Trụ sở UBND TPHCM được xây từ năm 1898 đến 1909 mới hoàn thành, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, riêng phần trang trí ban đầu do họa sĩ – điêu khắc gia Ruffier đảm trách. Công trình này đã hơn trăm tuổi, là điểm nhấn kiến trúc ở trung tâm TPHCM.
Sau khi chiếm được một số tỉnh của Nam Kỳ, đến năm 1870, chính quyền Pháp mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một nhà làm việc chính thức cho Hội đồng thị xã.
Khu Kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ ngày nay) đã được lưu ý đầu tiên, nhưng vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền vì nơi đây là vùng đất bùn nên dự án kéo dài trong nhiều năm.
Hội đồng thị xã do một Xã trưởng Tây đứng đầu nên được gọi là Dinh xã Tây (còn có tên Dinh đốc Lý) chính là tòa nhà UBND TPHCM hiện nay, tên tiếng Pháp là Hôtel de Ville.
Thời kỳ thuộc chính quyền Sài Gòn, một chức Ðô trưởng được đặt ra để trông coi thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn mà trụ sở đặt tại đây, nên dinh này được đổi tên là tòa Ðô Chính, hay còn gọi là tòa Đô sảnh.
Tổng chi phí khoảng một triệu rưỡi franc (tương đương 3,55 triệu Euros). Năm 1909, tòa nhà được khánh thành với sự tham dự của viên Toàn quyền Ðông Dương nhân kỷ niệm 50 năm duy trì chính quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn (1859-1909).
Tòa nhà là một kiến trúc biểu tượng của thành phố, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ công dân.