Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.
Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.
Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.
Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.
Ý nghĩa của tục dựng cây nêu
Cây nêu thực chất là cây tre hoặc cũng có thể là cây trúc, cây mía được người dân Việt Nam dựng trước sân nhà vào dịp Tết đến. Theo tục lệ của người Kinh, cây tre khi mang về sẽ được cạo sạch nhánh và lá sau đó treo lên mình một số vật như :các lá bùa bát quái, vàng mã, cá chép cắt bằng giấy, giỏ đựng vôi trầu cau, khánh đất nung, nhánh của cây xương rồng.
Các vật phẩm này đều có những ý nghĩa nhất định, ví dụ cá chép là để cho ông Táo về chầu Thiên Đình, vàng mã hay giỏ đựng vôi trầu cau để cúng tổ tiên. Trong khi đó bùa bát quái, khánh đất, nhánh xương rồng, ống sáo là để xua đuổi ma quỷ, những điều xui rủi không may mắn. Vào buổi tối, người ta còn treo thêm đèn lồng đỏ lên ngọn cây nêu để dẫn đường cho ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu trong nhà.
Dựng cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa biểu tượng về sự hòa hợp âm dương. Cây nêu là cầu nối giữa bầu trời và mặt đất, ngọn cây nêu vươn cao đón lấy tia nắng đầu ngày, mang sức sống mãnh liệt của mùa xuân đến với mọi nhà. Cây nêu sẽ được dựng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bởi đây là thời điểm ông Táo vắng mặt để về chầu Thiên Đình, ma quỷ thường nhân dịp này để quấy nhiễu người dân. Đến ngày 7 âm lịch hàng năm, người dân sẽ làm lễ hạ cây nêu.
Các vật dụng dùng để trang trí cho cây nêu ngáy Tết gồm một số món đồ sau :
- Lồng đèn : lồng đèn đỏ rực rỡ treo ở ngọn cây nêu để dẫn đường cho ông bà, người thân về ăn Tết cùng con cháu.
- Cờ hội : các lá cờ hình vuông được treo dưới chùm tre.
- Lá phướn : được làm bằng giấy màu, giấy điều hoặc vải đỏ, viết các câu chúc mừng năm mới mang ý nghĩa may mắn, treo cùng vị trí cờ hội nhưng buông dài xuống.
- Các dụng cụ tạo âm thanh như khánh đất, sáo trúc, chuông gió, miếng kim loại…để khi gió thổi qua tạo nên âm thanh vui tai đồng thời báo hiệu cho ma quỷ biết đây là nơi có người ở, tránh để chúng phá phách.
- Giỏ tre hoặc túi vải đựng vàng mã, trầu cau, gạo muối…treo bên dưới chùm lá tre.
- Các vật phẩm mang ý nghĩa tín ngưỡng như : lá đa, nhánh xương rồng, lá dứa.