Làn sóng Covid-19 tại Việt Nam đang gây hậu quả nghiêm trọng khiến hệ thống khám, chữa bệnh đối mặt với thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đối mặt làn sóng thứ 4 tấn công, gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca mắc trên cả nước tăng rất nhanh và đã vượt 100.000 ca.
Dịch bệnh đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước khiến số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, số dương tính đã vượt xa con số 100 000 ca. Đến nay Việt Nam đã có trên 1.000 người tử vong. Nhiều nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng trên.
Hệ thống y tế tuyến dưới yếu kém
Thực tế đã cho thấy, năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng “siêu lây nhiễm”. Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực hạn chế. Hiện nay cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu.
Một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.
Nguyên nhân do tác động của chính sách tự chủ nên nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ít chú trọng công tác hồi sức tích cực, khi có ca bệnh nặng thường chuyển về các bệnh viện tuyến trung ương tại TP. Hà Nội và TP.HCM. Điều này tạo áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến cuối quá tải trong việc điều trị ca bệnh nặng, gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ trang thiết bị, vật tư, tài chính… cho các địa phương.
Trong khi đó, việc chuyển người bệnh nặng về các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP.HCM có nguy cơ làm tăng lây lan dịch bệnh vào khu vực nội thành và người bệnh có xác suất tử vong cao trên đường vận chuyển.
Vì vậy các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành.
Khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và gần như chưa có tỉnh nào có thể “tự lực cánh sinh” điều trị Covid-19 mà không cần sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.
Hệ thống cấp cứu hạn chế
Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương… và TP.HCM đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế.
Quy mô và số giường bệnh hồi sức tích cực cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Theo kết quả một nghiên cứu gần đây, ước tính năm 2021 cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Tuy nhiên cơ sở giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao.
Thiếu trang thiết bị
Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở ; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng.
Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu…
Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ… Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng…