Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội

Hội nghị hợp nhất (6-1 đến 7-2-1930) tại Cửu Long (Trung Quốc) : Thành lập Đảng cộng sản Việt Nam

Lúc bấy giờ, tại Việt Nam có 3 tổ chức cộng sản riêng rẽ được thành lập tại mỗi miền Bắc-Trung-Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị và hợp nhất 3 tổ chức trên dưới một tên thống nhất : Đảng cộng sản Việt Nam.  
Hội nghị đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng cùng Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc gửi đến nhân dân Việt Nam. Đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của  Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội lần thứ nhất (27 đến 31-3-1935) tại Ma Cao (Trung Quốc) : Khôi phục tổ chức, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng tại Việt Nam.

Dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt gần 6000 đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước.

Căn cứ tình hình cụ thể và dự báo tình hình trong nước và thế giới, Đại hội đề ra ba nhiệm vụ chủ yếu : Củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi ; đẩy mạnh chống chiến tranh đế quốc ; thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, các Nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ…  

Tổng bí thư : Lê Hồng Phong. Sau khi ông Lê Hồng Phong chết trong tù ở Côn Đảo, ông Hà Huy Tập lên thay (1936). Sau khi ông Hà Huy Tập bị Pháp xử bắn, ông Nguyễn Văn Cừ lên thay (1938).

Đại hội lần thứ II (11 đến 19-2-1951) tại Tuyên Quang : Đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp

Dự Đại hội có 158 đại biểu thay mặt cho hơn 760 000 đảng viên.

Đại hội đã tổng kết 21 năm đấu tranh giành độc lập, 5 năm lãnh đạo chính quyền (từ 1945) và 4 năm kháng chiến chống Pháp. Đại hội đã đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Đảng lấy tên là Đảng lao động Việt Nam.

Tổng bí thư : Trường Chinh

Đại hội lần thứ III (5 đến 10-1960) tại Hà Nội : Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam

Dự Đại hội có 525 đại biểu thay mặt hơn 500 000 đảng viên (so với Đại hội trước là 760 000 vì số đảng viên bị giết, chủ yếu ở miền Nam thời Ngô Đình Diệm).

Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước Việt Nam.

Đại hội xác định cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Đại hội quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng bí thư : Lê Duẩn

Đại hội lần thứ IV (14 đến 20-12-1976) : Hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Dự Đại hội có 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1 550 000 đảng viên.

Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã vạch ra đường lối, chủ trương giai đoạn này là thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội.

Ðại hội quyết định lấy lại tên ban đầu là Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư : Lê Duẩn

Ðại hội lần thứ V (từ 27 đến 31-3-1982) : Tất cả vì xã hội chủ nghĩa.

Dự Ðại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 1 720 000 đảng viên.

Đại hội đánh giá những kết quả trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước từ sau năm 1975. Đại hội đánh giá đã khắc phục về cơ bản những hậu quả nặng nề do chiến tranh gây ra, khôi phục lại phần nào sản xuất. Ở miền Nam, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đạt được những kết quả bước đầu.

Tổng Bí thư : Lê Duẩn

Ngày 10.7.1986, ông Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14.7.1986, bầu ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ VI (15 đến 18-12-1986) : Khởi xướng công cuộc « đổi mới » đất nước

Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1 900 000 đảng viên.

Trước tình hình đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, với tinh thần « nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật », trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm, Đại hội đề ra đường lối đổi mới.

Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên ba nguyên tắc trong đó có điểm : Phải xuất phát từ thực tế coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của Việt Nam.

Hai điểm mấu chốt nhất là phải làm thế nào để tháo gỡ và phát huy được mọi năng lực sản xuất, giải phóng sức lao động, làm cho sản xuất phải « bung ra”; thứ hai là tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, tức là phải gắn quyền lợi của người lao động với kết quả lao động của chính họ. Đảng đã lựa chọn con đường phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường ; kiên quyết đoạn tuyệt với cơ chế bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu.

Tổng bí thư : Nguyễn Văn Linh.

Đại hội lần thứ VII (24 đến 27-6-1991) : Đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước tiến lên

Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2 155 000 đảng viên.

Với nhiệm vụ “Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới”, Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội cũng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000.

Tổng bí thư : Đỗ Mười

Đại hội lần thứ VIII (28-6 đến 1-7-1996) : Tiếp tục đổi mới, nêu lên những nhược điểm của tình hình

Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 130 000 đảng viên.

Đại hội khẳng định : Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng một số mặt cần phải được giải quyết : Nước ta còn nghèo và kém phát triển. Tình hình xã hội còn nhiều vấn đề tiêu cực, nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chặn được. Tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đảng và đoàn thể, trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, thuế, xuất nhập khẩu… nghiêm trọng kéo dài. Sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh. 

Tổng bí thư : Đỗ Mười

Đại hội lần thứ IX (19 đến 22-4-2001) : Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Dự Đại hội có 1.168 đại biểu đại diện cho hơn 2 400 000 đảng viên.

Đại hội chỉ rõ mô hình tổng quát của thời kỳ hiện tại ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đường lối phát triển kinh tế là : « Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp ; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả ».

Đại hội khẳng định phải coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, là yếu tố quyết định sự tồn tại của Đảng.

Tổng bí thư : Nông Đức Mạnh

Đại hội lần thứ X (18 đến 25-4-2006) : Huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển

Dự Đại hội có1.176 đại biểu đại diện cho hơn 3 100 000 đảng viên.

Đại hội quyết định mục tiêu tổng quát 5 năm mở rộng quan hệ đối ngoại ; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế ; giữ vững ổn định chính trị-xã hội ; sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển ; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội cũng nêu rõ thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển ; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế…

Tổng bí thư : Nông Đức Mạnh

Đại hội lần thứ XI (12 đến 19-1-2011) : Đưa vào thực chất hơn nữa công cuộc phát triển đất nước

Dự Đại hội có 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3 600 000 đảng viên.

Từ thực tiễn, Đại hội rút ra một số bài học kinh nghiệm : đó là coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững ; coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đại hội khẳng đinh : Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam hướng tới xây dựng là :  Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tổng bí thư : Nguyễn Phú Trọng

Đại hội lần thứ XII (20 đến 28-1-2016) : Bước vào kỷ nguyên hội nhập toàn diện và tăng tốc đi lên

Dự Đại hội có 1.510 đại biểu, thay mặt cho hơn 4 500 000 đảng viên.

Đại hội đánh giá : Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đã chọn và đi là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Đây là nền tảng quan trọng để đất nước tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Thời kỳ mới sẽ đưa đất nước phát triển toàn diện, đồng bộ hơn, trong đó phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm ; xây dựng và trong sạch Đảng là then chốt ; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu.

Tổng bí thư : Nguyễn Phú Trọng