Khởi nghiệp từ nghề nhôm kính, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) sở hữu khối tài sản đồ sộ, trở thành “ông trùm” bất động sản chỉ trong thời gian ngắn.
Vũ từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79, người đại diện pháp luật của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và có chân trong Công ty I.V.C. Ngoài ra, Vũ còn nắm giữ 80% cổ phần ở Công ty TNHH Phú Gia Compound, sở hữu 10% cổ phần ở Ngân hàng TMCP Đông Á.
Giàu có nhanh chóng ở tuổi 38, đến 42 tuổi, Vũ “nhôm” bắt đầu bị phanh phui hàng loạt sai phạm mà đa phần trong số đó bắt nguồn từ việc thâu tóm, mua bán nhà, đất công sản.
Lũng đoạn ngân hàng DAB
Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Vũ đồng phạm cùng với cựu Tổng giám đốc Đông Á Trần Phương Bình trong việc chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 203 tỷ đồng.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2013, Ngân hàng Đông Á rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Ông Trần Phương Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư. Vốn quen biết với Vũ từ trước nên ông Bình đã bàn bạc bán 60 triệu cổ phần cho Vũ với giá 600 tỷ khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ vào năm 2014. Mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối hoạt động của ngân hàng này.
Để có tiền mua cổ phần, Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng (Harbour Ville) ở Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ. Lô đất này trên nguyên tắc có giá trị sử dụng 2,5 triệu đồng/m2 nhưng Vũ lại được hưởng giá có 800.000 đồng/m2. 17 ha được chia làm 500 lô, Vũ dùng 220 lô thế chấp vay DAB.
Còn lại 200 tỷ, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Vũ. Do đó, thay vì thu 200 tỷ thì ngày 17/1/2014, DAB lại chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79 của Vũ số tiền 200 tỷ.
Cùng ngày, Vũ chuyển 600 tỷ cho DAB để mua 60 triệu cổ phần. Tuy nhiên, việc tăng vốn không thành nên DAB chuyển trả lại 600 tỷ đồng cùng hơn 9,5 tỷ tiền lãi cho công ty của Vũ “nhôm”.
Vũ chỉ nộp 400 tỷ từ tiền bán đất nhưng thực chất lại nhận về 600 tỷ, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ
Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 11/8/2015, Trần Phương Bình lại chỉ đạo Công ty vốn An Bình là công ty sân sau của ông bán 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá hơn 136 tỷ đồng. Vũ chỉ mới thanh toán được 46 tỷ, còn nợ hơn 90,5 tỷ đến nay vẫn chưa trả.
Thâu tóm tài sản công
Trước khi có tham vọng “sờ” đến DAB, Vũ “nhôm” dính líu đến việc mua bán rất nhiều tài sản công ở TP Đà Nẵng và TP.HCM.
9 dự án và 31 nhà, đất công sản nằm trên các tuyến đường đẹp nhất Đà Nẵng đều được cho là ký bán sai luật cho Vũ, như : Khu công viên An Đồn ; khu đô thị Harbour Ville của Công ty cổ phần đầu tư Mega ; khu đất tại đường 2/9 – Phan Thành Tài đường quy hoạch ; Dự án Phú Gia Compound (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) ; Khu dịch vụ du lịch nhà hàng – cà phê – bar và bến du thuyền trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, phía tây cầu Rồng.
Ngoài ra còn có dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước ; lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà ; Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) ; Khu du lịch ven biển đường Trường Sa (4,5 ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Đa số các nhà, đất công sản trên được mua bán không qua đấu giá. Sau khi doanh nghiệp của Vũ mua nhà, đất công thì không sử dụng đúng mục đích như tờ trình xin mua lúc ban đầu, mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch.
Không chỉ ở Đà Nẵng, Vũ “nhôm” còn thâu tóm nhiều nhà, đất công ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM : số 129 Pasteur, Q.3 (1.490 m2 nhà và 2.264 m2 đất) ; số 8 Nguyễn Trung Trực, Q.1 (1296 m2) ; số 15 Thi Sách, Q.1 (2300 m2).
Hàng loạt quan chức liên quan
Sau khi Vũ “nhôm” vướng lao lý, hàng loạt cán bộ, quan chức, cựu quan chức của Đà Nẵng, TP.HCM, cũng lần lượt bị khởi tố, bắt giam. Tính đến nay, đã có gần 30 người bị khởi tố, 1 người bị giáng chức vì vướng vào sai phạm với Vũ.
- Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) – 17 năm tù
- Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014) – 12 năm tù
- Phan Hữu Tuấn (nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) – 7 năm tù
- Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an – 6 năm tù
- Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) – 3 năm tù
- Phan Xuân Ít (cựu Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) – 6 năm tù
- Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng) – 3 năm tù
- Nguyễn Thanh Sang (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng) – 3 năm tù
- Nguyễn Thị Thu Hà (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng) – 3 năm tù
- Trần Văn Toán (nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng) – 4 năm 6 tháng tù
- Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng) – 2 năm tù
- Trung tướng Bùi Văn Thành, cựu thứ trưởng Bộ công an bị cách tất cả chức vụ Đảng và giáng cấp bậc hàm từ trung tướng xuống đại tá. Ông Thành bị cho là tự ý ký quyết định cho Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho ông ta không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
- Đào Tấn Bằng (cựu Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, nguyên là Phó chánh văn phòng UBND TP, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng) – 18 tháng tù
- Phan Ngọc Thạch (cựu Giám đốc công ty CP du lịch Đà Nẵng) – 18 tháng tù
- Huỳnh Tấn Lộc (cựu Giám đốc công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng) – 18 tháng tù
- Lê Anh Tuấn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng) – 18 tháng tù
- Nguyễn Đình Thống (cựu Giám đốc công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng) – 2 năm tù
- Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP Đà Nẵng, nay là Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa) – 2 năm tù
- Nguyễn Đình Thống (cựu Giám đốc công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng) – 2 năm tù
- Trần Phi (cựu Tổng giám đốc công ty CP xuất nhập khẩu Đà Nẵng) – 2 năm tù
- Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) – 4 năm 6 tháng tù
- Phan Xuân Ít (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) – 16 năm tù
- Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) – 7 năm tù
- Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) – 6 năm 6 tháng tù
- Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM) – 4 năm tù
- Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) – 3 năm tù
Qua đó, chúng ta thấy Vũ « nhôm » đã có quan hệ rất rộng trong giới quan chức cấp cao trên nhiều lĩnh vực từ UBND, công an đến các ban ngành khác nhau.
Ngày Vũ “nhôm” bị bắt, thiếu tướng Lê Văn Cương từng nhận định chắc chắn Vũ phải có chỗ dựa mới có thể tự do tung hoành như thế. “Việc tiếp tay chắc chắn là có, tuy nhiên cơ quan điều tra lần ra đến mức độ nào, vào ai, khởi tố thêm ai thì chúng ta nên chờ đợi mới biết được ».
Và chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm sau, hàng chục cá nhân bị khởi tố, bị bắt rồi lĩnh án. Họ đều là những cựu quan chức, cán bộ giữ chức vụ cao ở Đà Nẵng và TP.HCM.
Còn bao nhiêu vụ án về Vũ “nhôm” chưa được phanh phui ? Còn ai “vướng vào Vũ” chưa lộ diện ? Đó là câu hỏi mà cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ.
Khởi tố nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh
Ngày 15-6-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Linh, nguyên cán bộ Bộ Công an, vì hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Linh bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ « nhôm ») đưa hối lộ thời điểm ông Linh là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, giai đoạn 2018.
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án.
Mới đây, cơ quan điều tra đã ra kết luận đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Phan Văn Anh Vũ (46 tuổi, thường trú ở Đà Nẵng, chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) về tội « đưa hối lộ ».
Đề nghị truy tố bị can Hồ Hữu Hòa (37 tuổi, quê Nghệ An) về tội « môi giới hối lộ ».
Theo kết luận điều tra, tháng 6-2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng và TP HCM.
Do lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa tiếp cận với ông Nguyễn Duy Linh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.
Cơ quan điều tra cho rằng Phan Văn Anh Vũ đã nhờ lái xe của mình chuyển 5 tỉ đồng cho Hòa và 4 lần chuyển quà khác. Ngoài ra, bị can còn trực tiếp đưa 500.000 USD để Hòa chuyển cho vị lãnh đạo Tổng cục Tình báo này.
Ban đầu ông Linh phủ nhận mối quan hệ với Vũ. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Linh thừa nhận thông qua sự giới thiệu của Hồ Hữu Hòa đã nói chuyện với Vũ « nhôm » qua điện thoại và chỉ đạo thư ký của mình đi nhận quà của Vũ.
Ông chỉ thừa nhận thư ký của mình nhận chai rượu, thuốc cigare của Vũ « nhôm », không biết giá trị nhãn hiệu, nước sản xuất.