Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Nhiều quan chức cấp cao Việt Nam bị khởi tố

Sai phạm ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn

Ngày 11/7, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và ít nhất 3 quan chức khác bị khởi tố vì sai phạm quản lý tài sản nhà nước liên quan đến Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Theo Kiểm toán Nhà nước, Sagri có các sai phạm sau : cho thuê đất, hợp tác đầu tư khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền ; đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành (sử dụng sai 1.900 ha đất). Các thiếu sót, vi phạm này được Kiểm toán Nhà nước xác định thuộc trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng… từng thời kỳ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến

Ông Trần Vĩnh Tuyến được Hội đồng nhân dân Tp HCM bầu giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (UBND) tháng 4/2016. Ông Tuyến 55 tuổi, quê Quảng Bình, trình độ thạc sĩ chính trị học, cử nhân luật. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, Bí thư Quận ủy quận 1, Chánh Văn phòng Thành ủy thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Ban Kiểm tra Thành ủy thành phố.

Cùng bị khởi tố còn có ông Trần Trọng Tuấn, 51 tuổi (quê Bình Định) – nguyên Bí thư quận 3, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, vừa được điều động làm Phó chánh Văn phòng Thành ủy Tp HCM nửa tháng trước.

Liên quan đến sai phạm này, ngày 8/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Vân Trọng Dũng (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – Sagri) và bà Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, cựu kế toán trưởng Sagri) để điều tra tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 điều 219 BLHS năm 2015.

Trước đó, C01 cũng bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sagri) ; Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch – Đầu tư Sagri).

Chủ tịch UBND Tp HCM đã giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện Sagri. Sau đó đề nghị chuyển hồ sơ sai phạm tại Sagri cho cơ quan điều tra.

Sai phạm tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TpHCM

Ông Vũ Huy Hoàng

Ngày 10/7, bốn năm sau khi nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng, 67 tuổi, Bộ trưởng Bộ Công thương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố cùng tội danh. Hai bị can được tại ngoại nhưng trong tháng 6, bà Thoa đã bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.

« Khu đất vàng » 2-4-6 Hai Bà Trưng diện tích 6.000 m2, có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Bốn mặt tiền là những tuyến đường sầm uất như Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và hướng ra Công trường Mê Linh. Năm 2018, khu đất được ước tính trị giá gần 6.800 tỷ đồng (272 triệu euros). Khu đất được Bộ Tài chính giao cho Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương) xây dựng trụ sở văn phòng và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công. Tuy nhiên, suốt nhiều năm, khu đất này đã bị chuyển nhượng nhiều lần sai quy định, kết cuộc rơi vào tay tư nhân với giá thấp hơn hẳn thị trường.

Tại vụ án này, tháng 11/2018, ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, cựu Phó chủ tịch TP HCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường) và 3 cựu quan chức khác của TP HCM cũng đã bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, theo Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Phan Chí Dũng, 63 tuổi, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương, cũng bị cáo buộc có sai phạm trong quản lý tài sản nhà nước. Các ông Trương Văn Út (SN 1970, Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM); Lê Văn Thanh (SN 1962, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) và Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) bị khởi tố cuối năm 2019.

Ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Công Thương năm 2007-2016. Đầu năm 2017, ông bị Ủy ban Thường vụ kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương do có nhiều vi phạm. Ban Bí thư xác định các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông.

Tại kỳ họp thứ 16 trong năm 2016, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định bà Thoa có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong 10 năm giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Bà thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai. Tháng 8/2017, bà bị miễn nhiệm chức thứ trưởng sau 7 năm tại vị.

Ông Vũ Huy Hoàng sinh năm 1953, quê Hải Phòng, có học vị tiến sĩ kinh tế, là Ủy viên Trung ương Đảng Khoá X, XI ; đại biểu Quốc hội Khoá XIII.

Ông Hoàng học tại Học viện Mỏ – Luyện kim Preiberg, Cộng hoà Dân chủ Đức. Từ 1997 đến 2003, ông là Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, sau đó lần lượt làm Phó bí thư Tỉnh uỷ, quyền Chủ tịch UBND tỉnh rồi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây giai đoạn 2003-2006. Tháng 3/2006 đến tháng 8/2007, ông là quyền Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn.

Từ tháng 8/2007, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương.

Các vụ án khác

Vụ Mobifone mua AVG : Ngày 27/4, trong phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo, tuyên án tù chung thân với ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tội Nhận hối lộ và Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Ông này đã khai nhận hối lộ 3 triệu USD.

Vụ đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi : Ngày 11/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Vụ Phan Văn Anh Vũ :  ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lãnh án 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.

Ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch Đà Nẵng 7 năm tù (giảm 2 năm tù so với án sơ thẩm) về tội « Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí » và 3 năm tù về tội « Vi phạm các quy định về quản lý đất đai » ; tổng hợp hình phạt là 10 năm tù. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị tuyên tổng hợp hình phạt là 3 năm tù.

Vụ sai phạm đất đai đường Tôn Đức Thắng (Tp HCM) : Ngày 21/5, Hội đồng xét xử Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên án sơ thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM).

Trong đó, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bị tuyên 4 năm tù. 4 cấp dưới của ông Hiến bị tuyên án từ 4 – 9 năm tù.

Đối với ông Đinh Ngọc Hệ ( Út “trọc”), cựu Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng bị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, bị cáo này đã bị xử phạt 12 năm tù. Tổng hợp mức án bị cáo này phải nhận là 30 năm tù.

Các trường hợp bỏ trốn trước khi bị khởi tố

Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy

Tháng 5-2019, Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) về tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Xác định Huy bỏ trốn, C03 phát lệnh truy nã đối với bị can này.

Tháng 9-2019, tại hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á, Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cho biết cùng với việc truy nã, Bộ Công an cũng đề nghị Interpol phối hợp bắt giữ Huy. Interpol đã đưa Huy vào danh sách truy nã đỏ.

Trong cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác sáu tháng đầu năm 2020 vừa qua, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay cơ quan này đang chỉ đạo lực lượng áp dụng đồng bộ các biện pháp để truy bắt bằng được Bùi Quang Huy.

Cựu thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ

Tháng 12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá tình báo, về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước.

Xác định Vũ không có mặt tại nơi cư trú và không biết đang ở đâu, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Vũ.

Đầu tháng 1-2018, Bộ Công an phát đi thông báo về việc tiếp nhận Phan Văn Anh Vũ. Theo cơ quan này, khi bỏ trốn Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất.

Trong khoảng hai năm qua, Vũ liên tiếp bị đưa ra xét tử tại các phiên tòa với nhiều tội danh khác nhau. Đến nay, cựu thượng tá tình báo bị tuyên tổng cộng 30 năm tù, buộc phải chịu trách nhiệm về hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC Trịnh Xuân Thanh

Tháng 9-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT PVC, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi xác định Thanh bỏ trốn, Bộ Công an đã ra lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can.

Một năm sau, Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan ANĐT Bộ Công an đầu thú. Cơ quan này cho biết đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.

Trong các vụ án được đưa ra xét xử sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên mức án chung thân.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi dầu khí Vũ Đình Duy

Tháng 5-2018, sau khi ra quyết định khởi tố bị can và xác định bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Vũ Đình Duy, cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt đồng thời đề nghị tổ chức Interpol truy nã quốc tế.

Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng

Tháng 5-2012, CQĐT khởi tố bị can đối với Dương Chí Dũng, cựu cục trưởng Cục Hàng hải về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Xác định ông Dũng đã bỏ trốn, CQĐT ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với bị can này.

Đầu tháng 9-2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ, sau bốn tháng lẩn trốn.

Tháng 12-2013, ông Dũng bị tuyên tử hình về hai tội tham ô và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines Giang Kim Đạt

Trước khi vụ án tiêu cực tại Vinashin bị khởi tố, Giang Kim Đạt (cựu quyền Trưởng phòng kinh doanh  Vinashinlines) đã nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài.

Tháng 8-2010, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố đồng thời phát lệnh truy nã đối với Đạt. Cơ quan này cũng gửi thông báo truy nã đến Interpol.

Năm năm sau, Đạt bị bắt ở Campuchia và dẫn giải về Việt Nam. Sau đó, Đạt đã bị tòa án tuyên mức án tử hình về tội tham ô tài sản.

« Sau hàng loạt những vụ bỏ trốn như vậy, người dân đưa ra nghi ngờ là đúng thôi. Như vậy, cơ quan nhà nước phải kiểm tra, đánh giá, làm rõ và trả lời công khai minh bạch cho người dân biết, vụ bỏ trốn đó có ai chống lưng không, nếu không thì do sơ hở ở khâu nào.

Chắc chắn có sơ hở rồi, nếu không sơ hở thì sao đối tượng trốn được. Cũng giống như căn nhà của chúng ta, bị các đối tượng đào tường khoét vách chui vào mỗi tối, thì chắc chắn phải có sơ hở ở cửa ra vào, hay cửa sổ gì đó. Nếu hàng rào cửa ngõ cẩn thận, có hệ thống cảnh báo nghiêm ngặt thì các đối tượng làm sao đột nhập vào nhà chúng ta được. Để các đối tượng bỏ trốn như vậy, hệ thống của chúng ta có bất cập, sơ hở, điều này không có gì phải bàn cãi.

… Cần phải tìm ra nguyên nhân, để từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đáng lẽ sau vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ không có vụ Bùi Quang Huy bỏ trốn, rồi sau vụ Bùi Quang Huy thì sẽ không có vụ Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn.

Nhưng sau vụ bà Thoa thì phải dừng lại, các cơ quan chức năng phải gấp rút vào cuộc, bịt kẽ hở . Điều quan trọng không phải để phê bình, kỷ luật ai, mà cốt yếu để phát hiện ra sơ hở, từ đó đưa ra các giải pháp bịt lại để không xảy ra các vụ việc tương tự« .

(Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an)

Tổng hợp của toasang