Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Vắc-xin phòng COVID-19 ‘made in Việt Nam’

Theo đại diện các Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học…, hiện có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu vắc-xin COVID-19 trên thế giới đang nghiên cứu thử nghiệm sản xuất, với nhiều công nghệ khác nhau, trong đó 8 loại vắc-xin đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên người.

Việt Nam cũng đang tham gia việc nghiên cứu này. Vắc-xin phòng dịch Covid-19 là loại vắc-xin mới, không dễ thành công, nhất là vấn đề đáp ứng miễn dịch của Covid-19 hiện nay còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Do đó, việc nghiên cứu, sản xuất ra một loại vắc-xin hiệu quả phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí lớn và thời gian kéo dài.

Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu phòng chống dịch Covid-19 (tháng 2/2020), các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẩn trương nghiên cứu, phân lập, nuôi cấy virus, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, từng bước hoàn chỉnh phác đồ điều trị… phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch thời gian qua. Do đó, các nhà khoa học tin tưởng, Việt Nam sẽ có hướng nghiên cứu khả quan để sớm tìm ra và sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch Covid-19.

Trung tuần tháng 6/2020, theo thông tin từ Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), thuộc Bộ Y tế, dự án vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 (gây ra bệnh Covid-19) mà đơn vị nghiên cứu đang có triển vọng “về đích” sớm khi đã vượt tiến độ đề ra khoảng 2 tháng.

Theo đó, ngày 15/5 và 29/5 vừa qua, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột được tiêm dự tuyển vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Đây là cơ sở để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh. Đến tháng 7, đã có 4 trên 8 lô chuột được thử nghiệm cho ra kết quả kháng thể.

Với kết quả này, Công ty Vabiotech đã vượt tiến độ giai đoạn 1 dự án khoảng 2 tháng, đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin này.

Giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Theo đại diện Vabiotech, để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần thời gian khoảng 9 – 12 tháng nữa ; tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. « Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi hy vọng tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa chúng tôi có thể thử nghiệm trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người. Sau đó cần thêm 2-3 tháng nữa để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vắc-xin ra sử dụng chính thức ».

Nếu đạt các bước thời gian như kể trên, vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam có thể xuất hiện kịp với các nhà sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới.

Đã có những dự đoán cho rằng có thể làn sóng Covid-19 thứ 2 sẽ xuất hiện vào mùa đông tới, nếu không kịp có vắc-xin, nguy cơ dịch sẽ rất lớn, thế giới sẽ rất khó có cơ hội mở cửa lại. Vì thế, nếu vắc-xin Việt Nam hoàn thành kịp tiến độ, đó cũng sẽ là một hi vọng lớn cho Việt Nam.

Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gène của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới.