Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Việt Nam tuần qua : từ 07-12 đến 13-12

Thứ hai 07-12-2020 : Hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ phản đối Grab tăng giá cước

Sáng 7-12, tại khu vực trước trụ sở Grab tại Hà Nội hoặc TP HCM, hàng trăm tài xế xe máy công nghệ GrabBike đã tập trung tại đây, tắt ứng dụng App để phản đối việc đơn vị này tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5-12.

« Hiện nay Grab trừ 20% cước phí của mỗi cuốc xe, nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe được 100.000 đồng sẽ mất 20.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp gần 10% VAT (tức thuế giá trị gia tăng) nữa. Mức thu này tương ứng với khoảng gần 30% cước phí và chúng tôi chỉ còn 70.000 đồng để mang về. Trừ chi phí xăng, dầu và khấu hao đi thì chúng tôi chẳng còn lại bao nhiêu » – một tài xế xe ôm công nghệ này phàn nàn.

Kể từ 5/12, Grab áp dụng cách tính cước mới, làm tăng mức tài xế phải trả lẫn tăng cước GrabBike và GrabCar với khách hàng. Việc điều chỉnh này nhằm « phù hợp » với Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, Nhà nước thống nhất cách tính thuế VAT với các nền tảng đặt xe và tài xế công nghệ nói chung, không chỉ riêng với Grab. Nghị định này cũng tạo công bằng đối với các phương tiện truyền thống khác như taxi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là : Grab quyết định dùng Nghị định này để tăng giá cước với khách hàng và VAT thì đổ lên đầu các tài xế. Ở đây, Grab chẳng bị thiệt thòi gì cả.

Các ông chủ Grab làm giàu trên sức lao động của tài xế như thế nào ?

Giới truyền thông sử dụng thuật ngữ « gig economy » (nền kinh tế tạm bợ) để chỉ những mô hình kinh doanh giống Grab và Gojek ở Đông Nam Á hay Uber và Lyft tại Mỹ. Trong nền kinh tế này, người lao động làm việc bán thời gian, tạm bợ trong khi các công ty chỉ muốn sử dụng lao động tự do thay vì lao động có hợp đồng.

Người lao động được dán mác mỹ miều « đối tác độc lập ». Nhưng họ không được trả lương tối thiểu, tiền ngoài giờ, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ bệnh có lương… « Ở đó, người lao động sẽ sống mòn với mức lương bèo bọt trong khi các ông chủ nền tảng giàu to », nhà phân tích Brian Merchant nhận định trên Medium.com.

Theo ông, nhờ lợi dụng cái tiếng công nghệ và mô hình kinh doanh bóc lột sức lực của người lao động, các hãng xe gọi là « xe công nghệ » như Grab rao bán ảo tưởng chiếm lĩnh thị trường nhằm thu hút tiền đầu tư.

Trên thực tế, các công ty này chỉ cung cấp dịch vụ taxi, tự đánh bóng bản thân bằng một ứng dụng có giao diện thân thiện, dựa trên công nghệ GPS có từ nhiều thập kỷ qua, rồi vin vào yếu tố « công nghệ » để đòi qua mặt các quy định của Nhà nước về lao động.

Thứ hai 07-12-2020 : Côn đồ đánh nữ sinh dã man

Người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một phụ nữ lưu thông trên đường Bùi Ngọc Thu (Bình Dương) tự dưng cho xe máy quay đầu để qua đường. Lúc này, 2 học sinh đi xe đạp điện từ phía sau chạy tới không kịp tránh đã tông vào xe của đôi nam nữ khiến cả 2 ngã nhào. Cùng thời điểm, một phụ nữ điều khiển xe tay ga cũng lao đến, tông tiếp vào xe của đôi nam nữ và ngã văng về phía trước khoảng 5m.

Sau vụ va chạm, người đàn ông đi xe máy không giúp đỡ người bị nạn mà còn lao vào dùng chân đạp liên tiếp vào đầu, mặt nữ sinh đi xe đạp điện. Chưa dừng lại, đối tượng này còn rút trong người ra một cây gậy ba khúc đánh liên tiếp vào người em học sinh. 

Cháu Võ Ngọc Khánh V. (SN 2005, học sinh lớp 10, phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) chưa hết hoảng sợ sau vụ tai nạn giao thông và bị Lê Tấn Thành (SN 1991, ngụ phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một) đánh dã man. V. bị 2 vết thương trên đầu phải khâu 10 mũi, chấn thương ở mặt, trầy xước tay chân.

Từ hình ảnh được ghi lại, từ lời khai nhân chứng, công an TP Thủ Dầu Một đã ra quyết định bắt khẩn cấp đối tượng này để điều tra. 

Thứ hai 07-12-2020 : Người dân TP HCM sẽ không phải « canh » cửa để ghi điện

Cho đến nay, định kỳ người dân ở TP HCM nhận được giáy thông báo là sẽ có người của Sở điện đến để ghi số điện tiêu thụ. Do vậy phải có người ở nhà để mở cửa cho nhân viên đến ghi chỉ số công-tơ điện. Từ nay, sẽ không còn tình trạng đó nữa.

Tổng Công ty Điện lực TP HCM đang tiến hành thay thế công-tơ điện kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa (AMR – Automatic Meter Reading).

Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi công-tơ sẽ được gắn một thiết bị truyền dữ liệu để truyền thông tin về hệ thống thu thập dữ liệu tập trung, thay thế cho việc đọc chỉ số thủ công với những khuyết điểm như chi phí nhân công cao, có thể xảy ra sai sót do yếu tố con người như trước đây. Tính đến tháng 11-2020, ngành điện đã triển khai lắp đặt công-tơ điện tử có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa tập trung cho gần 1,7 triệu khách hàng trên địa bàn TP.

Ngoài ra, với hệ thống đo đếm mới này, vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, khách hàng đều có thể theo dõi được tình hình sử dụng điện, điện năng tiêu thụ hằng ngày và hóa đơn tiền điện hằng tháng của nhà mình thông qua hình thức tra cứu trên ứng dụng thiết bị thông minh cskh-evnhcmc (trên AppStore hay CH Play), qua web cskh.hcmpc.vn, Zalo… Điều này giúp khách hàng hoàn toàn chủ động việc điều chỉnh sử dụng điện phù hợp nhằm mang lại hiệu quả sử dụng điện cao nhất.

Thứ tư 09-12-2020 : Nghệ sĩ Chí Tài qua đời

Ngày 9/12, nghệ sĩ Chí Tài (sinh năm 1958) đột quỵ tại nơi ở của ông ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nhiều nghệ sĩ Việt đồng loạt chia sẻ tâm trạng tiếc thương khi nghe tin ông qua đời. Ông bị đột quỵ vào buổi sáng, tuy đã được nhập viện ngay nhưng đến chiều thì không qua khỏi.

Chí Tài (quốc tịch Mỹ) là nghệ sĩ hài nổi tiếng ở hải ngoại, sau này được biết ở trong nước sau khi ông về Việt Nam sinh sống và được xem là cặp bài trùng của nghệ sĩ hài Hoài Linh. Ngoài tài năng diễn hài duyên dáng, ông còn là một nhạc sĩ, từng hòa âm và viết lời Việt cho nhiều ca khúc quen thuộc. Đây cũng là một khía cạnh ít người biết.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong. 90% số người qua cơn đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Đột quỵ hay còn gọi là « tai biến mạch máu não » xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ hoặc nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn. Không có oxy, các tế bào não và mô sẽ bị tổn thương và bắt đầu chết trong vòng vài phút.

Thứ bảy 12-12-2020 : Chạy thử toàn hệ thống đường sắt (Métro) Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội)

 Sáng 12-12, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày để đánh giá an toàn, phục vụ nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13,05km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông với 12 nhà ga trên cao.

Ngoài 11 chuyên ngành thiết bị, dự án có 13 đoàn tàu sản xuất tại Trung Quốc, mỗi đoàn 4 toa, chở hơn 900 người, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân 35km/h trên đường đôi, khổ 1,435m. Các đoàn tàu được khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến trong giai đoạn đầu, sau đó rút ngắn 2 phút/chuyến.

Trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống, liên danh tư vấn quốc tế độc lập do Bộ Giao thông vận tải thuê là Apave-Certifer-Tricc (Tư vấn Pháp) sẽ đưa ra đánh giá về an toàn, nếu đạt sẽ cấp chứng chỉ cho dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt đầu tư năm 2008 với thời gian thực hiện 5 năm, từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013. Nhưng do triển khai chậm nên đến tháng 10-2011 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Tuy nhiên do nhiều lý do, vướng mắc nên dự án nhiều lần vỡ mốc tiến độ hoàn thành.

Cùng với chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD) lên 18.001 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 4.134 tỉ đồng (199,63 triệu USD).

Thứ bảy 12-12-2020 : Ngày của phở

Ngày của phở 12-12 năm nay được tổ chức tại Aeon Mall Hà Đông, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội. 

Toàn bộ doanh thu vé vào cửa (10.000 đồng / vé) sẽ được dùng trao học bổng cho các em nhỏ khó khăn, học giỏi tại huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An.

Mục tiêu lớn được đặt ra làm sao sau Ngày của phởnhững người yêu thích phở và muốn nấu phở đều có thể cho ra được một nồi phở thực sự là… phở. 

Do đó, trong sáng khai mạc có một buổi trò chuyện đặc biệt giữa nghệ nhân dân gian Phạm Ánh Tuyết, người nấu bếp duy nhất ở Việt Nam hiện nay được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong ngành ẩm thực với các thí sinh, bà nội trợ về bí quyết nấu một nồi phở đúng chuẩn. 

Gần 100 khách mời bao gồm các nhà ngoại giao đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nam Phi, Argentina, và các quốc gia Đông Nam Á… có mặt tại đêm gala « Chuyện của phở », sự kiện do Bộ Ngoại giao hỗ trợ báo Tuổi Trẻ tổ chức.Khách tham dự đã có dịp khám phá những câu chuyện thú vị như phở Việt Nam đã đi vào thực đơn Giáng sinh của Hoàng gia Thụy Điển ra sao, hay cách thưởng thức phở lắm công phu của đại sứ Palestine Saadi Salama trong đoạn phim ngắn trình chiếu tại sự kiện…

Ban tổ chức đã công bố danh sách 10 thương hiệu phở được yêu thích nhất năm 2020 :

Phở Bát Đá Long Biên – CT9 – C9 – BT7, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội

Phở Dậu – cư xá 288, hẻm 288 M1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TP.HCM

Phở Đạo – 116C – B6 Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Phở Đệ Nhất – 706 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP.HCM (với nhiều chi nhánh)

Phở Ngọc Vượng – 106 – G22 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội (cùng nhiều chi nhánh khác)

Phở Sâm Ngọc Linh – 176 quốc lộ 13, khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, Bình Dương

Phở Thìn Bờ Hồ – 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phở Thìn Lò Đúc – 13 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phở Thy – 10 Einstein, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM

Phở Việt Nam – 66 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, TP.HCM.