Thứ hai 14-12-2020 : Gian lận trong bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), những năm qua, tình trạng trục lợi, lạm dụng, gây thất thoát quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp lách luật BHXH bằng cách ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng với người lao động (NLĐ) nhằm mục đích vừa bảo đảm kinh doanh – sản xuất vừa không phải đóng BHXH bắt buộc.
Về phía người dân, ghi nhận tại một số địa phương, trợ cấp thai sản và trợ cấp thất nghiệp là 2 chế độ bảo hiểm bị trục lợi nhiều. Một số BHXH tỉnh đã phát hiện nhiều vụ trục lợi quỹ ốm đau, thai sản bằng cách lập khống hồ sơ hưởng thai sản và hồ sơ hưởng BHXH một lần. Đặc biệt, qua kiểm tra đã phát hiện hơn 1.000 lượt NLĐ hưởng chế độ ốm đau, thai sản chưa đúng quy định với số tiền phải thu hồi gần 2 tỉ đồng. Qua chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cũng cho thấy đã xảy ra tình trạng trục lợi quỹ hưu trí, tử tuất bằng cách chi trả trùng lương hưu, chi trả lương hưu khống… Nhiều trường hợp cơ quan BHXH đã phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ.
Hiện cả nước có khoảng 87,05 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỉ lệ bao phủ 90,1% dân số. Từ đầu năm 2020 đến nay, số tiền chi trả từ quỹ BHYT đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng (hang tỷ USD). Tuy nhiên, nạn gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết qua hệ thống giám định, cơ quan bảo hiểm đã phát hiện một số người không tham gia BHYT nhưng mượn thẻ BHYT của người thân, người quen để đi khám chữa bệnh. Một số trường hợp sau khi người bệnh đến KCB, nhân viên y tế dùng mã thẻ của người bệnh tiếp tục kê khống đơn lĩnh thuốc và đề nghị thanh toán. Cùng với đó, còn tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT của cơ sở KCB, chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, thanh toán tiền hội chẩn không đúng quy định…
Thứ năm 17-12-2020 : Bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975
Theo Nghị định số 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, quy định cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 sẽ bị bãi bỏ.
Trước đó, theo nghị định 79 quy định về lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, các tổ chức, cá nhân nào muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp 1 bộ hồ sơ xin cấp phép đến Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó, các tác phẩm không được vi phạm các quy định cấm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bao gồm : chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; xâm phạm an ninh quốc gia ; phủ nhận thành tựu cách mạng ; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân ; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo ; phân biệt chủng tộc ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân ; Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Cho đến bây giờ, tất cả các tác phẩm sáng tác tại miền Nam trước 1975 đều phải xin phép, trong đó có luôn các sáng tác không chỉ từ thời chế độ cũ (chủ yếu là nhạc tiền chiến) mà còn có những sáng tác của các tác giả trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh ở đô thị miền Nam như « Hát cho đồng bào tôi nghe » hoặc ca khúc ra đời trong chiến khu, vùng giải phóng ở miền Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điển hình nhất là nhạc Trịnh Công Sơn.
Từ nay, các tác phẩm đó, cũng như tất cả các tác phẩm khác, chỉ sẽ bị hậu kiểm. Đó là chức năng của các cơ quan quản lý cấp phép công diễn và hậu kiểm của địa phương, các đài truyền hình, đài phát thanh…
Nếu nội dung sai phạm thì mới bị cấm. Đó cũng là lẽ đương nhiên, ở đâu cũng vậy. Đây được đánh giá là một động thái tích cực của chính quyền về việc giải tỏa khúc mắc trong tâm tư một bộ phận người dân trên một vấn đề mà lịch sử đất nước bị chia đôi đã để lại.
Thứ sáu 18-12-2020 : Xe đạp công cộng cho thuê 10.000 đồng/giờ ở trung tâm Sài Gòn
Chiều 18/12, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND TP vừa đồng ý chủ trương thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike tại một số khu vực ở trung tâm.
Sở GTVT cho biết xe đạp công cộng Mobike do một công ty tư nhân làm chủ đầu tư sẽ được triển khai thí điểm cho người dân và du khách thuê ở khu vực trung tâm (gồm quận 1 và quận 3).
Theo thiết kế, xe đạp công cộng có màu xanh chủ đạo, dáng thấp và được gắn các thiết bị chuyên dụng để phục vụ việc cho thuê.
Trên xe đạp được gắn hệ thống khoá thông minh và đảm bảo an toàn như khoá hỗ trợ tính năng GPS, hỗ trợ đóng/mở khoá xe qua kết nối 2G/3G/4G/Bluetooth, phương thức đóng/mở khoá bằng cách sử dụng ứng dụng trên smartphone (điện thoại thông minh) để quét mã QR code được in trên khoá. Hệ thống khoá có sử dụng năng lượng mặt trời được gắn sẵn trên xe.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân có smartphone sẽ tải và cài đặt ứng dụng Mobike (miễn phí trên CHPlay và Apple Store) quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm xe gần nhất, sau đó dùng ứng dụng này để quét mã code mở khoá xe sử dụng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khoá xe.
Mỗi xe đạp đều được gắn một thẻ ID định danh. Thông qua hệ thống phần mềm trung tâm, người vận hành có thể giám sát được xe nào đang ở trạm nào, vị trí nào hoặc khách hàng đang sử dụng xe nào.
Khi sử dụng xe đạp, người dùng phải nạp tiền trước thông qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc nộp tiền trực tiếp với giá 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút, thời gian đầu sẽ miễn phí sử dụng 15 phút từ 1-3 tháng.
Chủ nhật 20-12-20 : Tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà lớn nhất Việt Nam
Tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà lớn nhất Đông Nam Á do Công ty TNHH CPV FOOD (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam) đưa vào hoạt động được đặt tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Dự án tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV FOOD có số vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm.
Đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của Việt Nam với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
CPV FOOD Bình Phước bắt đầu đi vào vận hành và có lô gà xuất khẩu đầu tiên từ năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm lớn trên thế giới.
Dự án là tổ hợp khép kín gồm : 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ – chế biến thịt gà.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ năm 2019-2023) được thực hiện trên 6 địa phương thuộc tỉnh Bình Phước bao gồm : TP. Đồng Xoài, thị xã Bình Long, huyện Đồng Phú, huyện Chơn Thành, huyện Hớn Quản, huyện Bù Đăng, với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm.
Giai đoạn 2 sau đó sẽ nâng công suất lên 100 triệu con gà thịt/năm.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data… trong quản lý điều hành và sản xuất chăn nuôi là khâu then chốt.
Chủ nhật 20-12-20 : Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số tiền lớn
Một vụ án vận chuyển tiền trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng (750 triệu €) đang được cơ quan điều tra mở rộng làm rõ nguồn gốc, động cơ mục đích của các đối tượng và làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố thêm nhiều bị can khác.
Kết quả bước đầu của chuyên án xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới.
Bất cứ quốc gia nào cũng có những quy định pháp luật để quản lý tiền tệ, việc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ và để quản lý kinh tế của quốc gia. Theo quy định của pháp luật thì việc vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới phải khai báo hải quan, trừ trường hợp số tiền nhỏ sử dụng trong tiêu dùng.
Pháp luật Việt Nam quy định, người nào mang số tiền Việt từ 15.000.000 đồng trở lên ra nước ngoài thì phải khai báo hải quan. Cụ thể, cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam trên mức dưới đây phải khai báo hải quan cửa khẩu : 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương ;15 triệu đồng.
Theo đó, pháp luật hiện hành không giới hạn mức tiền mặt được phép mang ra nước ngoài, nhưng giới hạn mức tiền mặt phải khai báo hải quan khi mang ra nước ngoài. Cụ thể là trên 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng.
Trường hợp vận chuyển số tiền qua biên giới từ 100.000.000 đồng trở lên mà không khai báo thì sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể trong vụ này, với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới lên đến 30.000 tỷ, các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu là số tiền hợp pháp thì thu nhập từ số tiền này phải nộp thuế và việc vận chuyển qua biên giới họ sẽ phải khai báo.
Còn trường hợp số tiền trên là do phạm tội mà có hoặc trốn thuế, các đối tượng sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật.
Nếu thu nhập từ lao động sản xuất kinh doanh đơn thuần, không thể có được số tiền đặc biệt lớn như thế.