Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Gương mặt lãnh đạo mới của Việt Nam : ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ

PGS.TS Phạm Minh Chính sinh năm 1958 tại xóm Hoa Trường, xã Hoa Trường, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình có 8 anh chị em. Cha ông là một cán bộ, công chức địa phương, mẹ làm ruộng. Năm 5 tuổi ông theo gia đình về xây dựng Vùng Kinh tế mới tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy. Sau khi tốt nghiệp Trung học năm 1975, ông theo học dự bị Ngoại ngữ Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Một năm sau ông được cử làm lưu học sinh ở Rumani, tại đây ông nhập học chuyên ngành Xây dựng tại Bucarest, tốt nghiệp năm 1984. 6 năm sau, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật, và đến năm 2010, ông được phong học vị Phó Giáo sư chuyên ngành Luật.

Trở về nước vào năm 1984, ông Phạm Minh Chính được phân công làm nghiên cứu viên khoa học tại Cục nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở Bộ Nội vụ (Bộ Công an sau này). Đến năm 1989, ông được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao và làm Bí thư Thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Rumani. Đây là thời điểm mà Rumani và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Ông công tác tại Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt Nam trong thời kỳ này. Năm 1996 ông trở về, công tác tại Bộ Nội vụ, và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ thư ký tổng hợp, Văn phòng BCA, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học, kỹ thuật – Bộ Công an. Đến năm 2006 được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình Báo – BCA. Những năm này, ông còn kiêm nhiệm vị trí chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ, là giảng viên đại học, sau đó kinh qua nhiều vai trò, vị trí lãnh đạo quan trọng của ngành Công an.

Cho đến tháng 1/2011, tại Đại hội XI, ông Phạm Minh Chính được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2011-2016. 7 tháng sau, ông được Bộ Chính trị phân bổ về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm này, kinh tế đất nước cực kỳ khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, tỉnh vùng Đông Bắc này còn gặp khó khăn với sự phụ thuộc vào khai khoáng, đối mặt với ô nhiễm môi trường trầm trọng, nên để phát triển phải nói là cực kỳ khó khăn.

Lúc bấy giờ, trên cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã thể hiện sự táo bạo một cách khoa học khi bấm nút thông qua Nghị quyết chuyển đổi mô hình phát triển than sẽ phải nhường chỗ cho một ngành kinh tế khác với tiềm năng lớn hơn, bền vững hơn nhiều đó là du lịch. Đến cả phương pháp quy hoạch cũng “khác người”, khi ông trực tiếp mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)… đến Quảng Ninh nghiên cứu và lập quy hoạch. Cùng với đó là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công đầu tiên trên cả nước và quyết liệt cải cách hành chính.

Bằng sự quyết liệt, tầm nhìn dài hạn trên đã góp phần quan trọng tạo ra chuyển động đột phá trong tiến trình phát triển của địa phương vùng phên dậu Đông Bắc Tổ quốc. Để từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, bằng những bước phi chiến mã trong phát triển kinh tế, du lịch, Quảng Ninh đã “lột xác”, vươn lên trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. “Nghĩ lớn, làm lớn”, đổi mới tư duy, sáng tạo đột phá chính xác là bí kíp giúp Quảng Ninh giải phóng tiềm năng thế mạnh, giúp tỉnh này mở rộng không gian phát triển trong bối cảnh cơ chế chính sách còn hạn hẹp.

Người con của mảnh đất xứ Thanh vào một ngày giữa tháng 2/2016 lại nhận thêm trọng trách mới nhiều thử thách: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Sự năng động và đổi mới quyết liệt của một vị Bí thư tỉnh ủy cộng với vốn kiến thức dày dặn được đào tạo bài bản (Tiến sĩ Luật) tiếp tục là nền tảng để ông Phạm Minh Chính bứt phá với nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước.

Có thể nói, chưa có lúc nào và chưa bao giờ trong thời gian ngắn có nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nguyên chức bị xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua. Đây là thành tích về chống tham nhũng nhưng lại là điều không vui về công tác cán bộ. Ở cấp địa phương chưa có con số thống kê cụ thể nào về số người bị kỷ luật, song những biểu hiện của việc thiếu gương mẫu trong cán bộ, đảng viên thì không hiếm. Và việc ban hành Quy định số 08-QĐ/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” như ông Phạm Minh Chính khẳng định chính là “MỘT CAM KẾT CHÍNH TRỊ của Trung ương với toàn Đảng, toàn Dân”. Với 8 điểm ‘xây’, 8 điểm ‘chống’ được cụ thể hóa, quy định rõ trong hệ thống pháp luật và có xử lý nghiêm minh, chế tài rõ ràng, xử lý cụ thể trên các mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, tác phong… được đánh giá là quy định rất kịp thời, thu hút sự quan tâm. Bắt trúng căn cơ vấn đề nhận được sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân cả nước.

Một quy định mới khác quan trọng và nhận được sự quan lớn trong thời gian qua phải kể đến là Quy định 205-QĐ/TW “Về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền”. Điều mới trong Quy định 205 đã chỉ rõ ra và cần có cơ chế để kiểm soát trong quá trình thực hiện. Quy định toát lên tinh thần quyết tâm chiến lược và tính chiến đấu của Đảng ta trước một thực tế đang diễn ra phổ biến đến nỗi ai cũng biết, đâu cũng có, đã trở thành “sâu mọt” trong bộ máy của Đảng của Nhà nước và hệ thống chính trị mà cần phải loại trừ. Quy định vừa ban hành đã có sức lan toả nhanh, được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng, đồng tình và sẵn sàng hành động. Hơn hết như Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ: “Với Quy định 205 việc chạy đã đang được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi”.

Giờ đây đã không còn chỉ là những cung đường quen thuộc, những gương mặt thân quen của Quảng Ninh, những dấu chân của ông Chính nhiều hơn, khắp muôn nơi từ thị thành đến phố núi hiểm trở, để mỗi quy định đều mang hơi thở cuộc sống, thời cuộc. Vẫn với phong cách quyết liệt, đổi mới ấy “Cái gì đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm đúng thì cứ thế mà làm. Cái gì chưa có trong quy định, chúng ta có thể mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện”, ông Phạm Minh Chính cùng cộng sự đã không chỉ nỗ lực hoàn thiện khung đánh giá các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quy định nêu gương mà còn dần định hình “cái lồng” để nhốt quyền lực mà như ông Chính đã hơn một lần khẳng định: “Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực”.

Từ quy trình đến quá trình thực hiện tiếp tục là chặng đường chẳng mấy dễ dàng khi người thực hiện vốn không phải ai cũng dốc lòng dốc sức phụng sự, thậm chí còn lợi dụng để vun vén vinh thân phù gia. Như câu chuyện con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến – Nguyễn Nhân Chinh cử nhân cờ vua được điều động về làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh khiến dư luận bức xúc, cho thấy không một quy trình nhân sự nào là hoàn hảo, vẫn có đó những kẻ hở, càng cho thấy vai trò của Ban Tổ chức Trung ương nói chung và Trưởng ban nói riêng luôn kiểm tra, giám sát.

Từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, am hiểu về xây dựng, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ngành Công an, đến Bí thư tỉnh Quảng Ninh, rồi Trưởng ban Tổ chức Trung ương, để thấy rằng sự nghiệp của ông Phạm Minh Chính trải dài qua rất nhiều lĩnh vực. Mà ở đó ông không chỉ có kinh nghiệm trong quá trình Đông Âu và các nước Liên Xô sụp đổ, quan sát quá trình đó và tham mưu cho Đảng, Chính phủ để có những chính sách đổi mới trong thời kỳ mới. Mà còn xuất thân từ tình báo kinh tế, và sau này chuyển sang quản lý Tổng Cục Hậu cần – Kỹ thuật của Bộ Công an. Còn tham mưu công tác nhân sự như giới quan sát nhận định, kỳ này chuẩn chỉ, đâu ra đó. Lại có kinh nghiệm về điều hành kinh tế thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh.

Hơn thế nữa, ông Phạm Minh Chính còn có tới 2 công trình nghiên cứu về kinh tế từ khi còn là tướng lĩnh Công an gồm công trình “Kinh tế Việt Nam: thăng trầm và đột phá” xuất bản năm 2009,  và “Bối cảnh tài chính Việt Nam năm 1997-1998 và 2007-2008: khoảng cách và biến đổi”. Mà như Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên đánh giá: “Cuốn sách này, cùng với một vài cuốn sách khác, chứng tỏ cần có cách tiếp cận mới, các công cụ mới và hệ tri thức mới để mổ xẻ, phân tích các quá trình thực tiễn. Bản thân cuốn sách được coi là một sự khởi động thật sự, rất đáng trân trọng cho quá trình đó. Đẩy mạnh hơn quá trình này là một cách, một nội dung hội nhập quốc tế – hội nhập khoa học, đồng thời là cách thúc đẩy sự phát triển trong hội nhập của nền kinh tế nước ta”.

Một người vừa có một cái sự chín chắn thông qua một chiến sĩ tình báo, vừa có cả kinh nghiệm về dân sự khi làm Bí thư Quảng Ninh, một tỉnh vừa có biển, vừa có núi lại còn có cửa khẩu, rất đặc thù, có đầy đủ những cái yếu tố của Việt Nam ở trong một cái tỉnh như thế, thì nào phải ngẫu nhiên nhiều ý kiến nhận định tin tưởng, “MỘT NGƯỜI VỪA CÓ KỸ TRỊ, VỪA CÓ NHÂN TRỊ, THÌ DÙ Ở BẤT CỨ CƯƠNG VỊ NÀO CŨNG DỐC LÒNG PHỤNG SỰ”.