Thực hiện Chỉ thị 16, người dân TP.HCM hoàn toàn có thể ngồi nhà làm việc, chăm lo sức khỏe, khai báo y tế hay đặt hàng nhu cầu thiết yếu qua nhiều ứng dụng điện tử… Dĩ nhiên, do nhu cầu tăng cao đột biến nên không khỏi có trục trặc, chậm trễ, thậm chí … không có hàng nhưng các ứng dụng trên cũng dần đi vào ổn định.
ĐI CHỢ, SIÊU THỊ ONLINE
Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại hoặc truy cập vào website như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… người tiêu dùng có thể mua sắm nhanh chóng và thanh toán qua ví điện tử, thẻ visa hoặc trả sau khi nhận hàng.
Người dân TP.HCM cũng đã quen dần việc đặt hàng trên website của các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử trong 15 ngày giãn cách xã hội như kênh mua hàng online của siêu thị Co.opmart, MM Mega Market, Bách hóa xanh…
Sở Công Thương TP.HCM đã lập website https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn để đưa các mặt hàng nông sản bán trực tuyến phục vụ người dân thành phố trong những ngày giãn cách.
Ngoài ra, chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” do Sở Công Thương TP.HCM khởi xướng về việc chung tay cùng thành phố cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò được bảo trợ bởi Viettel Post vừa công bố triển khai 34 điểm bán hàng bình ổn lưu động trên toàn TP.HCM từ ngày 13/7.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử Postmart.vn thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post cũng phát triển mạnh mẽ số lượng nhà cung cấp nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân TP.HCM.
Nhóm nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ đa dạng như Grab có dịch vụ Grabmart ; Now cung cấp dịch vụ đi chợ hộ với dịch vụ NowFresh – thực phẩm ; Be giao hàng và đi chợ hộ… Hầu hết các ứng dụng này đều kết nối với khá nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn như Aeon, Big C, Farmers’ Market, Vinamilk, FamilyMart, King Fruit – Vua trái cây, Hải sản Hoàng Gia, Homefarm, K-Market, Vinamit Organic… để cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho khách hàng.