Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Thu nhập không tưởng tượng của những cá nhân Việt Nam viết phần mềm trên các sàn điện tử

Theo thông tin của Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy (Hà Nội), một cô gái sinh năm 1992 có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồng (12 705 000 €). Cô gái này vừa nộp các nghĩa vụ thuế hơn 23 tỷ đồng và đã tự nguyện kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế. Cô này được cho là sáng tác phần mềm đăng tải trên Google Play và App Store.

Ngoài cô gái trẻ này, một người nam giới 30 tuổi cũng tại Quận Cầu Giấy hiện cũng có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng, người này hiện nộp thuế hơn 18 tỷ đồng.

Năm 2020, Cục thuế Quận Cầu Giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh trực tuyến kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng, bên cạnh đó hàng trăm cá nhân khác đã tự động kê khai nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế và vẫn trong diện quản lý.

Tổng cục Thuế cho biết là danh tính các cá nhân người nộp thuế không được tiết lộ vì theo quy định của pháp luật.

Trong hai năm 2019 và 2020, Cục thuế Hà Nội đã thu được 148 tỷ đồng tiền thuế từ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Facebook, Youtube, Google…). Trong đó, năm 2019 là 25 tỷ đồng ; năm 2020 là 123 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019 và năm 2020, số thu từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân là hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong số tiền thuế thu được, có trường hợp cá nhân tự giác kê khai và nộp thuế, nhưng cũng có trường hợp khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế mới phát hiện và truy thu theo quy định của pháp luật.

Thông tin từ Bộ Thông tin – Truyền thông, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh Youtube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Theo quy định tại luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.

Đồng thời, khi phát hiện các dòng tiền bên ngoài chi trả cho các cá nhân, tổ chức trong nước, cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp giao dịch của các tổ chức nước ngoài cho các cá nhân, tổ chức này.

Cơ quan thuế cũng đã làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi với họ về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Tinh thần chung, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế là nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuyên biên giới khi cung cấp cho khách hàng ở Việt Nam.