Tôi đã làm việc với những người sở hữu khối tài sản hàng chục triệu USD và quen giải quyết mọi việc bằng tiền.
Lần hy hữu, văn phòng nhỏ ở Brisbane của tôi nhận được điện thoại của vị đại gia sở hữu khối tài sản vài chục triệu USD từ Việt Nam. Là một công ty nhỏ trong ngành tư vấn di trú tại Australia, tôi chỉ nghe tên ông qua báo chí như một ông chủ thành đạt. Ông có kiểu làm việc tôi chưa gặp bao giờ.
Yêu cầu của ông là mọi việc liên quan đến tư vấn chúng tôi phải đến công ty của ông chứ bên ông không đến chỗ chúng tôi. Năm lần bảy lượt chúng tôi khai thác thông tin chuyên môn để phục vụ thủ tục di trú và tư vấn, ông đều đùn đẩy việc ký vào giấy tờ và hợp đồng cho thư ký dù ông mới là người phải ký, và luôn mạnh miệng hứa về thù lao.
Ngành tư vấn di trú là một nhánh chuyên biệt về luật tại Australia nên chúng tôi phải tuân thủ những quy định khắt khe theo bộ nguyên tắc ứng xử của ngành. Nếu chưa ký hợp đồng, chúng tôi không đủ cơ sở để làm đại diện cho khách hàng trong nhiều thủ tục khác. Vì vậy, dù đã rất thiện chí, tôi phải từ chối tiếp tục phục vụ vị khách giàu có. Vị đại gia sau đó nói, đó là « mất mát » của chúng tôi.
Công việc cố vấn di trú và du học mang đến cho tôi cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều khách hàng hoặc có tài, hoặc có tiền, hoặc có cả hai. Đa số khách hàng của chúng tôi đến từ Việt Nam. Những người có tiềm lực tài chính muốn tấm hộ chiếu thứ hai, người có năng lực trong nghề, người học rất giỏi và chịu khó.
Australia cũng như nhiều quốc gia khác, có chính sách thu hút đầu tư kinh doanh kèm theo visa tạm trú hoặc thường trú cho nhà đầu tư. Những visa loại này thường yêu cầu khoản đầu tư ít nhất từ một triệu đô la Australia trở lên, nên có thể xếp hầu hết khách hàng của chúng tôi thuộc nhóm « nhà giàu ». Nhiều năm liền, thống kê cho thấy Việt Nam luôn nằm trong nhóm năm quốc gia được cấp visa diện đầu tư kinh doanh tại Australia và nhiều nước Âu, Mỹ.
Có cơ hội gặp một bộ phận trong số người khá giả tìm cách sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai ở nước ngoài, tôi rất tôn trọng những người giàu chân chính và tiếc khi họ rời khỏi Việt Nam. Nhưng tôi cũng nhận thấy ở một bộ phận khách hàng mới giàu và giàu nhanh, đôi khi họ bất nhất trong ứng xử. Đây cũng là điểm gây thắc mắc của người phương Tây.
Ví dụ, một mặt họ có thể hào phóng để « ghi điểm » với xã hội bên ngoài, đồng thời cũng có thể rất keo kiệt với người sát cánh. Tôi nghe nhiều phàn nàn của họ rằng tại sao quy định tiền lương tối thiểu của Australia quá cao – tất nhiên cao hơn nhiều so với việc họ thuê lao động ở Việt Nam. Một vài ông chủ muốn tôi tìm giúp những sinh viên giỏi để vào làm thực tập sinh không lương – một dạng sử dụng lao động không tốn kém. Cứ như thế, hết lứa sinh viên này đến lứa khác đăng ký vào một công ty với hy vọng « ông chủ đồng hương » sẽ giúp đỡ và có cơ hội phát triển. Thậm chí, một số ông chủ còn mang cả nhân viên từ Việt Nam sang dưới dạng visa du lịch để họ làm việc trong khi biết rõ như thế là bất hợp pháp.
Một điều nữa tôi nhận thấy, những đại gia này vốn đã quá quen với việc giải quyết mọi việc bằng tiền, không mấy để tâm cả vấn đề liên quan đến pháp luật nước sở tại. Bởi theo phép tính thông thường của họ: nếu chi phí nộp phạt hay « dàn xếp » cho việc vi phạm quy định thấp hơn chi phí cho việc làm đúng thì họ vẫn cứ tiến hành.
Trong khi đó, họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho việc đánh bóng tên tuổi. Ví dụ, họ tài trợ mạnh tay cho những sự kiện có công chúng hoặc làm từ thiện khá ồn ào. Có người chỉ cần bỏ ra vài tỷ đồng làm từ thiện và được ca ngợi như công dân kiểu mẫu. Có vị đại gia thuê hẳn một dàn hoa hậu, người đẹp có danh hiệu làm « trợ lý », hộ tống ông trong các buổi tiệc tùng, tiếp khách. Những biệt thự dát vàng, những biệt phủ xây bằng gỗ rừng, bộ sưu tập xe sang, hàng hiệu đeo trên người có lẽ hiệu quả ở trong nước hơn nước ngoài. Tôi đoán vị ấy không biết rằng, với người phương Tây, khoảng cách giữa đẳng cấp và lố bịch đôi khi thật mỏng manh.
Tại sao các cá nhân không tôn trọng luật pháp và những người lao động, ứng xử chưa văn minh và tin rằng đồng tiền là nhất có thể trở nên rất giàu hơn số đông còn lại? Tôi không được gặp mọi đại gia Việt Nam nên không dám khái quát hóa đặc tính trên cho tất cả. Điều tôi tự quan sát và lý giải, là hình như cơ hội đã không chia đều cho tất cả như nhau.
Các báo cáo của tổ chức quốc tế Oxfam, Knight Frank, Wealth-X cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trong top những quốc gia tăng trưởng số lượng triệu phú mới giai đoạn 2010-2019. Và tầng lớp trung lưu đang tiếp tục lớn mạnh. Các chuyên gia cho rằng, lợi thế thị trường lao động và tiêu thụ lớn, những lỗ hổng trong việc đánh thuế thu nhập tại các nước đang phát triển cùng nguồn tài nguyên dồi dào đã góp phần tạo cơ hội làm giàu nhanh chóng và sự ra đời của rất nhiều triệu phú mới tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, cũng có những người nhờ trúng mánh hay trúng đất, nhờ một số mối quan hệ mà trở thành triệu phú.
Tôi hoàn toàn không « kỳ thị » người giàu. Đại gia rất quan trọng với quốc gia. Nhưng tôi cho rằng, để định lượng sự thịnh vượng của một quốc gia hay xếp hạng người giàu bằng tổng tài sản vật chất mà họ sở hữu là phép tính rất dễ thực hiện. Song địa vị xã hội và tiền bạc chưa đủ để tạo ra sự kính trọng đối với chủ nhân của chúng nếu thiếu đi tinh thần thượng tôn pháp luật, nền tảng đạo đức và ý thức trách nhiệm xã hội trong hành trình trở nên giàu có.
Khẩu hiệu « dân giàu, nước mạnh » không sai. Nhưng nếu sự giàu có của một nhóm người lại làm nghèo đi tài nguyên, vốn xã hội của đất nước, làm kiệt quệ sinh kế của nhiều người khác, đó không thể là sự giàu có bền vững.
Huỳnh Thị Ngọc Hân (theo vnexpress)
Bài này không nhất thiết được xem là ý kiến của toasang