Kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng GDP : Quý 1 : 3,26% ; Quý 2 : 0,36 % ; Quý 3 : 2,62 %
Tuy Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn có tăng trưởng dương, song kinh tế – xã hội thực sự đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả nguy cơ suy giảm kinh tế. Tiêu dùng bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Đây là những yếu tố tác động rất mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai hồi tháng 7, Chính phủ đã giảm dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề
Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Vietnam Airlines dự kiến lỗ 647 triệu USD, trong khi VietJet Air lỗ 90,5 triệu USD nửa đầu năm 2020.
Vể du lịch, doanh số bán hàng và khách sạn giảm 54,4%, doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 16,4%.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, bình quân mỗi tháng có khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ DN, người lao động bị mất việc và người nghèo chịu tác động của dịch bệnh (gói kích thích kinh tế lần 1) với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD). Mới đây, lại tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động với kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng (gần 800 triệu USD). Song việc triển khai 2 gói hỗ trọ này còn nhiều bất cập.
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả các kịch bản kinh tế nhưng trong nguy luôn có cơ. Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp Việt nếu nắm bắt được thời cơ và chọn cho mình hương đi phù hợp vẫn có thể vươn lên, vượt qua được cuộc khủng hoảng.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2020 trong đó đưa dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức chịu đựng tốt, khả năng phục hồi sớm và Việt Nam theo đó sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
Dù đưa ra nhiều dự báo lạc quan, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn cảnh báo Việt Nam về những nguy cơ lớn mà dịch Covid-19 có thể gây ra đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021. Chưa kể những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu có thể dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.