Từ ngày 17-12, 60 người tình nguyện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do công ty Nanogen (Việt Nam) sản xuất, đã bắt đầu được tiêm mũi đầu tiên. Họ sẽ được tiêm dò 3 loại liều 25mcg, 50mcg và 75mcg để tìm liều lượng tối ưu.
Vắc xin được tiêm lần này có tên Nanocovax, liều tiêm gồm 2 mũi cách nhau 28 ngày.
3 người đầu tiên được tiêm liều 25mcg. Nếu an toàn, 72 giờ sau sẽ tiếp tục tiêm liều 50 mcg/mũi cho 3 người tiếp theo. 72 giờ sau đó nữa tiêm liều 75 mcg/mũi tiêm cho 3 người khác. Nếu kết quả các mũi tiêm dò liều đều an toàn, 51 người tình nguyện còn lại sẽ được chia thành 3 nhóm để thực hiện tiêm thử nghiệm.
Công ty Nanogen có thể sản xuất được từng lô 600.000 liều. Khi chính thức đi vào sản xuất, công ty có thể cung cấp mỗi tháng 5 triệu liều vắc xin.
Giá thành vắc xin (sau khi trừ phần được Nhà nước trợ giá) là 120.000 đồng/mũi tiêm, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Đây là vắc xin phải tiêm nhắc lại hằng năm, tương tự vắc xin ngừa cúm mùa.
Dự kiến, tháng 2-2021, vắc-xin Covid-19 của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và tháng 3-2021, vắc-xin của Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người.
Công ty Nanogen và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ký hợp đồng bảo hiểm cho chương trình thử nghiệm này, kéo dài trong suốt 3 giai đoạn thử nghiệm vắc-xin với số tiền bảo hiểm 20 tỉ đồng, trong đó quyền lợi tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng.
Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tai biến vắc-xin và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người tình nguyện do quá trình thử nghiệm vắc-xin, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm thanh toán, bồi thường các chi phí.
Ngoài ra, người thử nghiệm còn được hỗ trợ các chi phí như đi lại, ăn nghỉ…
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng trên thế giới phải bảo quản đến nhiệt độ âm 70-75 độ, khó khăn trong việc cơ sở bảo quản và vận chuyển.
Theo GS Đỗ Quyết, Giám đốc học viện Quân y, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người. « Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm, đến nay qua thực tiễn đã chứng minh bảo đảm về chất lượng, bây giờ đến sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh ».
Thời gian qua đã xảy ra trên thế giới cái gọi là « cuộc chiến vắc-xin », qua đó, rõ ràng các nước nghèo là người chịu thiệt đầu tiên vì phải « làm đuôi để mua vắc xin » hoặc phải « ngửa tay để xin viện trợ ».
« Tự lực cánh sinh » là ý chí của nền y học Việt Nam, đồng thời có lẽ đây cũng là mong muốn của mọi người Việt.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ mua vắc xin từ nước ngoài để cung ứng sớm nhất và đầy đủ cho dân số gần 100 triệu dân.