Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Việt Nam tuần qua : từ 26-10 đến 1-11-2020

Thứ hai 26-10-2020 : ‘Siêu tàu’ container cập Cảng quốc tế Cái Mép

Tàu Margrethe Maersk, dài 399 m, rộng 59 m, trọng tải hơn 214.000 tấn, thuộc nhóm tàu container lớn nhất thế giới cập Cảng quốc tế Cái Mép, sáng 26/10.

Tàu Margrethe Maersk đến gần phao số 0 trên biển Vũng Tàu trưa 25/10. Sau đó tàu được cano dẫn vào luồng Cái Mép – Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) để cập Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Sau khi xếp dỡ khoảng 6.500 container 20 feet, tàu sẽ rời cảng trong ngày.

Margrethe Maersk (của hãng tàu Maersk Line, Đan Mạch) có thể chở 18.000 container 20 feet. Ông Tobias Gruemmer, Giám đốc khai thác khu vực của Maersk Line cho biết, sự kiện tàu cập cảng là cột mốc quan trọng, khẳng định hạ tầng hàng hải Việt Nam đáp ứng tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng container của Đan Mạch. Cảng nằm trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải dài hơn 20 km, hiện chiếm 30% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container cả nước.

Thứ hai 26-10-2020 : Úc bắt 14 người Việt, tịch thu hơn 13.000 cây cần sa

Báo The Australian (Úc) ngày 26-10 đưa tin cảnh sát bang New South Wales của Úc vừa bắt 14 người Việt và tịch thu hơn 13.000 cây cần sa. Họ nói rằng đây là « một trong những vụ tịch thu cần sa lớn nhất trong lịch sử Úc ».

Vụ bắt giữ nằm một phần trong cuộc điều tra đang diễn ra của « Strike Force Harthouse » (tạm dịch: Lực lượng truy kích Harthouse). Lực lượng này được lập ra vào tháng 11 năm ngoái để điều tra việc trồng và cung cấp cần sa trên khắp bang New South Wales.

« Trong 2 ngày, có 14 người vi phạm đã bị bắt và hơn 13.000 cây cần sa đã bị tịch thu với giá trị ước tính hơn 40 triệu USD. Chúng tôi chưa từng chứng kiến vụ tịch thu cần sa với quy mô như thế này từ thập niên 1970 » – John Watson, một sĩ quan cao cấp đến từ Đội điều tra ma túy và súng cầm tay địa phương, cho biết.

Tất cả 14 người trên đều bị từ chối bảo lãnh tại ngoại tại Tòa án địa phương Taree và dự kiến họ sẽ tiếp tục xuất hiện tại tòa án này vào tháng 1-2021. Theo Đài ABC của Úc, toàn bộ số cần sa trên đã bị tiêu hủy.

Thứ hai 26-10-2020 : Quốc hội Việt Nam họp về Chống tham nhũng

Sáng 26/10, Quốc hội đã nghe Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020.

“Công tác phòng chống tham nhũng không những không chững lại hay chùng xuống mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, của Đảng, Nhà nước; được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao”.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay. Trong năm 2020, có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Báo cáo cũng cho biết, cơ quan chức năng đã kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến…

Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, « qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra ».

Báo cáo thẩm tra cho hay tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến. Thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng như vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy vừa qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm thần tốc; bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch… gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”.

Đặc biệt, báo cáo nhận định số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít.

“Vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận”, báo cáo dẫn chứng vụ bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam…

Báo cáo thẩm tra cũng lưu ý, còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thứ ba 27-10-2020 : Ủy ban về NVNONN tổ chức Hội nghị Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp

Sáng ngày 27/10, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức  hội nghị “ Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh – Nâng tầm sản phẩm Việt” nhằm tìm những giải pháp giúp nông sản Việt Nam rộng đường vào thị trường châu Âu.

Kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết : “UBND TP Hồ Chí Minh có mối liên hệ mật thiết với hàng ngàn kiều bào ở nước ngoài để hợp lực và cùng huy động cộng đồng doanh nghiệp kiều bào đóng góp cho phát triển kinh tế chung của TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy, khi kinh tế TP Hồ Chí Minh bị tác động bởi dịch COVID-19, cộng đồng kiều bào xa quê đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng như những giải pháp cho sự khôi phục nền kinh tế TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2019, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh  đạt 5,3 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 lượng kiều hối của cả nước. Đáng chú ý, khoảng 70% kiều hối về TP Hồ Chí Minh được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 20% cho bất động sản và 10% trong các lĩnh vực khác. Năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến nền kinh tế thành phố nhưng 9 tháng qua, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh vẫn đạt 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ và dự kiến đến cuối năm 2020, kiều hối đạt 5,5 tỷ, tăng 0,82% so với năm 2019”.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao), cho biết người Việt Nam ở nước ngoài luôn mong muốn có những đóng góp để phát triển kinh tế nước nhà. Ảnh: H.Y

Trong khi đó, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao), cho biết hiện nay có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập hơn 135 quốc gia và lãnh thổ đã hội nhập vào đời sống mọi mặt của nước sở tại. Mặc dù tác động của đại dịch COVID-19, nhưng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp ở nước ngoài cũng có những dấu hiệu tích cực và đóng góp không nhỏ cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, dù ở đâu thì kiều bào vẫn luôn hướng về nước nhà và mong có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đất nước. Tính từ năm 1990, với chủ trương mở rộng cửa đón kiều bào về đầu tư tại Việt Nam, lượng kiều hối đã đổ về Việt Nam ngày càng tăng. Theo đó, đến nay lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt 170 tỷ USD, riêng 2019 đạt 17 tỷ USD. Dự báo năm 2020, lượng kiều hối sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ 2019 do tác động của đại dịch COVID-19.

“Thực tế, bà con kiều bào đang đầu tư kinh doanh ở Việt Nam khá hiệu quả. Nhiều doanh nhân Việt kiều sau mấy năm về nước nay đã có những nhà máy lớn, những công ty có nguồn vốn đầu tư tính bằng hàng trăm ngàn USD. Từ năm 1990 đến nay, kiều bào về Việt Nam đầu tư khoảng 3.000 dự án, tổng vốn đăng kí khoảng 4 tỷ USD và đã, đang tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động tại các địa phương. Có nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã quay về để cùng đóng góp cho sự phát triển của nền tri thức Việt Nam. Hàng năm, có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học về nước cộng tác với Chính phủ, viện, bộ… và các tỉnh, thành địa phương để thực hiện các công trình nghiên cứu, các hoạt động thiết thực đóng góp cho nền khoa học, tri thức Việt Nam.

Thứ ba 27-10-2020 : Thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam

Sau chuỗi ngày dài bị cạnh tranh, chèn ép bởi nước chấm công nghiệp, chiều ngày 27/10/2020 Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam đã chính thức được thành lập tại Hà Nội.

Nghề nước mắm đã hình thành và phát triển trong khoảng 300 năm qua tại các làng quê ven biển của Việt Nam. Công thức ủ và chưng cất khác nhau sẽ cho ra những loại nước mắm khác nhau mà mùi vị và màu sắc của chúng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguyên liệu cá và muối… Cùng là cá đánh bắt ủ trong thùng gỗ tối thiểu 9 tới 12 tháng sẽ cho ra nước mắm nhưng ở miền Nam thì mùi hương nhẹ hơn so ở miền Bắc do nhiều nắng hơn, ít mưa ẩm hơn…

Thời gian vừa qua sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt giữa nước mắm truyền thống với nước chấm công nghiệp với hàng loạt quảng cáo vào các các giờ vàng trên tivi, trên các trang báo mạng, báo giấy khiến cho nhiều làng nghề nước mắm truyền thống cả nước phải lao đao, không ít gia đình phải bỏ nghề, phá sản.

Dù rằng các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng sản xuất nước mắm theo kiểu của riêng họ nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về nước mắm truyền thống với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm, tạo nên danh tiếng nhờ chất lượng khác biệt. Tuy nhiên ở thị trường nội địa nước mắm truyền thống hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% thị phần.

Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam với tổng số 117 hội viên do bà Hồ Kim Liên làm Chủ tịch là một bước tiến mới trong việc đoàn kết các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống lại để cùng tồn tại và phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng giá trị ngành hàng nước mắm của Việt Nam hiện đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm (260 triệu USD) và tăng trưởng trong 10 năm qua đạt 13,15%/năm.

Nước mắm là sản phẩm giàu tính truyền thống của Việt Nam, được gọi là « quốc hồn quốc túy ». Tuy dung lượng thị trường nội địa không lớn so với các sản phẩm tiêu dùng khác, nhưng nước mắm không thể thiếu trong mọi bữa ăn gia đình và các món ăn của người Việt.

Ttrên toàn quốc hiện có 783 cơ sở sản xuất nước mắm và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm.

Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang,…

Tại các tỉnh cũng đã hình thành một số thương hiệu nước mắm nổi tiếng và các sản phẩm nước mắm rất phong phú như nước mắm Vạn Vân (Cát Hải), nước mắm Vạn Phần (Nghệ An), nước mắm Nam ô (Đà Nẵng), nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), nước mắm Liên Thành (TP.HCM). Đặc biệt nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.

Thứ tư 28-10-2020 : Nhiều dự án đầu tư của Mỹ trị giá tỷ USD vào Việt Nam

Tập đoàn Bechtel, General Electric, McDermott ký thỏa thuận cùng triển khai trang thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án Nhà máy điện khí hoá lỏng Bạc Liêu.

Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập).

Dự án có nhà đầu tư chính là Delta Offshore Energy, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.

Trung tâm điện khí dự kiến được khởi công vào quý II/2021 và hoàn thành trong 36 tháng, vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2024 và chạy đủ công suất 3.200MW năm 2027

Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ đóng góp sản lượng điện lên đến khoảng 20 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển.

« Đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng, mở ra một chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Việt Nam », theo đại sứ quán Mỹ.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28-10 cũng cho biết tập đoàn AES (Virginia) dự định sẽ ký thỏa thuận với PetroVietnam Gas trị giá 2,8 tỉ USD để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ do PVGas và AES liên doanh có tổng công suất 0,29 GW với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục tài chính năm 2022, bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2025, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng và phát triển kinh tế.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ bổ sung cho kế hoạch đầu tư của AES vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong nước, cùng với nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) có công suất 2,2GW với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1,8 tỷ USD đã được công bố trước đó. Với sự kết hợp này, Nhà máy điện và Kho cảng LNG sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam, bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu, cũng như đáp ứng nhu cầu nguồn điện bền vững với giá cả hợp lý ngày càng tăng của đất nước. “Đây là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và Nhà máy điện chu trình hỗn hợp của chúng tôi. Với hai dự án này, AES cam kết đồng hành cùng Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn và cung cấp nguồn điện đáng tin cậy với giá cả hợp lý nhất để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng tại Việt Nam” – ông David Stone – Tổng giám đốc thị trường Việt Nam của Tập đoàn AES – chia sẻ.

Thứ tư 28-10-2020 : Bão Molave đổ bộ vào miền Trung

Tâm bão đi đến đâu người dân khốn đốn đến đó, chỉ trong vòng chưa đến 12 tiếng đồng hồ bão bắt đầu đổ bộ, nhiều nơi đã phải cúp điện, mái tôn bay khắp nơi, “nhà không châm đèn nhà vẫn sáng” bởi giờ chỉ còn là những bức tường đổ vỡ.

Tính đến lúc này, tâm bão đang đi qua khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhiều khu vực như các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Dũng, Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi đã hoàn toàn cúp điện, nhiều nhà người dân bị tốc mái, phải nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn, bảng biển hiệu bị gió giật tan hoang, cây cối ngã bứng gốc, tàu thuyền neo đậu tại gò tránh sóng cũng bị sóng nhấn chìm.

Thứ năm 29-10-2020 : Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội tối 29-10, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 29-30/10 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhân kỷ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Sau khi đến sân bay Nội Bài, ông Pompeo đăng Twitter nói rằng « thật tuyệt khi trở lại Hà Nội và để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Mỹ – Việt ».

Chuyến thăm của ông Pompeo nhằm tái khẳng định sức mạnh của quan hệ Đối tác toàn diện, kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, thúc đẩy cam kết chung về một khu vực hòa bình, thịnh vượng và thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Ông Pompeo từng ca ngợi hợp tác Việt – Mỹ trong 25 năm qua và cam kết đưa quan hệ song phương thành hình mẫu quốc tế. Ông cũng bày tỏ trân trọng những thành tựu của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay, đặc biệt trong việc điều phối sự ứng phó của ASEAN với đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan tới phục hồi kinh tế.

Việt – Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ từ ngày 11/7/1995, sau đó tăng cường và mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ.

Thứ sáu 30-10-2020 : Việt Nam trao trả cho Mỹ hai tội phạm nguy hiểm

Hammett Andrew bỏ trốn năm 2019 trước khi bị tòa án ở Mỹ ra 7 lệnh bắt và truy nã về hành vi sản xuất, phân phối, mua bán hoặc sở hữu trái phép có mục đích các loại ma túy.

Đầu tháng 9, Bộ Công an nhận được đề nghị của phía Mỹ phối hợp truy bắt nghi phạm này. Cơ quan chức năng sau đó xác định Hammett Andrew đang thuê trọ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

« Phương pháp tiếp cận phải tính toán kỹ, lựa chọn thời cơ bắt giữ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn », thiếu tá Hà Đức Quang, Phó trưởng phòng Tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an), trực tiếp tham gia chỉ đạo truy bắt, nói.

Sau hơn một tháng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp sát Hammett Andrew, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đưa về trụ sở công an.

Hammett Andrew nói « muốn định cư lâu dài ở Việt Nam », không muốn quay lại Mỹ nên xin được tạo điều kiện. Khi đề nghị này không được chấp nhận, trong quá trình bị dẫn giải, di lý ra Hà Nội, anh ta không hợp tác, vờ đang bị đau dạ dày, vờ ngất, không đủ sức khỏe để làm việc.

Cùng với Hammett Andrew trong tháng 10, cảnh sát Việt Nam cũng phối hợp bắt Wade Astle, 46 tuổi – nghi phạm bị cảnh sát Mỹ truy nã về tội Xâm hại tình dục trẻ em. Nhà chức trách sau đó xác định Wade Astle đang thuê trọ ở quận Tân Bình, TP HCM.

Tổ công tác của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an do thiếu tá Quang chỉ đạo đã vào TP HCM, phối hợp với Công an TP HCM tổ chức vây bắt.

Ngày 23/10, Cảnh sát Tư pháp Mỹ đã điều chuyên cơ đặc biệt tới sân bay quốc tế Nội Bài để dẫn giải Hammett Andrew, Wade Astle về nước.