Hướng về nét văn hóa cộng đồng trong nền kiến trúc Việt

« Người Việt chúng ta, vóc dáng nhỏ, chí bền, sức dai, ngàn năm vác đất đắp đê, ngăn lũ Nhị Hà, giữ lấy xóm làng và ruộng đồng. Người Việt chúng ta, gan to, xông pha phương trời Nam xa thẳm, đóng xuồng dựng nhà sàn, sống hiền hòa giữa mênh mang Cửu Long giang.

Không xây được thành cao và đền đài kỳ vĩ, người Việt chúng ta ngàn năm mài giũa kiến trúc nếp nhà và ngôi làng. Nếp nhà gỗ Việt dịu mát dưới nắng hè, ấm áp trong giá đông, hợp lý như bài tính, đẹp cái đẹp bền lâu. Là tổ ấm cho bao kiếp người đời, là cái nôi ươm dưỡng văn hóa Việt, ngôi làng dung hòa chung và riêng, kỷ cương và tình làng, bám chặt vào ruộng đồng, vào núi sống. » 

Người Việt chúng ta với nền văn minh lúa nước được xem là cội nguồn của học thuyết âm dương, mà từ đó phát triển ra cả một nền văn hóa mang nét đặc trưng Á đông. Vì sao người Việt vẫn im lặng, phải chăng không so đo, đòi hỏi, không tham danh, hám lợi là những đức tính vốn dĩ rất Việt, những phát minh hay tìm tòi được chỉ được phổ biến qua cách thức truyền miệng, truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác dưới dạng ca dao tục ngữ. Cái chất Việt đó thực rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên đến những thế hệ sau này khi tiếp xúc vào một thế giới khoa học phương Tây hay với những sử sách chép lại của các nước láng giềng, chúng ta không có khả năng phản bác, hay đối chứng.

Nhìn vào các nước phương Tây, được công nhận là văn minh, với nhiều luật lệ, nhiều nguyên tắc nhưng lại cho con người sống ở đó nhiều không gian riêng tư nhất, họ sống trong một cộng đồng và tìm thấy cái tĩnh lặng của cá nhân trong đó. Người Việt chúng ta tính cộng đồng lại mang đậm tính chất phụ thuộc. Trong không gian đó, họ sống cùng với không gian để được cảm nhận sự tồn tại của nhau, để được người khác biết đến sự hiện diện của mình. Còn phương Tây tính cộng đồng ở cùng không gian đó họ sống trong đó với sự tôn trọng tính độc lập của riêng mỗi người. Họ tồn tại không tên, không công danh đối với người ngay bên cạnh họ. Còn người Việt không gian cộng đồng là nơi họ biết đến người cạnh mình là ai, là người như thế nào, họ đang cùng chia sẻ một cảm xúc, họ gần gũi theo cách mà mỗi người cũng đều thấy được sự tôn trọng.

Ở phương Tây ta nhìn thấy nhiều quảng trường đẹp, nhiều đài phun nước nổi tiếng, nơi mà con người sống chung với nhau, họ cùng ngồi trên một cái ghế băng, hay uống môt tách cafe trên cùng một chiếc bàn những giữa những con người đó là sự không quen biết, họ tôn trọng cái riêng của con người đối diện đến mức như hai lọ nước hoa để gần nhau vẫn có thể phân biết được mùi của từng lọ. Còn không gian cộng đồng của người Việt là nơi mà có sự trộn lẫn, sự chia sẻ, sự đồng cảm được thổ lộ.

Dù dưới hình thức nào, thì sinh hoạt cộng đồng ở đó luôn tồn tại nét văn minh cộng đồng. Nơi người ta cảm nhận được cuộc sống chung tồn tại đồng thời với cái tôi cá nhân của mỗi người. Câu trả lời mà các đô thị Việt hiện nay lại đang chạy theo quá nhiều hình thức, nhiều xu hướng, tuy nhiên để không đánh mất mình trong những dòng chảy đó, người Việt phải lên tiếng, phải đòi hỏi cho mình một không gian cộng đồng của riêng người VIệt. Mà người Việt Nam chúng ta đã từng nghe câu tục ngữ quen thuộc :

«  Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn »

Cái hàm nghĩa sâu lắng trong câu tục ngữ của ông cha ta ; Đằng sau tất cả thì đó là sự văn minh, sự hòa nhập chứ không hòa tan. Quá trình quốc tế hóa sẽ nuốt chửng những nền văn hóa yếu, non nớt, không xác địnhđược rõ ngay từ đầu rằng đâu là giá trị riêng của chính mình. Nước Nhật đã một thời gian tự đóng cửa để phát triển mạnh giá trị văn hóa truyền thống của chính mình trước khi mở cửa gia nhập quốc tế hóa, và họ đã làm cho giá trị văn hóa đó rực rỡ hơn nữa trước cộng đồng thế giới.

Vậy để hướng tới một nét văn hóa cộng đồng đậm đà tinh thần Việt thì điều chúng ta cần làm là phải đi tìm không gian kiến trúc cộng đồng riêng cho người Việt, ở đó người ta cảm nhận được sự chia sẻ và cảm thông, được hiểu và đồng cảm. Để từ trong không gian cộng đồng đó sẽ làm nên một giá trị mang tinh thần Việt. Gắn kết con người Việt tạo nên sự đồng lòng của tất cả, từ đó làm nên sự cộng hưởng chung mang hơi thở của cộng đồng Việt.

Ngô Kiến Nam

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :