Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Gương mặt lãnh đạo mới của Việt Nam : ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội

Tròn 4 năm ở Chính phủ, được Thủ tướng giao nhiệm vụ “gác” mảng kinh tế – tài chính, với kiến thức sâu rộng về tổng hợp, phân tích kinh tế, ông Vương Đình Huệ đã có nhiều giải pháp, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo ra tăng trưởng liên tục, lạm phát thấp, ổn định, đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước trong quá trình phát triển.

Đặc biệt, sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ đạt mà còn vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong thành công đó, hẳn không thể thiếu sự vào cuộc đầy nỗ lực của Chính phủ, càng không thể thiếu sự điều hành quyết liệt của Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ – người vẫn được gọi bằng cái tên rất trìu mến là “Ông Nông thôn mới”.

GS.TS Vương Đình Huệ còn được nhắc đến nhiều trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN. Chính ông đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 để thống nhất các giải pháp phát triển DN tư nhân- trụ cột của nền kinh tế. Là người chủ công giúp xây dựng 3 đề án quan trọng về Cải cách tiền lương, Cải cách BHXH, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Cũng chính Phó Thủ tướng là người được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về FDI. Và như nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội nhận xét, người con xứ Nghệ thực sự đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ về những chỉ dấu đầy ấn tượng của một nhiệm kỳ Chính phủ quyết liệt, khẩn trương, hành động.

“Việt Nam có thực sự là ngôi sao kinh tế đang lên hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của quý vị nhưng đúng là quốc kỳ của chúng tôi có một ngôi sao vàng. Với một ngôi sao vàng trong trái tim thì chúng tôi sẽ làm bài toán thần kỳ về Việt Nam, về kinh tế của Việt Nam cũng như về đất nước Việt Nam”– chủ nhân của chia sẻ đầy cảm xúc ấy- GS.TS Vương Đình Huệ, vào một ngày đầu tháng 2/2020, lại nhận thêm một trọng trách mới nhiều thử thách: Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Sự quyết chí và vốn học thức dày dặn được đào tạo bài bản (Ở tuổi 22, đã là giảng viên Đại học, 29 tuổi đã lên đường sang châu Âu làm nghiên cứu sinh rồi trở thành Tiến sĩ khoa học, được phong hàm Giáo sư thuộc diện trẻ nhất nước) đang là nền tảng giúp ông Vương Đình Huệ bứt phá trên cương vị mới.

Đúng thật là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ngay khi bắt tay vào công việc ở cương vị mới, ông đã phải đối mặt với nhiệm vụ, thủ thách hết sức khó khăn, đó là ngăn chặn đại dịch. Đã có không ít những hoang mang lo lắng, khi Hà Nội được xác định là tâm dịch, lo sợ lây nhiễm cộng đồng khi người bệnh thậm chí còn không biết mình lây bệnh từ ai, nguồn nào? Nhưng sau tất cả, bằng bản lĩnh, sự nỗ lực và tâm huyết của người lãnh đạo, TP Hà Nội đã đẩy lùi được dịch bệnh.

Giữa đại dịch, không để người dân, các cấp, ngành phải “ngủ đông”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính giải ngân vốn kịp thời, phát triển mạnh các dịch vụ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để tăng cầu tiêu dùng, góp phần bảo đảm thu ngân sách. Đích thân ông vừa đi kiểm tra công tác phòng chống dịch vừa mở lối cho các địa phương chuyển đổi mô hình canh tác nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm khi các chuỗi cung ứng thực phẩm cho Thủ đô bị đứt gãy. Vừa ngớt đại dịch, ông đã chỉ đạo chuẩn bị tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” qua đó, chuyển tải thông điệp của Hà Nội về sự an toàn, là đối tác tin cậy với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với vốn kiến thức sâu rộng về tổng hợp, phân tích kinh tế cùng kinh nghiệm dầy dặn từ những ngày làm tư lệnh ngành Tài chính, Tổng kiểm toán Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương một lần nữa giúp ông ghi dấu ấn thể hiện bản lĩnh của một nhà chiến lược kinh tế. Khi vạch rõ đường hướng giải quyết hài hòa giữa bài toán tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội của Thủ đô. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Trong bộn bề công việc nhưng Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm; giải ngân vốn đầu tư công…

Hơn 120 ngày ở cương vị mới, ông Vương Đình Huệ đã cho thấy bản lĩnh, kinh nghiệm của một chính trị gia kinh qua nhiều trọng trách, có tầm nhìn và sát sao với công việc, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

“Trên cương vị mới Bí thư Hà Nội, với bản lĩnh chính trị, năng lực và bề dày công tác, tôi tin đồng chí Vương Đình Huệ sẽ tiếp tục kế thừa thành quả, kinh nghiệm của những thế hệ đi trước, cùng đảng bộ TP chung sức xây dựng TP Hà Nội năng động, đổi mới, sáng tạo, là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế xã hội, giáo dục” – niềm tin ấy của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đang dần hiện hữu. Những quyết sách được đánh giá là rất chủ động, kịp thời, chắc chắn trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 của Hà Nội trong thời gian qua chắc chắn sẽ là động lực để người đứng đầu Đảng bộ Thành phố vững bước hơn nữa trên hành trình phía trước.

Là một nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm, nhiều năm lãnh đạo ngành tài chính đến khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ “gác” mảng kinh tế – tài chính và sau đó được Bộ Chính trị tin tưởng phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cùng phong thái tự tin gần như đã làm tròn tất cả các nhiệm vụ. Đặc biệt, cho dù khi giữ chức vụ Phó Thủ tướng hay Bí thư Thành ủy Hà Nội, ở vị trí nào, ông cũng nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo ra tăng trưởng liên tục, lạm phát thấp, ổn định, đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước trong quá trình phát triển.

Trên cương vị là một đại biểu Quốc hội, ông Vương Đình Huệ không ngừng lắng nghe khó khăn, tâm tư, nguyện vọng cử tri. Ông đã có cái nhìn bao quát vấn đề và có những kiến nghị đúng đắn, kịp thời trước Quốc hội. Từ những vấn đề kinh tế mang tầm vĩ mô như quy hoạch phát triển kinh tế vùng, công tác phòng chống tham nhũng, cải cách tiền lương, tăng độ tuổi nghỉ hưu, hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tới những vấn đề cụ thể như cà phê “pin”, xử lý chất thải, dự án đường bộ, đường sắt chậm tiến độ, công tác cán bộ tại các Đặc khu đã được Phó Thủ tướng trình bày một cách rõ ràng, cụ thể, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của các ĐBQH.

Là một ĐBQH từng chất vấn ông Vương Đình Huệ rất nhiều, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá: “Quá trình điều hành công việc thể hiện ông Vương Đình Huệ là người có kiến thức rất quy củ, bài bản, năng lực… Với những đóng góp của ông Vương Đình Huệ, nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ gần như không có những “tắc nghẽn” quá lớn về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Những vấn đề được ông Vương Đình Huệ trả lời đều rất mạch lạc, diễn giải hợp lý khi thể hiện trên diễn đàn của Quốc hội”.

Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Phần trả lời chất vấn của ông Vương Đình Huệ rất sâu sắc và mang tầm chiến lược”. Có cùng nhận xét với đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá: “Ông Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn rất bao quát, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ ràng. Phần trả lời của ông ấy đã cho thấy ông nắm rất rõ, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội”. Còn ĐBQH Đinh Duy Vượt nhận xét: “Ông Vương Đình Huệ đã từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng nên rất am hiểu “gốc rễ” kinh tế Việt Nam, do vậy nắm bắt rất nhanh, trả lời đúng trọng tâm vấn đề. Phần giải trình và trả lời chất vấn của mình, ông Vương Đình Huệ đã “chia lửa” rất tốt cho các trưởng ngành, đi sâu phân tích căn cơ vấn đề, quan trọng nhất đó là phần trả lời mang tính định hướng, đồng thời có giải pháp xử lý các vấn đề đó”.

Trước đây, ông Vương Đình Huệ còn được nhắc đến nhiều trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Cũng chính ông đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 để thống nhất các giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân. Không chỉ vậy, chính ông là người người chủ công giúp xây dựng 3 đề án quan trọng về “Cải cách tiền lương”, “Cải cách BHXH”, “Đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập”. Cũng chính ông là người được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về FDI. Hơn nữa, ngay khi đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã phải đối mặt với nhiệm vụ, thử thách hết sức khó khăn, đó là ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố – nơi được cho là tâm dịch. Bằng bản lĩnh, sự nỗ lực và tâm huyết của người lãnh đạo, TP. Hà Nội đã chiến thắng dịch bệnh sau một thời gian dài đấu tranh không ngừng nghỉ. Đây là chiến công hết sức to lớn. Song song đó, trong các cuộc họp, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã luôn yêu cầu phải đề cập đến việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần “góp gió thành bão”, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân. Thế nên, ông Vương Đình Huệ không chỉ là người thực sự đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một bộ máy chính quyền quyết liệt, khẩn trương, hành động, “không vội là không xong”.

PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore từng nhận định: “Các lãnh đạo Việt Nam đều thể hiện khá rõ về tầm hiến dâng cho sự phát triển của đất nước. Họ đều có tư duy rất thực tế và có kinh nghiệm nhiều trong công tác Đảng cũng như chính quyền. Họ đều một lòng một dạ làm gì đó để có di sản để lại về sau”. Nhìn lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người được đào tạo bài bản, có bằng Tiến sỹ kinh tế tại Slovakia, có cả học hàm Giáo sư, cũng như kinh qua nhiều vị trí công tác quản lý từ môi trường giáo dục đến chính trị trung ương, trải đều các lĩnh vực kinh tế – tài chính, thương mại, xã hội cùng với kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, trả lời chất vấn Quốc hội phong phú. Đây chính là nền tảng giúp ông Vương Đình Huệ có khả năng điều hành tốt Quốc hội, định hướng các phiên họp đi đúng vấn đề; xây dựng các dự luật, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế, kinh tế đất nước, ý nguyện của người dân và thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn.

Tin rằng, không chỉ là hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia mà trong tương lai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ còn nỗ lực hết mình để giải đáp nhiều tâm tư, nguyện vọng, gắn liền với đời sống của người dân. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: “Tôi thích triết lý về “vô vi”. Làm lặng lẽ nhưng phải mang lại hiệu quả cao. Đón nhận áp lực, chấp nhận thách thức như một cơ hội để thử sức mình”.