Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Hệ thống ngân hàng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19

Doanh nghiệp được giãn, hoãn thời gian trả nợ, không chuyển nhóm nợ đến cuối 2020.

Chuyên gia nhận định, đối với doanh nghiệp hiện nay, lãi suất không quan trọng bằng việc tiếp tục giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…, bởi dòng tiền nằm ở các đối tác vẫn chưa chảy về. Do vật, rất nhiều doanh nghiệp đang thấp thỏm lo sợ khi thời hạn cơ cấu nợ, giãn nợ đã sắp hết mà vẫn chưa tìm ra nguồn trả nợ.

Trước lo lắng của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã nắm bắt được vướng mắc của doanh nghiệp và đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất – kinh doanh theo tinh thần kéo dài thời gian hỗ trợ. 

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ sẽ khiến ngân hàng tiếp tục mất lãi, dù vậy, đây là nhu cầu rất bức thiết không chỉ của riêng doanh nghiệp, mà còn là đối với sự vực dậy của nền kinh tế nói chung. Hơn nữa, nếu chấm dứt cơ cấu lại trong khi doanh nghiệp vẫn chưa có nguồn thu, thì ngân hàng cũng có nguy cơ tăng nhanh nợ xấu.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9/2020, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên tới 2,27 triệu tỷ đồng (gấn 100 tỷ USD), chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Tính đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng, chủ yếu là ngân hàng, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng (14 tỷ USD), miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng (gần 52 tỷ USD). Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch) đạt 1,6 triệu tỷ đồng (70 tỷ USD) cho 310.000 khách hàng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng vừa ban hành Nghị định về việc giảm 30 % thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm 2020.