Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Đại suy thoái của những năm 1930 (về cuộc suy thoái năm 2009, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng của thế giới cũng chỉ giảm 1,68%).
Trong quý 1/2020, Mỹ tăng trưởng âm 5,9%, khu vực Euro âm 7,5%, Trung Quốc âm 6,8%. Các nên kinh tế ASEAN-5 dự báo tưng trưởng âm 0,6% trong 2020.
Riêng với Việt Nam, cuối tháng 5, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trên dưới 3% trong năm nay. Quý I vừa qua Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới, « kinh tế Việt Nam bị tổn thương nhưng không bị tê liệt ». Nhận định của Ngân hàng thế giới cho thấy Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng nào đó, ở mức cao trong khu vực ASEAN và châu Á.
Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn cố gắng đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu.
Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực nhờ những năm vừa qua tăng trưởng thuận lợi (cụ thể, ngân sách Nhà nước đã « để dành » được một khoản tiền lớn để có thể dùng nó vào các chính sách hỗ trợ xã hội trong đại dịch Covid như gói hỗ trở 62 000 tỷ đồng (2,48 tỷ Euros -một con số rất lớn so với một nước đang phát triển như Việt Nam) mà không phải đi vay. Điều này cho thấy Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng lớn. Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh qua đi, các nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo bị nén lại và đó là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo cả hệ thống phải tập trung hơn nữa cho việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất, ít nhất là phải bằng dự đoán của các tổ chức quốc tế. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, Việt Nam phải tập trung vào 5 hướng cụ thể: (1) thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, (2) thu hút đầu tư nước ngoài FDI, (3) cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình gián đoạn nguồn cung do việc đóng cửa thị trường ở nhiều nước, (4) thúc đẩy đầu tư công, (5) khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Chính phủ Việt Nam đang tìm cách giúp các doanh nghiệp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm bởi đó mới là nguồn gốc của phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, doanh nghiệp phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng luật pháp, đấu tranh thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh, và hiệu quả.
Đồng thời doanh nghiệp cũng cần có một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phải cùng nhau chia sẻ, hợp tác và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động.
Về phía chính quyền,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu : « Các bộ, ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn cần phải được hun đúc. Một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm ; một tinh thần dám đổi mới, kiến tạo phát triển ; một tinh thần dựa vào sức mạnh của 100 triệu dân »… « Đặc biệt là phải quản lý cán bộ công chức, chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cùng với việc chấn chỉnh, quản lý cán bộ, thì phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân ». Với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, ông nhấn mạnh : « Ai không làm thì hãy đứng sang một bên ! ».