Những ngày gần đây, trong cơn bão COVID -19 cộng đồng người Việt ở Pháp chúng ta thật buồn khi phải chia tay với nhiều người thân. Một trong số đó là chị Trần Thị Sâm, thường ngày ta hay gọi là chị Tiến -theo tên của anh Nguyễn Văn Tiến – chồng chị.
Sinh tại Hà Nội năm 1935, quê gốc ở Hải Hậu Nam Định, vùng lúa ngon nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ. Năm tám tuổi, chị Sâm theo Cha Mẹ vào Nam kiếm sống. Nhà đông con, ngay từ lúc còn nhỏ phải gánh vác việc chăm nom các em, thu xếp trong nhà, việc đi học do vậy phải bỏ dở.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cha chị là ông Trần Văn Chiêu tham gia công tác Đoàn thể, cả nhà lúc đó sống ở ngoại ô Sài Gòn xung quanh là cánh đồng lúa ngập nước. Sau này khi đã ngoài 80 chị Sâm kể rằng : Đến tuổi này tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh những quả cầu đỏ như lửa và tiếng rít “đùng, chíu” nghe như gió xé bên tai của đạn hai bên bắn nhau trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Đầu tháng 2-1946, ông Chiêu bị trúng đạn trong một trận càn qua đời. Gia đình phải chờ trời tối mới dám ra đưa xác về chôn. Là chị cả, chị Sâm trở thành lao động chính giúp mẹ nuôi em. Vốn chăm chỉ và tháo vát, giữ chữ tín lại có cơ duyên, chị Sâm kinh doanh nguyên liệu cho các cửa hàng may mặc, đan móc chủ yếu bằng tay khi đó. Sau này mở nhà hàng cơm Việt những mỗi khi nói đến nguyên liệu nghề may, nghề đan chị vẫn là người có đưa ra nhiều thông tin thú vị.
Năm 1954, chị lập gia đình với anh Nguyễn Văn Tiến, quê ở Bình Lục Nam Hà. Anh làm thủy thủ cho tàu Pháp chạy tuyến Marseille – châu Á đến các cảng biển ở Nhật bản, Singgapo, Sài Gòn… Anh Tiến tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát xít, anh cũng là một thành viên tích cực trong phong trào người Việt ở Marseille. Năm 1946, anh cùng nhóm trách nhiệm lo việc tổ chức đón tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu thăm Pháp về nước bằng tàu thủy có ghé thăm và nói chuyện với cộng đồng người Việt và trại công binh ở Marseille.
Sinh hai cháu đầu ở Việt Nam, năm 1958, chị Tiến cùng các con theo chống sang Pháp và định cư ở Marseille. Gia đình có thêm cậu con trai út nay làm bác sỹ. Chồng đi theo tàu, chị ở nhà xoay xở chăm ba con nhỏ ăn, học. Chị Tiến kể: Vừa đến Marseille một thời gian ngắn thì có chị Đào Văn Yết đến chơi thăm nhà. Lúc đầu cũng chỉ nói chuyện như những người đồng hương. Sau dần thân hơn, chị Yết hướng tôi tham gia phong trào. Chị Yết nói : Ta có độc lập nhưng bị đế quốcMỹ xâm lược, bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc. Nguyện vọng của chúng ta là đất nước phải độc lập, thống nhất, do vậy cần phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Bác Hồ để ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước. Gì chứ nói đến Việt Nam, đến Bác Hồ là tôi theo. Người Việt ở Marseille tin và theo Bác Hồ lắm. Chị Yết làm công tác vận động quần chúng giỏi, bé người nhưng cứ thủ thỉ mà đi vào lòng người. Tôi bộc trực nói thẳng làm thẳng rồi cũng theo chị hoài.
Những năm 60, gia đình chị Tiến mở cửa hàng cơm Hà Nội. Riêng việc đặt tên Hà Nội cũng lắm điều phiền toái vì có nhiều người cho rằng đặt tên như thế là thân với Việt cộng ở miền Bắc. Cũng may, cửa hàng có nhiều món ăn món ăn thuần Việt được người dân và khách du lịch thích. Nhà hàng Hà Nội dần có tiếng và đông khách. Chị Tiến luôn mặc áo dài Việt Nam khi ở cửa hàng. Tên gọi « Madame Hà Nội « , « Madame Áo Dài » có xuất xứ như vậy vẫn còn lưu truyền đến bây giờ. Hình ảnh bà ngoại (mamie ) Tiến với mấy cô cháu gái trong tà áo dài truyền thống Việt Nam đã được đưa lên trang nhất của một tờ báo ở Marseille. Mở hàng cơm phải lao động cực nhọc, luôn tay luôn chân nhưng là điều kiện để anh chị nuôi các cháu và nhà hàng của anh chị trở thành “nhà khách” đón các đoàn đến công tác ở Marseille. Trong nhà anh chị hiện nay vẫn lưu giữ được những bức ảnh quý giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, các nhà văn hóa, kỹ nghệ… từ Việt Nam đến Marseille thăm và làm việc trong đó có các Bộ trưởng Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, ông Mai Chí Thọ,… Anh hùng Phạm Tuân, Nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu… Nhớ tết năm 1969, bà con Marseille đón đoàn văn nghệ trong nước sang. Đông vui như trảy hội. Nhà anh chị Tiến thành nơi đón tất cả các diến viên nhạc công và cả lãnh đạo Hội đi cùng. Tất cả đều nằm nghỉ dưới đất, anh chị đóng cửa hàng phục vụ đoàn. Vất vả nhưng anh chị rất vui. Thấy nhiều người Việt “ trùm cộng sản” đến nhà anh chị, chính quyền địa phương gọi chị Tiến lên vì chị đứng tên chủ kinh doanh Họ hỏi những điều như tại sao lại có người quan chức ngoại giao người Việt đến thế ? Tại sao chỉ đến quán của ông bà mà không đến chỗ khác cũng là cơm Việt ? v.v… Chị đều giải thích rằng kinh doanh thì có khách đến là mừng rồi. Họ ăn trả nhiều tiền là tôi mừng rồi, để tôi đóng thuế .
Ngày ký Hiệp định Paris, 27//1973, lúc đón hai đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bước ra cửa Hội trường Kléber, cả biển cờ đỏ sao vàng và cờ của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam bay rợp trời. Chị Tiến trước hôm đó theo sự phân công của tổ chức đã tự mình lái xe từ Marseille lên Paris, cả đêm thức nấu phở ăn khuya và cùng chuẩn bị những lá cờ nhỏ cuộn lại phát để giấu kín trong người rồi bất ngờ rút ra vẫy cao khi đón đoàn. Chị Tiến đứng cùng các cháu thiếu nhi vì ở Pháp phụ nữ và thiếu nhi ít bị để ý. Tháng 9/1973, anh chị Tiến là thành viên trong đoàn của Hội về thăm quê hương được gặp Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt… Tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước gây xúc động và truyền đến cho bà con những xúc cảm đặc biệt. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh chị Tiến vẫn luôn giữ vững niềm tin và trở thành một trong những trụ cột đi đầu của phong trào người Việt ở Marseille. Ngôi nhà của anh chị vẫn như xưa, luôn là địa chỉ đi về của nhiều đoàn công tác từ trong nước sang, từ các địa phương đến. Mọi người khi đến đây, ai cũng nhớ nụ cười và tài nấu bếp, tiếp khách khéo léo của chị,
Đầu năm 1977, phong trào được tin chuẩn bị đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Khắp nơi trên nước Pháp, kiều bào ta hướng về Paris chờ đón. Ở Marseille, anh chị Tiến tham gia nhóm những người chủ chốt chuẩn bị cơ sở để ngôi chùa người Việt Nam thành hiện thực, đó cũng là cơ sở phát triển Chùa Trúc Lâm ở Marseille đến bây giờ. Nhờ mở hàng cơm, anh chị có những khách hàng thân thiết trong số đó thật may có cả người phụ trách lo chế độ cho cựu chiến binh. Nhờ họ giúp đỡ cấp đất, anh chị lại vận động Hội người Việt ở Marseille đồng lòng dựng lên nghĩa trang người Việt của vùng. Hàng trăm người Việt và một số nước Châu Á khác đã yên nghỉ ở không gian “ Trời Tây in dấu Việt” này. Mỗi năm đến dịp Toussaint, Chị Tiến lại cùng con của mình đến nghĩa trang đặt những chậu hoa cúc vàng kiểu người Pháp và thắp những nén nhang theo truyền thống người Việt tưởng nhớ những đồng bào, bằng hữu của mình.
Những năm gần đây, nhất là sau khi anh Tiến qua đời, sức khỏe chị dần yếu, từ sau vụ tai nạn chị bị ngã chấn thương cột sống. Nhờ con trai là bác sỹ kịp thời chữa trị chị giữ được cuộc sống bình an. Vài năm trước đây, nhà ở của chị lại bị cháy, mất nhiều thứ nhưng chị nói tiếc nhất là cháy hết Bằng khen tặng Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất do Chủ tịch Nước Việt Nam ký vì những thành tích đóng góp của anh chị cho đất nước trong suốt gần hai cuộc kháng chiến. » Tôi muốn giữ để các cháu luôn nhớ về cội nguồn quê hương cha mẹ của mình « , Chị giải thích .
Kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh lập Hội người Việt Nam tại Pháp, chị Tiến lại lên Paris tham gia các hoạt động kỷ niệm, vẫn nhanh nhẹn và vui vẻ nói chuyện nhắc nhớ đến những kỷ niệm xa xưa. Chị có thể được coi là những người cuối cùng của một thế hệ người Việt ở Marseille xưa. Chẳng ai nghĩ đó là lần cuối cùng chị lên cùng với phong trào ở Paris. Tóc chị lúc ấy đã bạc nhiều, chúng tôi cũng vậy nhưng tất cả đều tự hào về những đóng góp với Tổ quốc , quê hương, cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Pháp từ khi mái đầu vẫn còn xanh.
Ngày 26-1-2021
NGUYỄN VĂN BỔN, THÉRÈSE NGUYỄN VĂN KÝ, NGUYỄN THU HÀ