vì càng sửa, càng rối, có quá nhiều cái cần phải sửa. Việt Nam chỉ cần thay mỗi cái là: Tư duy (cái đầu) và thay người không làm được việc, chăm chăm vào quản, kiểm ? Ông vẫn giữ quan điểm này chứ?

– Cách quản lý cũ, tư duy cũ của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương đang áp dụng hiện nay, trong thời đại của kinh tế thị trường nên không thể gọi nó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, đúng nghĩa. Nó khiến nền kinh tế méo mó, lệch lạc và đầy rủi ro, xin cho.

Mô hình quản kiểm, xin cho với một rừng điều kiện kinh doanh đã và đang tạo ra một hệ thống doanh nghiệp thân hữu lớn, làm cho doanh nghiệp tư nhân không thể lành mạnh được, không thể tạo ra doanh nghiệp tư nhân lớn, đủ sức « bắt tay » với doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, bài toán đặt ra là chúng ta muốn có sự phát triển, muốn thu hút FDI vì sự phát triển chung, thì trước tiên đừng hy vọng nhiều vào FDI mà hãy làm mọi cách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, để họ lớn mạnh, họ sòng phẳng bắt tay với nước ngoài, tạo giá trị gia tăng trong nước.

Dây chuyền sản xuất xe hơi Vinfast của Việt Nam

Việc phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy họ lớn lên là phải đặt lên hàng đầu, phải đối xứng với các đối tác đầu tư vào Việt Nam. Mà trên thực tế,  một số doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có đủ khả năng để làm việc đó.

Tổng hợp của toasang