Chị Phạm Thị Giáng Sinh, 39 tuổi, ở Phước Long B, thành phố Thủ Đức có kinh nghiệm nhiều năm làm hoa giấy, cắm hoa tươi. Năm 2016, chị theo học một lớp làm hoa bằng đất sét trong một tháng.
« Tháng 9 năm ngoái, tôi đăng ký lớp học vẽ cơ bản. Sau khi được một người bạn đến nhà hướng dẫn lại cách làm hoa đất sét, tôi thử gắn lên tranh mình vừa vẽ thì thấy đẹp quá nên quyết định nghỉ làm hoa giấy và chuyển hẳn sang làm tranh đất sét này « .
Người phụ nữ này chỉ tập trung làm duy nhất loại tranh hoa. Những bông hoa đất sét có ưu điểm là nhìn giống hoa thật, màu sắc tươi tắn, bền màu. Tuy nhiên, nếu để cắm bình thì một thời gian sẽ bám bụi khó vệ sinh.
« Tranh hoa đất sét được kết hợp bởi hoa gắn lên nền tranh, có hình khối trông giống bình hoa thật. Sau khi hoàn thiện được đặt trong khung kính. Chỉ cần để nơi tránh ánh nắng là bảo quản được lâu », chị Sinh cho biết.
Chị Sinh tự vẽ nền tranh sơn dầu trước. Sau khi đã phác họa kiểu dáng, màu sắc của bình và phông nền… chị sẽ đính hoa đất sét lên.
« Nhiều lần, dù đã xác định loại hoa đính lên từng bức tranh nhưng khi làm thật lại thấy không hợp. Tôi lại phải chọn những loại hoa khác ».
Tất cả những loại hoa đều được chị Sinh nặn bằng tay. Hoa được chị nặn từng cánh rồi ghép lại với nhau. Lá cũng được nặn tay, dùng kéo để tỉa lại hình dáng. Chị chỉ dùng khuôn để tạo gân lá và làm nụ hoa.
Hoa hồng là loại mất nhiều thời gian nhất. Mỗi bông chị mất một giờ đồng hồ để làm xong. Để màu sắc của hoa hài hòa với nền tranh, chị Sinh trộn màu sơn dầu vào đất sét rồi mới nặn hoa. Tuy nhiên, sau khi nặn hoa xong, chị cũng sơn lại một lớp màu lên để hoa trông tươi tắn, bền màu hơn.
Sau khi vẽ nền và nặn xong hoa, chị đính hoa lên tranh bằng keo nến.
Hiện nay, mỗi tuần chị Sinh hoàn thiện được khoảng 2 bức tranh hoàn chính. Chị thường dành hai ngày để vẽ tranh, bốn ngày để nặn hoa và một ngày để đính hoa lên.