Từ quý 2/2020 cho đến nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, chỉ sau ngành hàng không, khách sạn, du lịch…
Theo Cục Quản Lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động, đạt 38,79% kế hoạch năm 2021. Hai thị trường tiếp nhận chính vẫn là Nhật Bản và Đài Loan.
Trong 4 tháng đầu năm, thị trường Nhật Bản tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 18.355 lao động, tiếp theo là Đài Loan 15.055, Trung Quốc 415, Hàn Quốc 289, Hongrie 204, Roumanie 202, Singapour 129, UAE (Emirats arabes unis) 43…
Chỉ riêng trong tháng Tư, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5.371 người ; trong đó Đài Loan tiếp nhận 4.722, Nhật Bản 177, Hàn Quốc 154, Trung Quốc 150, Singapour 48…
Tuy nhiên, sang tháng Năm và tháng Sáu việc đưa lao động sang thị trường Đài Loan đã bị gián đoạn, bởi chính quyền nơi này đã siết chặt các quy định phòng dịch sau khi ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới. Từ ngày 19/5 đến ngày 18/6, Đài Loan tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, trong đó có đối tượng lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam có tới hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt mức hơn 78 nghìn người. Thời gian hợp đồng trung bình là 3 năm.