Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Kỳ tích về trường hợp bệnh nhân 91

Sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, phi công người Anh được biết dưới cái tên « bệnh nhân 91 » đã trở về Anh an toàn ngày 12/07/2020 trên chuyến bay VN Airlines Hà Nội- Francfort- Londres.

Đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam và có thời gian điều trị lâu nhất. Để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải huy động lực lượng chuyên gia hàng đầu, đông đảo nhất và phải trải qua 6 cuộc hội chẩn cấp quốc gia.

Ông tên là S.C., 43 tuổi, gốc Ecosse, làm việc cho Vietnam Airlines, tới Việt Nam đầu tháng 3, đến chơi và bị nhiễm Covid-19 ở quán Buddha Bar&Grill – nơi trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất TP HCM. Ngày 18-3, ông tự ý xin nhập viện tại bệnh viện Nhiệt đới trong tình trạng sốt nhẹ, qua xét nghiệm bị nhiễm Covid-19. Thời điểm ấy, Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, song cả thế giới vẫn chưa hiểu nhiều về dịch tễ cũng như điều trị bệnh mới. 

Trong quá trình điều trị, có những lúc sức khỏe bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, phổi đông đặc gần 90%. Bệnh nhân hôn mê, phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu… Thậm chí, Bộ Y tế đã lên kế hoạch ghép phổi cho ông.

Bước đầu điều trị, các bác sĩ phát hiện cơ địa bệnh nhân rất nhạy cảm, dễ dị ứng với các loại thuốc, tải lượng virus nCoV cao bất thường. Ngay lúc ấy, bác sĩ đã tiên lượng tình trạng bệnh nhân sẽ diễn biến rất nặng, dễ xảy ra biến chứng trong giai đoạn toàn phát.

Đúng như dự đoán, sau tuần đầu khởi phát bệnh, ngày 25/3, bệnh nhân suy hô hấp nặng, phải trợ thở oxy qua mặt nạ. Từ đó, bệnh nhân liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch. 

Ngày nào cũng có những bất thường, biến chứng dồn dập, không lọc máu cũng chết mà lọc máu cũng dễ chết, tình trạng hồi tháng 3 quả thực kinh hoàng cho bệnh nhân và y bác sĩ.

Phổi bệnh nhân bị nCoV tấn công mạnh gây viêm. Trong khi đó hệ miễn dịch lại phản ứng thái quá, không tiêu diệt virus mà lại tiết ra quá nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, ảnh hưởng các phủ tạng, khiến phổi suy kiệt.  

Với tình thế này, các bác sĩ hội chẩn, buộc phải cho bệnh nhân sử dụng máy ECMO. Đây là hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, hoạt động như tim phổi nhân tạo, tạo điều kiện cho phổi tạm nghỉ, giảm áp lực cung cấp oxy toàn cơ thể.

Tuy nhiên, khi can thiệp ECMO, một biến chứng không lường trước được đã xảy ra. Máu trong màng lọc trở nên đông đặc. Các bác sĩ gấp rút tiến hành xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân dị ứng với Heparin, gây rối loạn đông máu nặng.

Biết được tác nhân gây dị ứng, các bác sĩ ngưng sử dụng Heparin, đồng thời thay gấp màng lọc. Trong lúc đó, thông tin được gửi lên các nhóm chuyên gia bao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành thuộc các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy, tiểu ban điều trị của Bộ Y tế. 

Sự sống bệnh nhân như « nến (đèn cày) thắp trước gió », phổi đông đặc gần như hoàn toàn. Nếu ngưng ECMO thì bệnh nhân tử vong, nhưng chạy máy mà không có thuốc chống đông thì nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng. Lựa chọn duy nhất là thay thuốc chống đông mới phù hợp với thể trạng bệnh nhân.

Các bác sĩ phải đọc tài liệu y văn thế giới cả ngày lẫn đêm mới tìm ra loại thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch khác có thể thay Heparin. Tuy nhiên, loại thuốc này phải nhập khẩu từ Đức, không có sẵn trên thị trường và chưa từng sử dụng tại Việt Nam. Khoa Dược bệnh viện liên hệ khắp nơi mới tìm được nguồn cung cấp, báo cáo lên Bộ Y tế, xin được trợ giúp nhập khẩu khẩn cấp. Song phải mất ít nhất 10 ngày thuốc mới về tới nơi. 

Trong 10 ngày chờ thuốc, các bác sĩ tìm mọi cách duy trì sự sống cho bệnh nhân. Các bác sĩ vừa làm vừa mày mò, tìm thêm được loại thuốc chống đông bằng đường uống Xarelto, có thể tạm ngăn cản quá trình đông máu. Rất may là bệnh nhân đáp ứng thuốc suốt 7 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 8, dấu hiệu đông máu xuất hiện trở lại, cố cầm cự cho đến ngày thứ 10. Thuốc về, bệnh nhân được sử dụng ngay và dần ổn định. 

« Tháng 3, tháng 4 là những ngày không thể nào quên trong đời làm bác sĩ của chúng tôi », một bác sĩ vẫn nhớ như in 65 ngày chiến đấu đến kiệt sức cứu phi công người Anh. Ông và các đồng nghiệp vừa giành giật với tử thần bên giường bệnh, vừa ngày đêm đọc y văn thế giới để tìm phương thuốc. 

« Ngày nào bệnh nhân cũng có những bất thường. Cao trào nhất là 10 ngày sau khi mở nội khí quản, can thiệp máy ECMO. Biến chứng dồn dập. Quả thực đây là giai đoạn rất kinh hoàng ».

Giai đoạn này bệnh nhân được đánh giá là nặng nhất khi các biến chứng liên hoàn xảy ra, như xuất huyết, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu, tràn khí màng phổi… Một nhóm chuyên gia được thành lập gồm 20 bác sĩ, điều dưỡng túc trực ngày đêm, cứ bệnh nhân có dấu hiệu xấu là lập tức hồi sức ngay. Tất cả các kỹ thuật hồi sức đều áp dụng mới cứu được bệnh nhân.

Đến khi giai đoạn toàn phát Covid-19 kết thúc, tải lượng nCoV trong cơ thể âm tính, bệnh nhân bước sang giai đoạn phục hồi, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM mới « hoàn thành sứ mệnh », chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa các biến chứng. 

Tổng cộng trong thời gian 57 ngày can thiệp ECMO, bệnh nhân đã được thay 7 màng lọc. Bác sĩ cho rằng « số màng lọc đã thay nhiều chưa từng thấy với một bệnh nhân can thiệp ECMO ».

Sự hồi phục của bệnh nhân phi công là kết quả phối hợp, nỗ lực điều trị của các bác sĩ hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM (giai đoạn Covid-19), Chợ Rẫy (giai đoạn điều trị nội khoa phục hồi), và tập thể gồm các chuyên gia hàng đầu cả nước, trong hơn ba tháng qua.

Về viện phí, bảo hiểm của bệnh nhân đã thanh toán tổng cộng 3,5 tỷ cho hai bệnh viện Việt Nam.

Ngày 13-7, trong cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Anh Dominique Raab chúc mừng thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và cảm ơn sự tận tình của các cơ quan chức năng và bác sĩ Việt Nam trong hỗ trợ, chữa trị cho các công dân Anh bị nhiễm virus. 

Tổng hợp của toasang