« Chúng ta cố gắng có một nền kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, văn hóa được hưởng thụ ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát chúng ta cũng phải tìm cách để xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó phải xử lý tiếng ồn ».
Ông Võ Văn Hoan (Phó chủ tịch UBND TP.HCM)
TP.HCM thống nhất chủ trương mở một đợt cao điểm với hai giai đoạn tập trung từ nay đến cuối năm triển khai « Vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta ». Mục tiêu là cố gắng xử lý triệt để và đảm bảo đến cuối năm 2021 không xảy ra việc vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư. Sau đợt cao điểm, TP sẽ sơ kết đánh giá và tiếp tục triển khai, bổ sung vào các quy định.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa có việc xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. Sở TN-MT sẽ soạn tờ rơi (tract) để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và biên tập các nội dung liên quan đến xử phạt.
Giai đoạn 2, từ tháng 6 đến cuối năm sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường TP, trong hai năm 2019-2020, có 17/22 quận, huyện tiếp nhận thông tin phản ảnh về tiếng ồn qua các kênh và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng.
4 nhóm tiếng ồn tại TP.HCM :
- Từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường.
- Từ quán nhậu vỉa hè mở nhạc công suất lớn.
- Từ hộ gia đình.
- Từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo.
« Người dân đi làm cả ngày, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được ».
Người dân vất vả suốt ngày để mưu sinh, khi về nơi ở rất cần chút yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng nhiều khi rất khó. Phố phường chật hẹp, người đông đúc, nhịp sống công nghiệp hối hả, ngồi đâu cũng nghe tiếng máy, tiếng xe vọng về, đã vậy giữa khuya có nơi còn bị « tra tấn » bởi karaoke tự phát.
Không chỉ xóm trọ, các khu dân cư, phố ăn nhậu đêm đêm vẫn vang lên âm thanh chát chúa của tiếng karaoke kéo. Nhiều quán nhậu, beer club vỉa hè đêm nào cũng có tiếng nhạc xập xình của những chiếc loa karaoke kéo, loa chơi nhạc DJ… làm ồn ào cả khu phố. Loa kéo đặt ngay trước vỉa hè phục vụ khách ăn nhậu và ca hát, nhiều khi bên này đường tiếng nhạc xen kẽ tiếng hát người bên kia đường.
Hát hò là để vui, hát karaoke tự phát đúng là niềm vui đơn giản, tiện lợi và rẻ tiền. Nhưng phàm cái gì thái quá thì đều « lợi bất cập hại ». Ranh giới để một chuyện vui trở thành nỗi ám ảnh cũng chỉ trong gang tấc.
Cho nên, thay vì góp thêm một hình thức sinh hoạt lành mạnh thì karaoke tự phát đang gây ra rất nhiều hệ lụy, là do sự lạm dụng. Thậm chí thể hiện việc « thiếu văn hóa nặng nề», « coi thường pháp luật ».
Tại TP HCM, chuyện điển hình nhất được nhiều lần nhắc tới là vụ Nguyễn Thanh Khoa, xảy ra tháng 4-2020. Khoa từ quê Bến Tre lên huyện Bình Chánh, TP HCM ở trọ đi làm công nhân. Hôm Khoa cùng bạn nhậu và mở loa kẹo kéo hát karaoke với âm lượng lớn, ông B. (quê Cà Mau) ở trọ gần đó không chịu nổi tiếng ồn nên nhắc nhở, xảy ra cãi vã và Khoa đâm ông B. dẫn đến tử vong.