Không cần những lời nói hoa mỹ nhưng một khi đã nói là làm, với quyết tâm vì lợi ích Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng “là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Mấy năm nay, nhân dân cũng thấy rất rõ, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được tiến hành quyết liệt bằng một quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng và Nhà nước và tập thể cộng sự. 5 năm qua, đã có gần 130 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được xử lý. Tất cả vụ án kinh tế tham nhũng phức tạp đều được đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo: chứng cứ chắc đến đâu xử lý ngay đến đó. Những việc chưa rõ sẽ tiếp tục điều tra để xử lý tiếp, không vì chuyện này mà trì hoãn toàn bộ vụ việc. Quá trình chống tham nhũng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” được đặc biệt coi trọng, đặc biệt kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII. Mệnh lệnh phát đi “không dừng, không ngừng” và kiên quyết “gột rửa từ trên xuống”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”. Tính từ đầu nhiệm kỳ, hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, kỷ luật, thậm chí truy tố trước pháp luật và hàng vạn đảng viên khác phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình. Những cái tên như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Nguyễn Văn Hiến,… một khi được nhắc đến, người dân sẽ cảm nhận rõ hơn thế nào là “không vùng cấm, không ngoại lệ” và sự quyết liệt, không nể nang trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực.
Bản thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng không muốn phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm thì phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Nhân dân và cả đội ngũ cán bộ đảng viên cũng không ai muốn thêm vị này vị kia bị đưa ra xử lý, mà muốn làm sao hiện tượng đó không có nữa, tức là xử lý triệt để tận gốc là kiểm soát quyền lực. Chính vì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói một cách rất hình ảnh là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” chính là việc giám sát quyền lực để quyền lực không bị tha hoá.
Điều đáng nói, ngọn lửa chống tham nhũng cứ hừng hực cháy suốt nhiệm kỳ qua. “Lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài được”, “ai chần chừ, do dự, không quyết liệt, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm” là mệnh lệnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ngay tại cuộc họp của Ban Bí thư về công tác chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng. Lời tuyên chiến đanh thép về cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng đi đôi với hành động không ngừng nghỉ, ngay cả thời điểm gần diễn ra Đại hội Đảng, tâm trạng xã hội cũng như cán bộ, đảng viên lo rằng Đại hội đến nơi rồi, liệu có dám làm không, có tiếp tục duy trì được không? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết khẳng định: “Mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, lại chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, nhưng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chững lại trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa”.
Kết quả thực tế không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ quan tham tướng xấu ra khỏi bộ máy nhà nước mà còn là việc Nhà nước thu hồi ngân sách gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất. Đây là hướng rất đúng bởi cái cốt không phải là bắt giam mà là thu hồi được tài sản, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa để người khác thấy không vi phạm, Và quan trọng nhất, niềm tin trong nhân dân dần khôi phục, bộ máy vận hành trơn tru, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế rất lớn. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,02%, ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế khởi sắc sau khi Việt Nam ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA. Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lại nhận định của Ngân hàng kinh tế thế giới (WB) rằng: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam” để cho thấy công tác phòng chống tham nhũng chính là một trong những hành động đúng đắn góp phần giúp Việt Nam có được thành tựu kinh tế và vị thế như ngày hôm nay.
Giáo sư Zachary Abuza đến từ Học viện Chiến tranh Mỹ nhận định: “Chống tham nhũng là thông điệp xuyên suốt và nhất quán trong thời gian Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nắm quyền. Tôi ấn tượng với nhấn mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ “cấp chiến lược. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh tay xử lý hàng loạt quan chức cao cấp sai phạm, từ trung ương tới địa phương”. Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia về chính trị Châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản cũng cho rằng: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn là người cam kết sâu sắc với cuộc chiến chống tham nhũng. Tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh khôi phục đạo đức trong Đảng. Tôi tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt trọng tâm vào việc triệt tiêu mọi mâu thuẫn và lợi ích nhóm ngáng đường công cuộc chống tham nhũng”.
Từ sự gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cả hệ thống chính trị và hầu hết người dân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng. Dù còn gian nan và dài lâu nhưng chí ít đã có sự tác động đến nhận thức và tâm lý của nhiều người về một cuộc chiến không khoan nhượng.
Học tập và tiếp thu lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ tốt, việc gì cũng xong” nên ngay từ khi bắt tay vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chú trọng nghiên cứu những giải pháp, quy trình, tiêu chí khắt khe trong công tác lựa chọn lãnh đạo, cán bộ phục vụ đất nước và nhân dân.
Hàng loạt chỉ thị, chỉ đạo quyết liệt về công tác nhân sự đã ra đời ngay trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt phải kể đến Chỉ thị 35 về việc hướng dẫn chỉ đạo về công tác nhân sự Đại hội. Đáp ứng trúng sự mong đợi bấy lâu nay của đông đảo người dân còn là việc ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, mà như Nhà báo, TS. Nhị Lê nhận định: “Quy định 205 thực sự là một thông điệp chính trị, một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ”. Một điểm mới nữa trong những quyết sách về công tác cán bộ nhiệm kỳ mới còn là việc Tổng Bí thư ký ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Và còn nhiều kết luận, chỉ thị khác cũng như hàng loạt chỉ đạo rất cụ thể về công tác nhân sự đã được Tổng Bí thư nhắc đến trong các bài phát biểu trực tiếp hoặc bài viết cụ thể. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, từ tháng 6/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có ba bài viết với nhiều nội dung quan trọng về công tác nhân sự. Vào tháng 4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh cán bộ luôn giữ vai trò quyết định. Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Vì vậy, phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
Các bài viết một lần nữa đã khẳng định quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng, vừa chuyên”. Đó cũng chính là trăn trở lớn nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong khâu lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước mà ông từng nhiều lần nhấn mạnh tại các kỳ Hội nghị TƯ: Làm cán bộ là cống hiến tài năng cho đất nước, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; đó là trách nhiệm rất nặng nề, nhưng cũng là niềm tự hào, vinh dự cao cả. Vào Trung ương không phải cho oai, để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu, rèn luyện, làm cho Ðảng ta ngày càng mạnh hơn nữa. Những lời răn dạy có sức nặng ấy quy tụ lại trong tất cả các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng chính là căn cứ, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng “biết việc phải làm”.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện. Đặc biệt, cần tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục. Những tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII được Tổng bí thư nhắc tới, đó phải là cán bộ có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, rõ rệt.
Bên cạnh đó, trong làm công tác nhân sự Đại hội sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải “có con mắt tinh đời”, “đừng nhìn gà hoá cuốc, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” và càng phải tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt.
PGS.TS Lê Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã nhận định rằng: “Những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói về chuẩn bị thật tốt công tác cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là hết sức sâu sắc, hết sức sát thực. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập rất nhiều vấn đề nhưng đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự, vấn đề chủ trương, đường lối và những mục tiêu mà Đại hội XIII sẽ phải bàn bạc để đề ra trong Nghị quyết, trong chặng đường sắp tới để đưa dân tộc ta, đất nước ta phát triển”.
Chính vì có chủ trương, quy trình, tiêu chuẩn cụ thể như vậy nên có thể tin rằng, Đại hội XIII sắp tới sẽ lựa chọn được đúng người cán bộ đủ đức đủ tài, vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện này và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Ngày nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ tịch nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ cảm xúc “vừa mừng, vừa lo”. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Nhưng trải qua 5 năm, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ rõ ràng sắc nét ở công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn hiện diện ở trong từng chuyến thăm và làm việc các nước bạn. Sự điềm tĩnh trong cách giao tiếp nhưng cũng không kém phần gần gũi, thân thiện đã giúp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chiếm được tình cảm cũng như sự kính trọng của nguyên thủ các quốc gia khác. Theo sau đó là những bước tiến triển lớn trong mối quan hệ ngoại giao với các nước cũng như các văn kiện hợp tác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa song phương.
Trung Quốc – nước láng giềng có đường biên giới dài nhất và cũng là nước có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam. Trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, yêu cầu đặt ra không chỉ là sự mềm mỏng, khôn khéo mà còn cần có sự cứng rắn nhất định. Thế nên, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu năm 2017 không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước mà tại chuyến đi này, người lãnh đạo nước ta cũng cho thấy được lập trường và bản lĩnh của mình trong một số vấn đề liên quan đến chủ quyền của quốc gia.
Điều đặc biệt, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư diễn ra vào đúng thời điểm Việt – Trung chuẩn bị kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần thứ ba Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, nhưng là lần đầu tiên ông sang thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Trong chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa vào năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã mang về 15 văn kiện hợp tác được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, thương mại du lịch, giáo dục,…
Thật thiếu sót khi nói về nỗ lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lĩnh vực ngoại giao tìm kiếm cơ hội cho Việt Nam mà không nhắc đến chuyến thăm và làm việc chính thức Nga vào năm 2019. Đó là chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp; đặc biệt diễn ra trước thềm các sự kiện lớn kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga trong năm 2019 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga vào năm 2020. Chính vì vậy như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: Chuyến thăm Nga lần đó chính là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ sau chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, Tổng bí thư đã nêu rõ: “40 năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ chỗ là cựu thù, Việt Nam và Mỹ đã trở thành bạn và từ năm 2013 đến nay là đối tác toàn diện”. Kết quả của chuyến thăm mang tính lịch sử đó là một năm sau, cựu Tổng thống Barack Obama đã đến thăm Việt Nam mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi chuyến thăm đó là sự tái khẳng định cam kết của lãnh đạo hai nước đối với quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ.
Dưới sự đón tiếp nồng hậu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống B. Obama đã bày tỏ lời cam kết đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện TPP. Và thật tuyệt vời, sau 40 năm kết thúc chiến tranh, trong cuộc gặp gỡ trọng thị của nguyên thủ hai nước thì Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam,mở ra một triển vọng mới về hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai quốc gia. Đó có thể xem là nỗ lực rất lớn của hai nước trong việc khép lại quá khứ và cùng hướng tới tương lai, cũng như sự cố gắng mang về lợi ích tối đa cho đất nước của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Mỹ đã ký kết hợp đồng thương mại lớn nhất giữa hai nước từ trước tới nay, trị giá hơn 11 tỷ USD với hãng sản xuất máy bay Boeing, đưa Việt Nam trở thành một trong những khách hàng lớn của ngành chế tạo máy bay Mỹ nói chung, và của Boeing nói riêng. Và cũng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến một trong những trụ cột quan trọng giữa hợp tác Việt Nam – Mỹ, đó là thành tựu về giáo dục, khoa học, khi Đại học Fulbright danh tiếng được thành lập tại TP.HCM. Tất cả những điều đó là một phần trong những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015.
Nói về chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo hai nước Việt-Mỹ cùng với kết quả hiện hữu, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh quốc phòng tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định: “Việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí, đưa ra cam kết về xử lý chất độc da cam, đó là những di sản”. Di sản đó không chỉ có giá trị hiện tại mà sẽ có giá trị muôn đời với cả hai nước, là cơ sở để nâng mối quan hệ Việt – Mỹ từ Đối tác toàn diện lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện trong tương lai gần”.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ tiếp đón cựu Tổng thống Barack Obama mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã có thêm hai lần đón tiếp Tổng thống Donald Trump. Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC, trong cuộc hội đàm, hai bên đã thỏa thuận thương mại mới trị giá hơn 12 tỷ USD, những cam kết hợp tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển, hay những bước tiến về trao đổi chuyên môn và học thuật… Tiếp đến là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2, sau cuộc gặp gỡ này, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên một cách rõ rệt. Trong bức thư gửi Tổng thống Donald Trump mừng kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng viết: “Những năm gần đây, hai nước tích cực phối hợp hiệu quả, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là trong quan hệ thương mại, tài chính, từng bước củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Điều này có thể thấy sự khôn khéo rất tài tình của của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong mối quan hệ ngoại giao với các nước.
Tiếp tục là mối quan hệ mật thiết Việt Nam – Nhật Bản đã được phản ánh rõ trong những chuyến thăm chính thức giữa hai nước. Trong nhiệm kỳ 2016-2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, không chỉ Thủ tướng Shinzo Abe mà cả Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đều có những chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Điều đó cho thấy mối quan tâm đặc biệt của chính phủ và hoàng gia Nhật Bản đối với Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam. Qua chuyến công du, Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi 6 văn kiện quan trọng trên các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, giáo dục, y tế,… Đến khi tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, trong cuộc hội đàm, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết 12 văn kiện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.
Một điểm sáng trong ngoại giao, bên cạnh sự chủ động thì trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã cho thấy nỗ lực gắn kết, giữ gìn mối quan hệ truyền thống hữu nghị với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Liên tục là những chuyến thăm và làm việc chính thức, những cuộc tiếp đón nồng hậu, những sự kiện mang tính gắn kết cao. Để rồi, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Lào đã không ngừng phát triển và thăng hoa suốt 75 năm qua, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith từng khẳng định khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Quan hệ Việt Nam-Lào là quan hệ đặc biệt của đặc biệt, có một không hai trên thế giới, không sử sách nào có thể viết đủ về mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng Rằm và ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Còn với Campuchia, tình cảm gắn bó, khăng khít giữa hai dân tộc vẫn chưa bao giờ ngừng được nuô dưỡng, vun đắp và phát huy.
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên tục cùng với tình hình thế giới phức tạp nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là sự gương mẫu, quyết liệt tận tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta tiếp tục vững bước tiến lên con đường xây dựng đất nước hùng cường. Nhìn lại nhiệm kỳ đã qua, tin rằng hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã in hằn rất sâu đậm trong tâm trí của của nhân dân Việt Nam. Đó là nhà lãnh đạo đương thời, là người lãnh đạo mẫu mực, trung thành, tận tụy với Đảng, Nhà nước và nhân dân.