Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Bao giờ vắc xin Nano Covax của Việt Nam có thể được tiêm chủng cho người dân ?

Nano Covax là vắc xin đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu.

Giai đoạn 1 : Sau một năm nghiên cứu, Học viện Quân y (Hà Nội) bắt đầu ngày 16/12/2020 thử nghiệm vắc xin Nano Covax trên 60 người có sức khỏe tốt và ngày 09/02/2021 tiêm mũi thứ 2. Bước đầu các chuyên gia đánh giá, vắc xin Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2 (Covid-19), kể cả chủng biến thể (variantes). Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Giai đoạn 2 : bắt đầu ngày 26/02/2021 thử nghiệm trên 560 người, trong đó có 105 người cao tuổi trên 60 (người cao tuổi nhất là 76 tuổi). Một số người còn có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1… không quá nặng. Đến ngày 25/03/2021, đã bắt đầu tiêm mũi thứ 2 cho họ.

Ở giai đoạn này, vắc xin được thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, mỗi đơn vị tiêm cho 280 tình nguyện viên.

Hiện sức khỏe tất cả các tình nguyện viên đều ổn định.

Giai đoạn 2 này dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5-2021.

Sau giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học nhằm chọn ra 1 mức liều tối ưu (trong 3 mức liều 25mcg, 50mcg, 75mcg) để tiêm thử nghiệm trong giai đoạn 3.

Giai đoạn 3 : sẽ có khoảng 10.000 người trong đó có 5.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca và 5.000 người tiêm vắc xin Nano Covax để có cơ sở khoa học so sánh những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn, hiệu quả sinh kháng thể, diệt virus.

« Đến nay, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin Nano Covax đã rút ngắn đến mức tối đa có thể nhưng ưu tiên vẫn đảm bảo tính khoa học nhằm mục tiêu sớm có vắc xin an toàn, hiệu quả cho người Việt Nam », Giám đốc Học viện Quân y, GS TS Đỗ Quyết cho biết.

« Tôi tin nếu thuận lợi đến tháng 09/2021 chúng ta sẽ có vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, thậm chí khả năng này rất cao. Chúng ta có quyết tâm và có quyền tin sẽ thành công ».

Ngày 26/03/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đến thăm Viện Quân y và nhận mũi tiêm đầu tiên.

Hiện nay, các nước giàu đã tìm mua vắc xin trong nhiều tháng qua bằng các giao dịch song phương trị giá hàng tỉ USD với các loại vắc xin tiềm năng. Một số nước và khu vực thậm chí đã đặt mua số lượng vắc xin lớn hơn số dân của họ. Một loạt nước đang phát triển (như Việt Nam) và đặc biệt, những nước nghèo (như các nước châu Phi) rõ ràng rất khó tiếp cận loại giao dịch này. Do vậy, việc Việt Nam sớm có vắc xin của riêng mình sẽ thể hiện tính tự chủ của đất nước, không bị lệ thuộc và bị động trong cuộc chiến không cân bằng này.