« Đời xưa đời xửa vua gì
Có nàng đứng ngóng chồng về đầu non
Thế rồi trông mỏi trông mòn Thế rồi hóa đá ôm con đứng chờ… ».
Chuyện hòn vọng phu có ở rất nhiều nơi trên đất nước này và trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã được nhạc sĩ Lê Thương bất tử hóa bằng trường ca để đời. Nhưng ít ai biết ba tuyệt tác Hòn vọng phu đã ra đời như thế nào ?
« Người vọng phu trong lúc gió mưa
Bế con đã hoài công để đứng chờ
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ… »
« Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về
Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề
Người tung hoành bên núi xa xăm
Người mong chồng còn đứng muôn năm… ».
Tuyệt tác Hòn vọng phu của nền âm nhạc nước nhà sau gần một thế kỷ kể từ ngày đầu phổ biến đến nay vẫn còn vọng mãi lòng người.
Nỗi niềm từ đá vọng phu và Chinh phụ ngâm
Thủa còn học sinh, cậu bé Ngô Đình Hộ – tên thật nhạc sĩ Lê Thương – từng ghé đồn điền gia đình người bạn học ở đất Đồng Đăng thuộc phủ Lạng Thương (nay là Lạng Sơn).
Những cuộc viếng thăm đã hằn sâu trong lòng cậu bé hình ảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng đến hóa đá với bao tình cảm, nỗi niềm mòn mỏi hun hút.
Về sau, huyền tích ấy quyện hòa với hình tượng người vợ ôm con chờ chồng đến hóa thành tượng đá trong chuyện kể dân gian trải dài khắp đất nước càng thấm đậm lòng Lê Thương.
Trường ca Hòn vọng phu thành hình từ ấy…
Người nhạc sĩ từng chia sẻ về nguyên cớ ra đời Hòn vọng phu 1 rằng: « Không phải đơn thuần chỉ có tượng đá Tô Thị vợ Đậu Thao, chồng đi chinh chiến phương Bắc lâu ngày, nàng ôm con ngóng chờ mỏi mòn rồi hóa đá ».
Tác giả cũng cho biết ngoài câu chuyện nàng Tô Thị ở Đồng Đăng xứ Lạng, còn có thêm câu chuyện hai anh em ruột bị cảnh biệt ly vì giặc giã, khi lớn họ gặp lại không nhận ra nên lấy nhau. Người chồng bỏ đi biệt tích sau khi biết vợ chính là em gái qua vết sẹo do mình gây ra từ nhỏ, rồi người vợ bồng con lên núi chờ chồng đến hóa thành tượng đá…
Lê Thương tiếp tục cho biết: « Phải nói cho đúng, những cảm hứng đã thôi thúc tôi sáng tác Hòn vọng phu còn mấy yếu tố quan trọng nữa, đó là chuyến tôi vào Nam năm 1934, khi qua đèo Cù Mông đến ranh giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tôi thấy đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông đèo Cả. Và khi xuống chơi Hà Tiên thấy hòn vọng phu trong vịnh Thái Lan.
Đồng thời, một xúc tác sâu trong tâm hồn tôi là ảnh hưởng những câu thơ trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), đã in sâu vào tiềm thức khi còn ngồi ghế nhà trường: « Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung ». Tất cả ấn tượng đó nằm sâu trong tâm thức đã từ lâu thôi thúc tôi thai nghén tạo nên ba tác phẩm trường ca nhạc cảnh Hòn vọng phu« .
Sinh thời, nhạc sĩ Lê Thương chia sẻ: « Việc sáng tác ba bản Hòn vọng phu xuất phát từ những bước luân lạc kéo dài tại xứ dừa Bến Tre. Những rung cảm êm đềm lẫn ghê rợn, tuyệt vọng, đã giúp cho chàng nhạc sĩ giang hồ gốc Thăng Long là tôi chắp nối dần các tình tiết thành một truyện ca ». Cả ba bản nhạc được viết ở âm giai rê thứ.
Bài Hòn vọng phu 1 là cảnh chia li trở thành vĩnh biệt của đôi vợ chồng trẻ: người chồng lên đường ra trận, vợ ở nhà mòn mỏi ôm con chờ chồng đến hóa đá. Bằng cảm xúc và trí tưởng tượng, ông đã quyện hòa hữu cơ giữa truyện thơ Chinh phụ ngâm với những địa danh gắn liền các điển tích li biệt.
Hòn vọng phu 2 (Ai xuôi vạn lý) viết về niềm son sắt của người vợ trong đời đá vững chãi đợi chờ suốt nghìn năm, dù cho núi lở sông mòn, dù nhận được tin người chồng đã khuất.
Ở bài Hòn vọng phu 3, người chinh phu về cố hương tìm vợ con, chỉ biết đớn đau trước « vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu »…
Tác giả Phan Hoàng trong sách Phỏng vấn người Sài Gòn (NXB Trẻ 1998) đã viết: « Lê Thương góp phần khẳng định bước tiến mới của một nền âm nhạc vốn đã định hình từ hàng ngàn năm ở phương Đông. Bước chân lưu lạc của người nghệ sĩ ngay chính trên đất mẹ thân yêu thời tao loạn đã đem lại cho Lê Thương những xúc cảm bi tráng mà đỉnh cao là ba bản Hòn vọng phu.
Trong tác phẩm này, nhạc sĩ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, dệt nên « truyện ca » bất tử, chinh phục con tim người yêu âm nhạc ngay khi mới xuất hiện ».
Phổ biến từ năm 1945
Cho đến nay nhiều tác giả đưa ra khá nhiều mốc thời gian ra đời Hòn vọng phu. Tại Hà Nội, chúng tôi tìm gặp nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, người từng gặp Lê Thương nhiều lần, khi thì một mình, khi thì với Văn Cao và những nhạc sĩ danh tiếng khác, mà lần cuối vào khoảng năm 1985. Ông được Lê Thương chia sẻ nhiều về chuyện sáng tác, chuyện các nhạc sĩ tân nhạc, tài liệu học thuật lẫn lịch sử âm nhạc.
Ông Thụy Kha kể: « Khi rời Hải Phòng vào miền Nam, Lê Thương thấy trên con đường dài đằng đẵng xuyên đất nước mình, những hòn vọng phu cứ đứng bên đường, cứ hết tỉnh này đến tỉnh khác; ông ấy cám cảnh đất nước mình đang chiến tranh… Vùng đất đầu tiên ông ấy dừng là Đồng Nai Thượng, sau đó thì dừng chân ở cù lao An Hóa, tỉnh Bến Tre, rồi viết Hòn vọng phu 1. Ấy vào khoảng năm 1941… ».
Theo ông Thụy Kha, Lê Thương theo kháng chiến, đến năm 1947 khi đang ở vùng Chẹt Sậy, tỉnh Bến Tre thì viết tiếp Hòn vọng phu 2 (Ai xuôi vạn lý). Khi về Sài Gòn, Lê Thương cùng với Phạm Duy và Trần Văn Trạch bị bắt giam tại bót Catinat trong bốn tháng. Sau khi được thả, ông sáng tác Hòn vọng phu 3 (Người chinh phu về) vào năm 1951. Nếu đúng theo điều chia sẻ của nhạc sĩ Lê Thương với ông Nguyễn Thụy Kha, trường ca hoạt cảnh Hòn vọng phu sáng tác trong 10 năm (1941 – 1951).
Còn nhà nghiên cứu Đặng Tiến cho rằng: « Dường như phần I và phần II Ai xuôi vạn lý được sáng tác đồng thời (1946), còn phần III làm sau ». Tác giả Huỳnh Duy Lộc thì cụ thể hơn: « Hòn vọng phu 1 viết năm 1945, Ai xuôi vạn lý viết năm 1946, Người chinh phu về viết năm 1947″.
Khi trả lời phỏng vấn tác giả Phan Hoàng, Lê Thương không nói rõ năm sáng tác Hòn vọng phu 1, chỉ cho biết viết hai bài sau lần lượt năm 1946 và 1947. Ông nói: « …Từ năm 1945 đến đầu 1948, ba bản Hòn vọng phu lần lượt được xuất bản tại Sài Gòn… Sau khi hoàn thành Hòn vọng phu 1, tức Người ra đi, tôi đã gửi cho cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước một bản trước ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945″.
Tương tự, trả lời phỏng vấn Lê Phương Chi, nhạc sĩ Lê Thương cho biết năm 1946 và 1947 ông sáng tác lần lượt Ai xuôi vạn lý và Người chinh phu về. Trước đó, « Sau khi hoàn tất nhạc phẩm Hòn vọng phu 1, tôi nhờ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra miền Bắc phổ biến hồi năm 1945″…
Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1914 tại Nam Định, từng tu theo Công giáo, học ngành sư phạm, đi dạy học và hoạt động âm nhạc tại Hà Nội, Hải Phòng. Đầu thập niên 1940, ông vào Nam tham gia kháng Pháp rồi về Sài Gòn định cư, tiếp tục dạy học và hoạt động âm nhạc cho đến khi mất vào ngày 18-9-1996 tại nhà riêng (đường Bùi Viện, TP.HCM).
Lê Thương được nhiều nhạc sĩ đại thụ tôn là bậc thầy, ngoài trường ca Hòn vọng phu, ông để lại cho đời hàng loạt tác phẩm và công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị.