Sinh ra tại làng Kim Liên trong một gia đình nhà nho nghèo, những năm còn nhỏ, Nguyễn Tất Thành (tên thật là Nguyễn Sinh Cung) đã trải qua cuộc sống không mấy sung túc về vật chất, vừa đủ ăn đủ mặc, cho đến những năm tháng khi chuyển vào Huế (năm 1895-1901). Anh học ở trường Quốc học. Đó là thời gian mà gia đình anh phải sống thật sự trong cảnh gieo neo, chật vật, mẹ ngày đêm mỏi mệt dệt vải, cha phải tranh thủ thời gian đi chép chữ thuê, dạy học để có thêm thu nhập cho cuộc sống của gia đình. Vào năm 1901, một mất mát lớn đến với anh, mẹ sinh ra người em gái được đặt tên là Xin nhưng vì quá thiếu thốn về vật chất nên bà lâm bệnh qua đời, rồi đến lượt em Xin cũng theo mẹ ra đi.
Rất nhiều lần, mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng anh đã từng được nghe cha anh bàn luận với các bác, các chú về tương lai của dân tộc và con đường thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang.
Từ năm 1901 đến 1906, anh đã theo cha đi học khắp nơi : tiếng Hán tại quê nhà (1901-1902) ; học tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (1903) ; huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (1904) ; huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (1905) ; rồi học lớp dự bị (Préparatoire) tại trường tiểu học Pháp-Bản xứ ở thành phố Vinh.
Tháng 9-1907, anh theo cha vào Huế, học tại trường tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị (Cours préparatoire) rồi lớp sơ đẳng (Cours élémentaire).
Tháng 9-1908, anh vào lớp trung đẳng (lớp nhì – Cours moyen) tại Trường Quốc học Huế.
Tháng 6-1909, anh rời trường Quốc học Huế theo cha vào Bình Định, khi ông được bổ nhiệm chức Tri huyện Bình Khê. Sau đó, được cha gửi học tiếp chương trình lớp cao đẳng (lớp nhất – Cours supérieur), tại Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn.
Vào khoảng tháng 6 năm 1910, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình học vấn mà ngày nay ta xem tương đương là trung học. Sau khi nghe tin cha bị cách chức Tri huyện Bình Khê, bị triệu hồi về Kinh, anh không theo cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam và dừng chân tại Phan Thiết. Ở đây anh xin vào làm trợ giáo (moniteur), được giao dạy lớp nhì, lớp 3, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khóa của trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Ngoài giờ lên lớp, anh tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần này anh được tiếp cận rõ nét hơn với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như J. J. Rousseau, Voltaire, Montesquieu…
Nhưng anh chỉ dạy tại Phan Thiết trong một thời gian ngắn, khoảng vài tháng. Vào khoảng tháng 2 năm 1911, tức là gần 2 năm sau khi rời Huế, anh mới vào đến Sài Gòn. Nơi anh nghỉ lại là nhà cụ Lê Văn Đạt, số 185/1 đường Cô Bắc. Có tài liệu ghi anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm) hay nhà số 128, Khánh Hội.
Lúc này đang là thời kì thực dân Pháp, sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, triệt để khai thác có hệ thống các nguồn tài nguyên phong phú và sức lao động rẻ mạt của nhân dân thuộc địa. Đường xá, cầu cống, nhà máy mọc lên cùng với sự hình thành đầu tiên của một giai cấp công nhân. Và cũng lần đầu tiên, anh Thành thấy lớp người mới ấy của xã hội làm việc trong các nhà máy xấy, máy cưa, máy nấu rượu, làm nước đá, làm đường, các xưởng đóng tàu và sửa chữa ô tô, khuân vác hàng trên các bến tàu. Người Pháp mở nhiều đồn điền quanh Sài Gòn, trồng chè, cà phê, cao su và bắt đầu cho xuất cảng một khối lượng khá lớn nông sản, lâm sản. Cảng Sài Gòn mở thêm bến, xây thêm kho, mộ thêm công nhân, tăng thêm xe vận tải. Các tàu Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản mỗi tháng vào cảng dăm ba chục chiếc.
Sài Gòn mới mở một trường dạy nghề ba năm chuyên đào tạo công nhân hàng hải và công nhân cơ khí cho xưởng Ba Son. Anh Thành xin vào học ở trường này. Anh muốn trở thành một công nhân đứng máy.
Anh đến trường học nghề, nhớ lại những gì cha anh đã bàn bạc với bạn bè về hoài bão giải phóng nhân dân, nhưng cứu nước, cứu dân bằng con đường nào ? Thời ấy khi Nhật Bản đánh thắng Nga hoàng, đứng vào hàng đầu các nước đế quốc trên thế giới, trong tầng lớp sĩ phu yêu nước Việt Nam có xu hướng phục và thân Nhật. Đối với họ, Nhật Bản là một hình ảnh mới, một kiểu mẫu mới đầy hấp dẫn. Họ náo nức tìm hiểu kinh nghiệm và lịch sữ của nước Nhật. Việc đi sang đó học tập và cầu viện trợ đã trở thành phong trào, quen gọi là phong trào Đông Du.
Anh đã từng khước từ lời rủ anh sang Nhật. Trong thâm tâm, ý muốn của anh là tìm hiểu nơi chính quốc, tức là nước Pháp. « Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta». Có như vậy mới hy vọng tìm ra con đường cứu nước.
Anh thường thấy ngoài bến những con tàu rất to rúc còi chạy ra biển như gọi anh lên đường. Lúc đó ở Sài Gòn có hai công ty tàu biển lớn chạy dường Pháp-Đông Dương : Hãng Messageries maritimes, còn gọi là hãng “Đầu ngựa” do ống khói các tàu của hãng sơn hình đầu con ngựa và hãng Chargeurs réunis, còn gọi là hãng “Năm Sao”, do các ống khói các tàu của hãng sơn hình năm ngôi sao. Hãng Năm Sao mới mở được ít năm chạy thường xuyên từ Pháp sang Đông Dương. Đường phố Sài Gòn dán nhiều quảng cáo của hãng in bằng hai thứ tiếng Pháp và Hán với hình vẽ con tàu đang rẽ sóng kèm hành trình: Dunkerque, Le Havre, Bordeaux, Marseille, Port Saïd, Djibouti, Colombo, Singapour, Sài Gòn, Tourane (Đà Nẵng), Hải Phòng. Hãng Năm Sao tuyển người Việt Nam xuống làm dưới tàu, phụ với công nhân Pháp các công việc : làm bếp, làm bánh, rửa bát đĩa, lau quét tàu, phục vụ hành khách, cạo sơn, đánh đồng… Tất cả mọi nghề ấy của người Việt Nam mang một tên gọi là : «Làm bồi» – có lẽ dịch từ chữ «boy» của thực dân Anh miệt thị những người bản xứ làm công ở thuộc địa.
Học được ba tháng thì anh bỏ học. Trưa ngày 2-6-1911, anh ra bến Nhà Rồng, vừa lúc một chiếc tàu của hãng Năm Sao từ Đà Nẵng cặp bến. Đấy là tàu “L’Amiral Latouche Tréville”. Anh Thành được giới thiệu lên thẳng tàu xin việc làm. Lúc đầu, chủ tàu ngần ngại vì thấy anh gầy gò, có vẻ một anh học trò hơn là một người lao động. Nhưng sau người đó cũng nhận và hẹn anh hôm sau đến. Anh xuống tàu làm bắt đầu từ ngày 3-6-1911 với một tên mới : Văn Ba. Cùng xuống làm tàu hôm đó với anh còn có 4 thanh niên Việt Nam, những nông dân nghèo khổ, mù chữ, bỏ làng và gia đình đi kiếm ăn : Lê Quang Chi, Nguyễn Văn Tri, Nguyễn Tuân và Đặng Quan Rao. Trên tàu có ba người Việt Nam làm cho hãng tàu từ trước. Đấy là các bác Nguyễn Văn Hùm, Bùi Văn Viên, Nguyễn Văn Ba, những người hôm trước đã đưa anh đến gặp chủ tàu.
« L’Amiral Latouche Tréville » là một trong những tàu lớn đầu thế kỷ, vừa chở hàng, vừa chở khách, dài 124 mét 10, rộng 15,20 mét, chạy máy hơi nước có 2800 sức ngựa, trọng tài 5572 tấn. Đáy tàu có hầm chứa 900 tấn nước ngọt và 15 tấn than để có thể chạy một mạch 12000 hải lý không phải ghé bến. Ở boong trên cùng có buồng sĩ quan, thủy thủ người Pháp, phòng ăn, phòng hút thuốc lá và một dãy buồng cho 40 khách đi vé hạng nhất. Khoang cuối cùng phía giữa tàu là nơi đặt các thứ náy móc, ba nồi hơi lớn và chỗ ngủ cho các bồi tàu như anh. Ở đây không khí ngột ngạt, tranh tối tranh sáng, suốt ngày đêm tiếng máy chạy sình sịch rung chuyển vách hầm, nhứt tai óc, người không quen rất khó ngủ.
Ngày 5/6/1911, tàu rời bến ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, nay mang tên Văn Ba, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Trả lời nhà văn Mỹ Anna Louise Strong năm 1965, Hồ Chủ tịch nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Sau này, Người nói với ông Hà Huy Giáp và với một nhà báo Mỹ: «Trên đường từ Huế vào Sài Gòn, hễ nơi nào có thể vừa kiếm sống, vừa tìm được tàu ra nước ngoài thì tôi đến».
(còn tiếp)