Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Những thách thức trong năm học 2020-2021

Ngày 5/9, gần 23 triệu học sinh bước vào năm học mới với nhiều thách thức khi Covid-19 vẫn đe dọa, chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Những địa phương phải giãn cách, một số nơi còn cách ly xã hội sẽ phải tổ chức dạy và học trực tuyến qua Internet và truyền hình với phương châm « tạm dừng đến trường, không dừng học ».

Việc dạy học trực tuyến đã được triển khai từ học kỳ II năm học trước, nhưng chưa thực sự hiệu quả, không thể thay thế học trực tiếp, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, giáo viên chưa tiếp cận nhiều và học sinh ít có động lực học tập qua Internet.

Sau lễ khai giảng, học sinh sẽ bắt đầu học kỳ I từ 7-9-2020 và sẽ kết thúc học kỳ này trước ngày 16/1/2021. Kỳ II hoàn thành trước 25/5/2021 và năm học kết thúc trước ngày 31/5/2021.

Một số vấn đề mới cho năm học năm nay như sau :

Triển khai chương trình và sách giáo khoa mới

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới với hai buổi một ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút, đồng thời sử dụng sách giáo khoa mới. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 1 là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và Hoạt động trải nghiệm. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1.

Về sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 45 cuốn sách lớp 1 theo chương trình mới ở 9 môn học và hoạt động giáo dục. Các trường học đã hoàn thành việc chọn sách và sách cũng đã đến tay phụ huynh, học sinh. Hiện, 100% giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý các trường đã được tập huấn về chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh

Dù đầu tư rất nhiều cho việc dạy và học tiếng Anh, kết quả môn này vẫn không cải thiện nhiều. Bằng chứng là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, kết quả môn tiếng Anh luôn cuối bảng. Năm nay, tiếng Anh là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5. Trong số gần 750.000 thí sinh làm bài thi, gần 473.000 em bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%).

Năm 2019, Việt Nam tụt 11 bậc, từ 41 xuống 52 trên bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ trên thế giới do EF Education First công bố. Sau bốn năm được xếp vào nhóm có khả năng tiếng Anh trung bình, Việt Nam tụt hạng và rơi xuống nhóm trình độ thấp.

Một trong những lý do được nêu ra là hệ thống giáo dục Việt Nam đang hoàn toàn dạy hướng theo điểm số thay vì mục tiêu đầu ra là năng lực sử dụng thực tiễn. Đã đến lúc nhìn nhận vấn đề dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như « một nhu cầu thiết yếu để sử dụng trong thế giới thực, chứ không vì con số kết quả trên tờ giấy thi ».

Phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 xấu nhất trong 9 môn.

250.000 giáo viên cần nâng chuẩn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giáo viên mầm non phải nâng chuẩn lên tới gần 90.000, tiểu học là hơn 110.000 và THCS là hơn 50.000.