Thứ ba 9-11-2020 : Bamboo Airways được cấp phép bay thẳng đến Mỹ
Theo giấy phép từ Bộ Giao thông vận tải Mỹ, Bamboo Airways được thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. HCM tới tất cả các sân bay quốc tế tại Mỹ, bao gồm các sân bay ở Los Angeles hoặc San Francisco mà Bamboo Ariways xác định là những điểm đến đầu tiên.
“Tùy theo tình hình hồi phục sau dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, dự kiến nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, chúng tôi bắt đầu có những chuyến bay thẳng đầu tiên tới Mỹ”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết.
Đường bay thẳng Việt – Mỹ được đánh giá có tiềm năng lớn với khoảng 700.000 lượt khách đi lại mỗi năm, trong khi chỉ cần khoảng 30.000 – 60.000 lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay.
Về pháp lý, từ năm 2003, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định về hàng không, cho phép các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng với tần suất 1 chuyến/ngày, hoặc bay qua điểm dừng tại quốc gia thứ ba để tới Mỹ.
Năm 2010, Cục Hàng không Việt Nam đã rà soát, đánh giá lại Hiệp định, kết luận không còn tồn tại giới hạn, trở ngại nào về hành khách, tần suất bay,… để xin phép mở đường bay kết nối hai nước.
Sau 10 năm nỗ lực, vào đầu năm 2019, Cục Hàng không Việt Nam đã đạt chứng chỉ CAT-1 của Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không Việt Nam có thể đệ trình xin cấp phép bay tới Mỹ và liên doanh với các hãng hàng không tại Mỹ. FAA sẽ tiếp tục đánh giá năng lực của từng hãng hàng không Việt Nam.
Như vậy, hiện có Vietnam Airlines và Bamboo Airways sẽ nối đường bay thẳng Việt Nam và Mỹ.
Thứ ba 11-11-2020 : Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa: « Đi chống bão mà giống đi du lịch ! »
Mạng xã hội hôm nay lan truyền bức ảnh ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa, đi thị sát tình hình chống bão số 12. Nhân viên đi bên cạnh che dù cho ông, trong khi anh này bị mưa ướt cả người.
Thứ năm 12-11-2020 : Quốc hội phê duyệt đầu tư sân bay Long Thành
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỉ đồng, tương đương hơn 4,664 tỉ USD.
Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Thời gian thực hiện giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 :
Sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Để đạt mục tiêu trên, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000m, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động ; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2 ; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m và các hạng mục phụ trợ.
Xây dựng các công trình phụ trợ gồm : nhà để xe ; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm ; khu cung cấp suất ăn hàng không ; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải…
Giao thông kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành gồm : tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe ; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành quy mô 4 làn xe.
Thứ sáu 13-11-2020 : Người nhập cảnh liên tục mắc COVID-19
Những ngày gần đây tại Việt Nam liên tục có ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh, có những chuyến bay mấy chục ca bệnh, tổng số ca mắc tính đến nay của cả nước đã lên tới 1.252 ca và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.
Trong khi đó, các đơn vị giám sát khu vực biên giới vẫn phát hiện người nhập cảnh lậu, có tình trạng người bên ngoài tiếp xúc với người trong khu cách ly, thậm chí là mua hàng, đổi tiền giúp, có nguy cơ làm lây lan COVID-19 ra cộng đồng.
Hành vi tưởng là vô hại
Hơn một tuần trước, Hà Nội đã phải báo động đỏ, lập ngay 5 đoàn kiểm tra, sau khi có 2 nhân viên khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiếp xúc gần với bệnh nhân trong khu cách ly. Những hành vi « giúp khách » tưởng rất vô hại lại làm lộ ra một câu chuyện là dịch COVID-19 có thể lây lan từ khu cách ly.
Trước đó, báo cáo của cơ quan chức năng cũng cho thấy đã có tình trạng người bên ngoài vào tận khu cách ly để bán hàng, tiếp xúc gần với người đang bị cách ly. Tối 10-11, tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh An Giang đã ghi nhận 8 người xuất nhập cảnh trái phép tại biên giới với Campuchia. Rải rác từ tháng 7 đến nay, từng có những vụ xâm nhập trái phép qua biên giới rồi đi máy bay vào tận TP.HCM hay đi xe khách đến nhiều địa phương bị phát hiện. Nếu có sơ sẩy thì một « Đà Nẵng mới » hoàn toàn có thể xảy ra.
Nói chung, các cấp chính quyền Việt Nam vẫn yêu cầu các nơi bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người không đeo khẩu trang tại những khu vực như : bệnh viện, bến xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, chợ, kiên quyết thực hiện « không đeo khẩu trang không cho vào ».
Một số thành phố còn áp dụng biện pháp này tại công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, các sự kiện văn hóa thể thao tại nơi công cộng, sân vận động…
Thứ bảy 14-11-2020 : Đã sơ tán 216 nghìn dân đến nơi an toàn trước bão số 13
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 14-11, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời 66.123 hộ với 216.886 người đến nơi an toàn.
Trong đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác sơ tán dân, các địa phương khác vẫn đang tiếp tục triển khai công tác sơ tán dân.
Từ chiều 14/11 đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 – 250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50 – 150 mm/đợt.
Đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn cho biết, trong thực tế, khi nghe thông tin về một cơn bão, nhiều người cho rằng bão chỉ là một điểm và chỉ chú ý tới vị trí tâm bão và đường đi của tâm bão mà quên mất rằng gió mạnh và mưa lớn thường bao phủ một vùng rộng lớn xung quanh tâm bão. Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì nhiều cơn bão khi tâm còn nằm ngoài biển nhưng vùng gió mạnh và mưa lớn do bão gây ra đã vào sâu trong đất liền.
Chủ nhật 15-11-2020 : Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 kết thúc
« Việt Nam cùng các đối tác đã có kỳ họp tổng thể thành công và tốt đẹp. Chúng ta đã tổ chức 20 kỳ họp cấp cao, trong đó hơn 80 văn kiện được thông qua và ký kết, đây là con số kỷ lục », Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội chiều nay.
Thủ tướng thông báo các thành viên ASEAN đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australie và Nouvelle Zélande. Đây được đánh giá là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 3 tỷ dân.
« Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là thách thức lớn với ASEAN trong năm 2020, ảnh hưởng đến đoàn kết và thống nhất trong khối. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều mong muốn các nước lớn có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực », Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Việt Nam chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 từ năm 2019, khi dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra. Dù có nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam vẫn phát huy tốt vai trò Chủ tịch trong thúc đẩy đoàn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trước dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, triển khai các ưu tiên trong năm 2020.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã bảo đảm sự quan tâm đồng đều của khối dành cho các cuộc thảo luận về biện pháp đối phó dịch bệnh, cũng như các kế hoạch phục hồi dài hạn sau đại dịch. Việt Nam cũng lưu tâm các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, số hóa.
Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19 hôm 14/2, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch. Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19, phối hợp tổ chức họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế nhằm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều nay cũng đã trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam, đánh dấu chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2021 cho nước này.
Brunei sẽ giữ vị trí Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1 đến 31/12/2021, với chủ đề năm ASEAN 2021 là « We care. We prepare. We prosper » (Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng).
Chủ nhật 15-11-2020 : Bão số 13 Vamco đổ bộ vào miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi
Sau khi quật ngã nhiều cây xanh và gây hư hỏng một số công trình ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…, bão Vamco đi vào đất liền khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh đầu giờ chiều 15/11. Bão đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, tàu ngư dân đang neo đậu bị đánh chìm, hàng trăm nghìn hộ dân bị mất điện.
Tại Thừa Thiên – Huế, bão số 13 quần thảo dọc bờ biển tỉnh này suốt 4 tiếng đồng hồ gây mưa to, gió lớn khu vực ven biển và đất liền.
Tại TP.Huế, chịu ảnh hưởng của gió bão nên nhiều cây xanh trên các tuyến đường bị bật gốc, nhiều biển hiệu bị gió cuốn nằm nghiêng ngã xuống lòng đường.
Tại Quảng Trị, nhiều nhà dân bị tốc mái, cây xanh ngã đổ la liệt. Đặc biệt những địa bàn ven biển Cửa Việt, Gio Hải, gió bão quần thảo nhiều giờ khiến khung cảnh tan hoang.
Tại Hội An, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra rất nghiêm trọng suốt 7km thuộc 2 phường Cửa Đại và Cẩm An, xâm lấn sâu vào đất liền 10-15 m, gây sập một số hàng quán nằm bên bờ biển.
Tại Đà Nẵng, ảnh hưởng của cơn bão nhẹ, gió không mạnh, nên thiệt hại trên địa bàn ban đầu không đáng kể.
Trên các tuyến phố chính của Đà Nẵng, lượng cây xanh ngã đổ rất ít. Tuy nhiên, bờ kè sông Hàn trên đường Như Nguyệt cạnh cầu Thuận Phước tiếp tục bị sóng đánh nứt toác.