Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Dân số Việt Nam sẽ như thế nào trong tương lai ?

Già hóa

Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73,6, liên tục tăng từ năm 1989 đến nay. Trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 và nữ giới là 76,3 tuổi.

Sau 30 năm nữa, có 25% dân số Việt Nam ở tuổi 60 trở lên, đất nước bước vào giai đoạn « dân số rất già », theo dự báo của Tổng Cục dân số. 

Năm 2019, Việt Nam có 96,2 triệu người, tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm trong mười năm qua là 1,14%. Bình quân mỗi năm Việt Nam tăng khoảng một triệu dân.

Năm 2011, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Năm 2018, con số này tăng lên thành 11,95%.

Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%.

Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển có nhiều thập kỷ đến hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Australie 73 năm; Trung Quốc 26 năm ; tiến trình này ở Việt Nam chỉ diễn ra trong 15 năm.

Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình. Đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 

Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền.

 Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh

Cùng với quá trình già hóa dân số, hiện nay, Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Từ năm 1989 đến nay, số người dưới 15 tuổi giảm từ 39% xuống 24% ; nhưng trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) lại tăng từ 56% lên 68%.

Lợi thế dân số vàng nếu được tận dụng tốt là điều kiện để cải thiện cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi trong tương lai. Bởi vậy, đầu tư y tế, giáo dục và công việc ổn định cho thế hệ thanh niên hiện tại có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi kế tiếp.

Mất cân bằng về giới tính

Khoảng 30 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt viễn cảnh 2,3-4,3 triệu đàn ông phải sống độc thân vì thiếu nữ giới.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho biết ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính (khi sinh) được phát hiện từ những năm 2009, sau đợt tổng điều tra dân số.

Dù xuất hiện sau một số quốc gia, vùng lãnh thổ, tình trạng này của Việt Nam lại diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng.

Tỷ số này đã tăng từ 106,2/100 (bé trai so với bé gái) năm 2000 lên 114,8/100 vào năm 2018. Năm 2019, tỷ số giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo bà Quỳnh Anh, nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2050, Việt Nam phải đối mặt viễn cảnh khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông không thể kết hôn vì thiếu nữ giới và phải đi tìm ‘bạn trăm năm’ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính (khi sinh) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số nhân khẩu học, dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ kết hôn sớm ; tỷ lệ ly hôn và tái hôn ; tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao…

Khi mới được phát hiện, mất cân bằng giới tính (khi sinh) chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng nhưng nay đã được phát hiện trên 40 tỉnh, thành. Tình trạng này xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, gia đình có điều kiện kinh tế hoặc kém hơn.

Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này ở Việt Nam không khác so với các nước châu Á. Đó là bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Mọi người ưa thích con trai hơn vì nhiều lý do khác nhau như có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thêm lực lượng lao động trong gia đình, đặc biệt ở những nơi yêu cầu công việc nặng nhọc như vùng biển, nông thôn, mỏ than…

“Mỗi gia đình chỉ có 2 con nên các cặp vợ chồng thường phải cố gắng sinh ít nhất một đứa con trai. Điều này đặc biệt rõ ở Việt Nam vì mất cân bằng giới tính (khi sinh) cao ngay ở lần sinh đầu tiên. Chúng tôi thường gọi đó là ‘quy luật dừng’ – tức nếu sinh được con trai, các cặp vợ chồng có xu hướng không sinh con nữa”. Sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là một phần nguyên nhân.

Chiều cao tăng lên

Chiều cao trung bình của nam thanh niên đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010 ; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với năm 2010. 

Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Tăng từ 2 cm trong 1 thập kỷ đã là mức tăng nhanh, chỉ xảy ra ở các nước có nền kinh tế tăng tốc sau giai đoạn bị kìm hãm do khủng hoảng kinh tế hoặc do chiến tranh. Hiện tại, xu hướng lâu dài về tăng trưởng chiều cao vẫn xảy ra ở các nước Hà Lan, Na-Uy, Anh… nhưng chỉ mức tăng 0,5cm/10 năm vì họ đã trải qua giai đoạn tăng hơn 2 cm/10 năm trong một thời kỳ dài.

Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam, mức tăng nhanh như vậy là nhờ chăm sóc 1.000 ngày vàng đầu đời để giảm suy dinh dưỡng thấp còi (thấp về chiều cao). Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam đã giảm xuống từ 59% vào năm 1985 xuống còn 19,6% vào năm 2020.

« 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cần can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được ». 1.000 ngày « vàng » của bé được chia như sau : 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ hai. 1.000 ngày vàng được y học hiện đại và các nghiên cứu khoa học thừa nhận là giai đoạn quyết định.