Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thống kê sơ bộ của các địa phương tính đến ngày 16/11 cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ liên tiếp gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung là 9.931ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về, 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.
Trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất khi diện tích nuôi nước ngọt, mặn lợ bị ngập lụt lên tới 2.872ha, sản lượng bị thiệt hại 2.712 tấn; thiệt hại về lồng bè 3.294 m3,ước tính thiệt hại khoảng 165 tỷ.
Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ lịch sử cũng khiến người nuôi trồng thủy sản mất khoảng 100 tỷ.
Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, những ngày giữa tháng 11, lũ tràn về bất ngờ, ầm ầm đổ xuống vùng nuôi tôm hùm khiến tôm bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt. Người nuôi loại hải sản cao cấp này ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại khóc ròng vì thiệt hại tiền tỷ.
Chỉ sau 2 ngày nước lũ tràn về, nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ hoặc vừa được khiêng đưa lên bờ, nằm chỏng chơ. Dưới bãi biển, nhiều người hớt hải, bơ phờ đưa những chiếc thuyền thúng chở đầy tôm hùm chết vào bờ.
Hàng trăm nghìn con tôm hùm chết sau lũ, người nuôi điêu đứng, trắng tay!
Ông Nguyễn Văn Tuyền, thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương ngậm ngùi chia sẻ: « Từ đầu năm đến nay do dịch bệnh Covid-19 khó khăn về đầu ra, con tôm hùm nuôi ở Sông Cầu bán cho thương lái với rất thấp từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Chúng tôi hy vọng vào vụ tôm thu hoạch trước Tết Nguyên đán này để gỡ gạc phần nào, thế nhưng dịch bệnh chưa qua, thiên tai lại ập đến ».
“Trắng tay thật rồi, hàng ngàn con tôm của gia đình chết sạch, số còn lại cũng yếu lắm vì uống quá nhiều nước ngọt… Mai đây, chúng tôi không biết làm gì để trả tiền cho ngân hàng, có khi phải thế chấp, bán nhà cửa” – ông Tuyền buồn bã nói.
Theo thống kê, tại tỉnh này có 159 ha ao nuôi bị thiệt hại, ước tính 11 tỷ đồng; 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại, người nuôi mất khoảng 63 tỷ đồng.