Kể từ khi mở cửa năm 2013, Foyer Vietnam không đơn giản chỉ là quán ăn với các món ăn Việt mà còn là nơi gặp gỡ, kết nối cho cộng đồng người Việt ở Paris…
8 năm qua, Foyer Vietnam đã trở thành địa chỉ rộng mở với bất cứ ai có một góc Việt Nam trong trái tim hoặc đơn giản có mong muốn khám phá mảnh đất Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập anh Nguyễn Bình – Chủ tịch Foyer Vietnam đã nêu rõ ý tưởng và mục đích hoạt động của quán ăn này. Bên cạnh mong muốn giúp các tổ chức hội đoàn hoặc các cá nhân gặp gỡ và phát triển các hoạt động chuyên môn, chuyên ngành của mình, Foyer Vietnam còn hỗ trợ các sinh viên Việt Nam và các doanh nghiệp đào tạo thực hành tổ chức hội thảo, hội nghị nhằm tăng cường sự giao lưu Pháp-Việt.
Khi đến với quán ăn, khách hàng là người Việt, người Pháp và bạn bè quốc tế sẽ được thưởng thức các món ăn từ bình dân đến đặc sản thuần Việt, như bún bò, phở, nem, bún chả…do các đầu bếp nổi tiếng đến từ Việt Nam chế biến, với giá cả hợp lý.
Quán ăn còn được coi là một căng tin truyền thống. Đặc biệt, mỗi bữa ăn phục vụ khách sẽ được trích lại một phần để gây quỹ tài trợ cho một số dự án của các hội đoàn, hoạt động nhân đạo, văn hóa nghệ thuật và làm học bổng dành cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Không chỉ vậy, Foyer Vietnam còn có trang thông tin điện tử riêng giúp các bạn sinh viên tìm kiếm nới thực tập, tìm việc làm thêm hoặc nơi cư trú. Đây là công cụ hữu hiệu giúp hội đoàn, doanh nghiệp tìm kiếm thêm thông tin để phát triển các hoạt động và dự án của mình.
Mới đây, Foyer Vietnam tiếp tục dành hai căn phòng sinh hoạt cộng đồng chung phục vụ miễn phí với điều kiện người dùng đăng ký trước trên website của Foyer Vietnam. Ban đầu, hai căn phòng sinh hoạt chỉ được gọi tên là phòng lớn và phòng bé. Đến năm 2016, hai phòng đã được đổi lại tên thành Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng Việt Kiều ở Pháp với chủ quyền 2 quần đảo này trên Biển Đông.
Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp cho biết, Phòng sinh hoạt Trường Sa được bố trí ngay ở tầng 1 của quán có thể đón tiếp một nhóm từ 6-8 người. Đặc biệt, trong phòng còn đặt một tủ sách, một thư viện thu nhỏ gồm nhiều đầu sách đĩa âm nhạc liên quan đến văn học với các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam được dịch song ngữ như Truyện Kiều, Ca dao tục ngữ Việt Nam… hay về lịch sử, ẩm thưc, văn hóa… Vì đặt ở tầng 1, tủ sách về Việt Nam còn thu hút sự chú ý của nhiều thực khách Pháp khi đến thưởng thức món ăn Việt ở Foyer Vietnam.
Còn Phòng sinh hoạt Hoàng sa đặt trên tầng 2 của quán có thể đón tiếp từ 16-30 người. Ngoài bàn ghế, phòng Hoàng Sa còn được trang bị máy tính, máy chiếu, loa. Những người thường xuyên đăng ký mượn phòng có đến 50% là các bạn du học sinh, 50% còn lại là các hiệp hội hữu nghị lâu đời với Việt Nam, luôn ủng hộ giúp đỡ chính quyền Việt Nam từ những giai đoạn kháng chiến chống thực dân.
Không chỉ vậy, hai căn phòng Hoàng Sa, Trường Sa còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng người Việt ở Paris, là nơi chuẩn bị, tổ chức các ngày lễ lớn của Việt Nam như Tết, Trung Thu…
Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra các lớp nâng cao tiếng Pháp dành cho cộng đồng sinh viên Việt với khoảng 3, 4 lớp mỗi tuần dạy các trình độ khác nhau từ A1, A2 đến B1, nhằm giúp các bạn sinh viên mới đến Pháp khoảng 1,2 năm nâng cao trình độ tiếng để hòa nhập với môi trường mới.
Lê An