Báo cáo đánh giá Hành vi người tiêu dùng thay đổi như nào sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào hồi tháng 7 do Ipsos, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, vừa công bố cho thấy người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
55% người Việt được hỏi cho rằng kinh tế trong nước sẽ tốt hơn trong 6 tháng tới, so với 45% của các nước trong khu vực.
Mặc dù người tiêu dùng tiếp tục ở nhà nhiều hơn, lựa chọn kỹ hơn các điểm đến, duy trì lối sống lành mạnh và duy trì kết nối online nhưng đã bắt đầu mua sắm nhiều trở lại.
So với tháng 5-2020, số hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 90% xuống còn dưới 80% trong tháng 9-2020.
Bên cạnh đó, trên 60% cho rằng thu nhập hộ gia đình sẽ được tăng lên, trong đó mức phục hồi tốt hơn thuộc nhóm có thu nhập cao (66%).
Ông Đặng Huy Hải, phó tổng giám đốc WMC Group, tập đoàn quản lý một loạt khách sạn cao cấp, cho biết khoảng một tháng gần đây khách đã quay trở lại, tỉ lệ lấp đầy phòng ốc tăng so với các tháng trước.
« Chúng tôi đã có tiệc cưới gần 1.000 khách, tâm lý e dè đã không còn rõ như tháng trước. Không chỉ người chủ tiệc sẵn sàng mà khách tham dự cũng háo hức, chúng tôi phải luôn có phương án dự phòng tăng số chỗ so với khách đặt ban đầu », ông Hải cho biết.
Đến nay, qua 60 ngày, Việt Nam chưa có ca mắc mới trong cộng đồng giúp các hoạt động bên ngoài như đi ăn nhà hàng, vui chơi, giải trí, hội họp dần dần được khởi động lại. Tuy đã sẵn sàng, 73% người tiêu dùng dự định sẽ giảm tần suất các hoạt động mua sắm và giải trí.
Trong lĩnh vực bán lẻ, mua sắm trực tuyến, mua mang đi, giao hàng tận nơi và thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tiếp tục là xu hướng. Các trung tâm thương mại, siêu thị đã đông dần khách, một số thương hiệu chọn thời điểm này để khai trương, mở cửa nhiều điểm kinh doanh mới.
Tuy lạc quan nhưng người Việt vẫn lo lắng liệu công việc có ổn định hay không, do đó có tới một nửa số người tham gia khảo sát nói là họ chưa tự tin để thực hiện các mua sắm lớn. Các hoạt động đầu tư cũng đưa vào hạng mục cắt giảm.
Người tiêu dùng tiếp tục ưu tiên cho những thứ thiết yếu như ăn uống tại nhà, chăm sóc nhà cửa, vật dụng thiết yếu cho cá nhân (44%). Chi tiêu cho giải trí và hưởng thụ tiếp tục giảm với 45% giảm chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài nhà.