Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD. Con số này tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với 76 tấn, trị giá 135 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.
Đây là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ đã xuất khẩu sang Việt Nam. Trước đó, giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.
Từ năm 2020 Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã tăng đến gần 6 lần so với số lượng của năm 2020.
Gần như toàn bộ các lô hàng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam có giá xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 303 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức gần 500 USD/tấn.
Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng tăng được nhiều doanh nghiệp lý giải là do theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA). Riêng đối với sản phẩm gạo, theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.
Trong kinh doanh, chỗ nào lãi, có lời hơn thì doanh nghiệp làm. Điều này cũng dễ hiểu khi gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam nên được ưa chuộng nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc làm các loại bún, nguyên liệu làm bia… Luật pháp của thế giới cũng như Việt Nam đều không cấm việc Việt Nam nhập khẩu gạo của Ấn Độ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại là doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng sự chênh lệch giá khi gạo Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 100 USD/tấn sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ gạo nước ta để xuất khẩu.
Bằng chứng là mới đây, cơ quan hải quan đã phát hiện và tạm giữ điều tra các lô hàng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam nhưng bao bì gắn nhãn mác xuất xứ, ghi nhà máy tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng trồng lúa rất lớn từ mấy chục năm liền và luôn phải xuất khẩu gạo. Trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đấu tranh để yêu cầu các quốc gia tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Trong khi đó, việc số lượng gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam tăng chắc chắn tác động đến tâm lý của các doanh nhân nước ngoài nhập khẩu gạo từ Việt Nam với câu hỏi : Vì sao là nước xuất khẩu gạo mà Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ, từ đó phát sinh tâm lý e ngại, dù có thể việc gian lận thương mại là không có.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất lúa năm 2021, cả nước gieo trồng 7,257 triệu ha với năng suất bình quân khoảng 59,7tạ/ha, tổng sản ượng khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc tương đương 26 triệu tấn gạo. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc; xuất khẩu hơn 13 triệu tấn thóc tương đương khoảng 6,5 triệu tấn gạo.
Khi những lùm xùm liên quan đến gạo ST25 của Việt Nam bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ, Úc vẫn chưa giải quyết xong, nếu các DN Việt Nam « tham bát bỏ mâm », nhập khẩu gạo cấp thấp của Ấn Độ về trộn để xuất khẩu sẽ càng khiến hành trình xây dựng thương hiệu của ngành hàng lúa gạo vốn đã khó lại càng thêm khó để định vị trên thị trường thế giới. Đó là chưa nói đến khả năng sẽ bị kiện trên trường quốc tế.