Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận :
Ngày 24-02-2021 : 117 600 liều (hợp đồng giữa Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC) và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11-2020).
Ngày 01-04-2021 : 811.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 (COVAX Facility tài trợ).
Ngày 16-05-2021 :1.682.400 liều (COVAX Facility tài trợ).
Tổng cộng : 2 611 200 liều
Con số này quá sức khiêm tốn. Vắc-xin Covid-19 đang tiêm ở Việt Nam là của AstraZeneca. Đến nay, tổng số người được tiêm là hơn 1 triệu người, trong đó số được tiêm 2 mũi là 28.529 người.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, với khoảng 150 triệu liều tiêm. Tuy nhiên, đến nay mới có hơn 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 được cam kết cung cấp, đủ tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 50 triệu liều để đạt mục tiêu.
Bộ Y tế đang huy động mọi nguồn lực, liên tục làm việc với đại sứ quán các nước Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… các tổ chức quốc tế và Liên minh châu Âu để sớm tiếp cận các nguồn, mua thêm vắc-xin.
Các nguồn vắc-xin Việt Nam đang được cam kết gồm 38,9 triệu liều cung cấp từ Covax ; 30 triệu từ AstraZeneca, mua thông qua VNVC ; 31 triệu từ Pfizer ; một nguồn thứ 4 đang trong đàm phán và chưa rõ thời gian cung ứng.
Ngoài ra, Việt Nam đang đặt mua thêm 10 triệu liều từ Covax và 20 triệu liều từ Pfizer nhưng cũng chưa rõ thời gian cung ứng.
40 triệu liều vắc-xin của Nga đã được đặt mua từ lâu nhưng đối tác báo thời gian cung ứng cuối năm 2022. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để thúc đẩy quá trình bàn giao vắc-xin diễn ra sớm hơn.
Công ty Moderna trước đây chưa có kế hoạch cung ứng cho thị trường Việt Nam, nhưng sau hai lần đàm phán đã thông báo có thể cung cấp nhưng số liều ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng luôn ưu tiên sản xuất trong nước để tự chủ vắc-xin Covid-19. Đang có bốn ứng viên nổi trội là Nanocogen, đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba, nếu kết quả khả quan, có thể tiêm cộng đồng đầu năm 2022 ; Ivac thử nghiệm giai đoạn một và các công ty khác đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng.
Bộ Y tế đã nhận khoảng hơn 1.000 tỷ tiền mặt (khoảng hơn 43 triệu USD) và hàng từ người dân và các doanh nghiệp, tổ chức… đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. Bộ cũng đề nghị các địa phương chủ động đảm bảo nguồn tài chính, chủ động mua và tiếp cận nguồn vắc-xin.
Toàn cầu đang « khát » vắc-xin Covid-19, khiến việc đàm phán gặp nhiều khó khăn. Các nước đang tiếp cận vắc-xin theo bốn phương thức :
- Thứ nhất, một số nước đã đầu tư hàng tỷ USD cho các công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Như Mỹ đầu tư khoảng hai tỷ USD cho Pfizer, Anh đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD cho AstraZeneca. Họ đầu tư sớm, kinh phí lớn nên được có vắc-xin dùng sớm nhất và được ưu tiên mua lại vắc-xin trước.
- Nhóm thứ hai là các nước tham gia thử nghiệm sản xuất như Ấn Độ, Brazil. Họ được nhà sản xuất lựa chọn thử nghiệm vắc-xin lâm sàng, nên cũng thuộc nhóm ưu tiên có vắc-xin trước.
- Nhóm thứ ba là các nước đầu tư từ sớm, ngay khi vắc-xin đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nếu vắc-xin thành công, họ sẽ được ưu tiên mua, nếu không thành công thì phải chấp nhận rủi ro mất chi phí đầu tư. Việt Nam, Israel, Singapore là một trong số các nước thuộc nhóm này.
- Nhóm thứ tư là các nước còn lại, chủ yếu dựa vào nguồn cung của Covax.
Một số nước có thu nhập cao đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế. Điều này khiến vắc-xin đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn.