Sáng ngày 11/11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức giáo dục thế giới Varkey Foundation công bố nằm trong danh sách 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Giải nhất được giới báo chí so sánh như là Nobel trong ngành giảng dạy.
Trước đó, hồi tháng 3, cô đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để lọt vào danh sách 50 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varket Foundation công bố.
Lần này, nhận được kết quả lọt trong số 10 người xuất sắc, trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Phượng đã bật khóc, bởi “điều này không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà còn có ý nghĩa với rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là những người thầy ở vùng khó. Giờ đây, từ vườn chuối, chúng tôi đã có thể chạm tay ra bên ngoài thế giới”.
Tốt nghiệp cao học với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Nhưng cô đã từ chối để tiếp tục đi học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, cô đã quyết định quay về quê mình làm giáo viên tiếng Anh tại một ngôi trường có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô giáo đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
Chẳng cần visa, cả cô và trò đã cùng nhau “đi du lịch” tới hơn 30 quốc gia. Những học sinh miền núi vốn rụt rè, từng “cúi gằm mặt xuống khi nhìn thấy một thầy giáo Tây xuất hiện trên màn hình; đùn đẩy nhau nói chuyện và chỉ dám vẫy tay chào “Hello”, giờ đây đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc”.
Đúng như những gì cô giáo trẻ từng mơ : “Bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”, cô Phượng và học trò đã làm nên “điều kỳ tích” hiếm ai dám tin vào thời điểm 2 năm trước : Học sinh miền quê cũng có thể trở thành công dân toàn cầu. Cô đã từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”. Không chỉ dạy cho những học trò của mình, cô giáo trẻ còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại Californie, Mỹ.