Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Lần đầu tiên, Anh, Pháp, Đức cùng gởi công hàm phản bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 16/9/2020, Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức đã gởi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc, nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, ‘quyền lịch sử’ Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.

Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) khẳng định ngay từ đầu rằng các nước này lên tiếng với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh công ước này là « khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương », « quyền đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không như đã nêu trong UNCLOS phải được tôn trọng, đặc biệt tại Biển Đông ». 

Mặc dù công hàm nêu không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng khẳng định « đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa » và « quyền lịch sử » mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS. 

Paracel (Hoàng Sa), Spratleys (Trường Sa)

« Các yêu sách liên quan đến việc thực thi « quyền lịch sử » trên Biển Đông (của Trung Quốc) là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS »,  đồng thời khẳng định « quyền lịch sử » mà Trung Quốc nêu ra đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.

Theo nhóm E3, phần II và phần IV của UNCLOS đã quy định đầy đủ và rõ ràng cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc – một quốc gia lục địa – tự ý vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa là « không có cơ sở pháp lý ».

Hoạt động bồi đắp và cải tạo các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác « sẽ không làm thay đổi phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS ».

« Các tranh chấp yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp đã được đưa ra trong UNCLOS », công hàm của E3 kêu gọi.

« Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước », công hàm kết thúc.