Mới học hết lớp 7, không có bất cứ bằng cấp gì về kỹ thuật, anh nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972, ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã mày mò học, sáng chế ra những máy móc phục vụ nông nghiệp khiến những ông chủ ở Israel, Mỹ, Hàn Quốc mời sang làm chuyên gia với mức lương hậu hĩnh.
Từ vỡ mộng làm giàu đến đi làm thuê trả nợ
Tới xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), hỏi “anh Hát nông dân chế tạo máy”, ai cũng biết. Bởi ngoài sự nổi tiếng, việc anh Hát học hết lớp 7 chế tạo được những máy móc hiện đại xuất ngoại còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Nhưng trái với sự nổi tiếng của mình, anh Hát vẫn giữ nguyên vẻ “quê mùa”, chất phác đặc sệt. Anh kể, nhà làm nông lại đông con, nên nghèo. Học hết lớp 7, anh phải nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình.
Anh bắt đầu kiếm tiền bằng việc học nghề, vừa học vừa làm ở xưởng cơ khí. Chịu khó quan sát, học hỏi, anh nhanh chóng nắm được các bí quyết của nghề rồi đi làm thuê cho các xưởng chuyên về sửa chữa ô tô. Tại các xưởng này, chỉ sau vài tháng, anh đã là xếp của các thợ khác.
Nuôi chí làm giàu, khoảng năm 2007, khi chở hàng lên Hà Nội, thấy dân phố thị chen nhau mua rau sạch, anh Hát về quê thuê 8,8ha đất, bỏ 60 triệu đồng mỗi năm để đầu tư sản xuất nông sản sạch. Năm đầu tiên, cánh đồng với hơn 40 loại rau, củ, quả của anh cung cấp cho thị trường mỗi ngày 5 – 7 tạ, bán được 3 – 5 triệu đồng. Thế mà đến năm 2010, anh Hát thành con nợ, mà khoản nợ lên đến cả tỷ đồng.
“Tôi đã tính rất kỹ, song không lường trước được sự nhập nhèm trong kinh doanh, lừa người tiêu dùng của không ít đối tác “khoác áo” doanh nhân. Họ chỉ mua một ít rau, củ quả sạch của tôi để “làm màu” rồi mua hàng kém chất lượng trà trộn vào”.
Vỡ nợ, năm 2010 anh Hát quyết định đi xuất khẩu lao động Israel, “bán sức khỏe nơi xứ người” để kiếm tiền trả nợ.
Trở thành “kỹ sư” chế tạo máy nơi xứ người
Sang Israel làm thuê, anh Hát choáng ngợp với công nghệ sản xuất nông nghiệp của nước họ, thấy 200 ha không phải gánh gồng hay ròng dây tưới nước như ở quê nhà mà đều do máy móc thực hiện. Tuy vậy, dù là cường quốc thế giới về sản xuất nông nghiệp nhưng điều lạ là nhiều khâu trong sản xuất của họ vẫn chưa đồng bộ.
Anh Hát tâm sự: “Tôi thấy đa số các khâu sản xuất của họ đều cơ khí hóa nhưng cái khâu đổ phân xuống ruộng thì lại làm cơ bản thủ công. Ngày mới sang, tôi được giao việc là cùng 2 người nữa chạy theo cái máy chở phân, cầm cuốc bổ, kéo phân xuống ruộng. Trời thì nắng nóng đến hơn 40 độ C, lại phải làm ngày 8 tiếng, đến ngày thứ 3 không thể chịu được nữa, dân ở đây tưới nước còn bằng chip điện tử được mà có mỗi cái việc rải phân lại bắt công nhân chạy thủ công”.
Thế là ngay lập tức, anh nghĩ đến việc phải làm cái máy rải phân. Lúc trình bày ý tưởng qua ứng dụng dịch ngôn ngữ của Google, chủ trang trại hỏi anh làm được bao nhiêu phần trăm ? Anh Hát trả lời chắc nịch: “Ít nhất 85%” và chiếc máy sẽ thay công việc cho 10 người. Ngay ngày hôm ấy, anh Hát đã không phải chạy theo xe chở phân mà ngồi bàn giấy làm bản thiết kế.
Chủ trang trại đi mua đồ về, ba ngày sau cái máy cơ bản đã hình thành nhưng thấy “tay máy” chưa linh hoạt nên anh lại mày mò chỉnh sửa thêm ba lần nữa.
Đến ngày cái máy rải phân chạy thử, các chủ trang trại khác kéo đến xem, nhìn cái máy tự động hoạt động, tất cả đã vỗ tay. Ông chủ trang trại đã đề nghị mua bản quyền chiếc máy và thưởng cho anh số tiền 10.000 USD, đồng thời nâng lương cho anh lên 2.500 USD/tháng.
Sau máy rải phân, anh Hát còn chế tạo cho chủ cái máy thu hoạch hẹ, rồi máy cắt xén cùng lúc nhiều bó theo một kích cỡ… Đang được chủ đối đãi tốt thì chứng kiến mấy công nhân Thái Lan trốn trong nhà kho đánh bạc, trúng đạn pháo thiệt mạng, sợ quá, anh Hát nói dối chủ rằng vợ ốm nặng, cần phải về thăm, khi nào vợ khỏe sẽ trở lại. Sau này nhiều lần ông chủ người Israel cử người sang Việt Nam thuyết phục anh Hát quay trở lại làm việc nhưng anh đều từ chối, quyết về quê sáng chế máy móc phục vụ nông dân.
Sáng chế máy móc nông nghiệp, bán đi 15 nước
Từ Israel về nước, anh Hát thấy anh trai mình là anh Phạm Văn Ca than vãn không thuê được người gieo hạt rau giống cho kịp thời vụ. Khi đó, người dân quê anh gieo hạt phải cắp chiếc rổ, dùng tay nhón từng nắm hạt để gieo xuống đất. Anh Hát bèn nảy ra ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy để rải hạt giống.
“Lúc đầu chú ấy nói sẽ chế tạo ra chiếc máy gieo hạt, tôi không tin nhưng cũng không can ngăn bởi biết tính chú ấy đã quyết làm gì thì làm bằng được. Chú ấy về nhà thế chấp cả “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng để mua nguyên liệu làm máy. Thất bại không biết bao nhiêu lần khiến kinh tế trong nhà kiệt quệ nhưng tới hơn một năm sau thì chiếc máy ra đời, thành công mĩ mãn. Tôi là người đầu tiên được sử dụng chiếc máy của chú Hát và cứ băn khoăn mãi là sao em trai mình mới học hết lớp 7 lại làm được chiếc máy hiện đại đến thế”, anh Ca chia sẻ.
Anh Hát đặt tên cho chiếc máy này của mình là “Robot đặt hạt”. Đến năm 2014, chiếc máy lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường và nhanh chóng được nhiều người tìm mua.
Nếu như trước đây gieo bằng tay thì một lạng hạt giống, phải thuê 2 công thợ với giá 400.000 đồng và gieo trong nửa ngày, nhưng nay với chiếc máy này, anh chỉ phải gieo trong khoảng 20 phút, lượng hạt gieo đều, cây mọc đồng đều và nhiều hơn, không có hiện tượng cây gầy, cây yếu như trước. Đến nay, sau nhiều lần cải tiến, “Robot đặt hạt” đã tăng độ chính xác, công suất tăng cao hơn và có thể đặt được hạt giống cho khoảng 25 loại rau.
Hiện, “Robot đặt hạt” đã được nông dân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đặt mua với giá 35 triệu đồng/chiếc. Không những thế, nhiều khách hàng từ các nước như : Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… đã tìm hiểu và đặt mua với giá 3.000 USD/chiếc. Máy sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ ngay đến đó, nhiều lúc anh còn chế tạo không kịp đơn đặt hàng.
Nhiều người cũng đã “đánh tiếng” muốn mua bản quyền chiếc máy nhưng anh Hát không bán, bởi nếu bán bản quyền cho người khác và họ nâng giá lên, người nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. Năm 2015, anh Hát đã trả hết nợ và đang từng bước mở rộng xưởng sản xuất.