Kiến trúc Việt – truyền thống và ảnh hưởng * Dấu ấn của kiến trúc Pháp đối với Việt Nam

1

Nền văn minh Việt Nam là sự tổng hợp của gần một ngàn năm văn hóa Trung Hoa , gần chín trăm năm văn hóa Việt Nam và gần một trăm năm văn hóa từ Pháp .

Trong di sản của nền kiến trúc Việt, những gì còn tồn tại sâu xa và còn mang đậm dấu ấn đến bây giờ nhất phải kể đến là : kiến trúc tường thành mà ấn tượng nhất là công trình thành Cổ Loa (277 trước công nguyên) và thành cổ Huế (thế kỷ 19 sau công nguyên), kiến trúc nhà truyền thống , kiến trúc nhà cộng đồng , kiến trúc tôn giáo ( Đình, Đền, Chùa ), kiến trúc nông thôn truyền thống kiến trúc thuộc địa.

Gần một thế kỷ hiện diện của người Pháp ở Việt Nam (1859-1954) đã đặt một nét đậm ảnh hưởng tới lịch sử, văn hóa và kiến trúc Việt. Quá trình đó thể hiện một phần nào sự giao hòa của hai nền văn hóa Đông dương – Tây phương. Văn hóa, kiến trúc, chính trị và kinh tế là những phạm trù tương tác đặc trưng cho giai đoạn kiến trúc này : kiến trúc thuộc địa.

2

Pháp bắt đầu kiểm soát Nam Kỳ từ năm 1860, và tiến đến quá trình bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào năm 1884. Vì những lý do địa lý và nhu cầu tạm thời chỉ còn tồn tại rất ít dấu ấn kiến trúc trong giai đoạn đầu của quá trình Đông Dương. Giai đoạn này được gọi tên kiến trúc tiền thực dân. Các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn có thể kể tên như khách sạn Vận Chuyển Hàng Hải xây dựng năm 1862 tại Sài Gòn và cư xá Tân Định xây dựng năm 1874 tại Hà Nội. Cả hai công trình đều thể hiện sự kết hợp phần nào giữa tư tưởng kiến trúc Tây phương và khai thác đơn giản một số yếu tố địa phương, không gian trên tầng được bao bọc bởi hành lang nhằm tránh nóng và những cơn mưa, mái được thiết kế dốc và sử dụng ngói sản xuất tại bản địa, họa tiết trang trí đơn giản truyền thống cho thấy ở giai đoạn đầu những công trình cơ bản được xây dựng bởi nhân công Việt Nam.

Hình thái kiến trúc tiền thực dân đặt nặng về mặt công năng. Nó thể hiện những dấu ấn lịch sử đầu tiên ảnh hưởng của kiến trúc Pháp tại Việt Nam. Được phát triển chủ yếu bởi những kỹ sư Pháp đầu tiên ở Việt Nam.

3

Với nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, người Pháp thể hiện tham vọng biến đổi bộ mặt Đông Dương ngày càng lớn thông qua việc áp đặt hình thái kiến trúc trang trí mặt tiền. Họ bắt đầu sử dụng những phong cách hàn lâm thịnh hành tại Pháp vào Việt Nam. Phong cách kiến trúc Tân Cổ điển đặc trưng cho giai đoạn này. Các nghệ sĩ xử dụng những chủ đề khác nhau, từ hình thái, chi tiết Phục Hưng, Baroque … tới các quy luật đối xứng nghiêm ngặt. Những kiến trúc sư chủ đạo của giai đoạn như Alfred Foulhoux và Auguste-Henri Vildieu làm việc tại Hà Nội cũng như Sài Gòn. Những công trình nổi bật có thể kể đến ở Sài Gòn như Tòa thị chính (1888) , Bảo tàng Thương mại (1887) , khách sạn Hải quan (1887) nhà hát lớn (1900). Ở Hà Nội lại có Phủ toàn quyền (1902), Nhà hát lớn (1901), Tòa án Chính Phủ (1906), Nhà khách Chính phủ (1919) xây dựng dựa trên tư tưởng cổ điển chiết trung thịnh hành được truyền bá tại trường mỹ thuật Pháp lúc bấy giờ. Nhiều thiết kế được áp đặt nguyên mẫu như những công trình sẵn có ở Pháp như mặt tiền Tòa án Chính Phủ Hà Nội sử dụng lại đúng họa tiết của mà kiến trúc sư Louis Duc đã làm cho vành đai quảng trường Dauphine ở Pháp .

Mặc dù lối kiến trúc Tân cổ điển cưỡng bức, áp đặt, cũng như không phù hợp, thích nghi với khí hậu, văn hóa bản địa, tách rời với những không gian kiến trúc tổng thể đô thị, nhưng công trình ở giai đoạn này đã mang lại một dấu ấn kiến trúc đậm nét Pháp tách biệt trong lòng Việt Nam.

4

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Người Pháp tiếp tục việc khai thác Đông Dương. Giới cầm quyền muốn phát triển rộng hơn quá trình đô thị trong tiến trình khai hóa. Một nhân vật quan trọng của thời kỳ này là kiến trúc sư Ernest Hébrad, người được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm kiến trúc và đô thị vào năm 1923. Về mặt lý thuyết, ông chỉ trích những công trình của kiến trúc Tân Cổ điển và bắt đầu hệ thống hóa lại những dữ liệu khí hậu, văn hóa bản địa trong việc sáng tác. Từ quan điểm đó ông đưa ra một biến thể mới của kiến trúc thuộc địa : kiến trúc Đông Dương.

Sự phát triển của phong cách kiến trúc Đông Dương được áp dụng đầu tiên cho những công trình văn hóa như Bảo Tàng Viễn Đông Bác Cổ ( 1932) cho đến cả những công trình như Đại Học Đông Dương (1926) Sở tài chính (1930) …

Trong những năm 40 phong cách kiến trúc Đông Dương được khuyến khích bởi chính quyền sở tại. Kiến trúc Đông Dương dù vẫn còn mang theo mình phong cách xu hướng Pháp lúc bấy giờ nhưng từ nội tạng đã có một sự thay đổi tìm tòi trong vật liệu cũng như không gian nhằm thích nghi với khí hậu cũng như văn hóa bản địa hơn. Phong cách kiến trúc Đông Dương được theo đuổi sau này bởi một số kiến trúc sư Pháp cũng như Việt Nam. Nó tôn vinh phần nào giá trị bản sắc dân tộc vào sáng tác.

5

Đồng thời với sự phát triển của kiến trúc Đông Dương, phong cách kiến trúc hiện đại cũng từng bước du nhập. Năm 1925, danh họa Victor Tardieux sáng lập nên trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Trường nhanh chóng tạo nên một bước đột phá trong việc mang nghệ thuật phương Đông tới Việt Nam. Từ những năm 1930 , những hệ mái vườn, không gian cong và không đối xứng, cửa sổ tròn, cầu thang lồi … bắt đầu xuất hiện. Những công trình nổi bật giai đoạn này có thể kể đến như Dinh Chính Phủ (1939) Đà Lạt, Ở Hà Nội lại có Nhà Bưu điện, Câu lạc bộ thể thao Ba Đình, ngân hàng Đông Dương, bệnh viện René Robin (1932) …Phong cách kiến trúc hiện đại  đã phần nào thoát ly khỏi những trang trí cầu kỳ, phức tạp. Phong cách này tạo nên những tác phẩm mới mẻ hơn nhưng vẫn chưa thực sự cụ thể.

Trong giai đoạn này chỉ có một số lượng nhỏ kiến trúc sư Việt Nam như Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Tạ Mỹ Duật … được đào tạo tại trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương và làm việc trong những vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý công trình dân dụng. Giới kiến trúc sư Việt Nam thường làm việc với những tầng lớp tư sản đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, vì vậy các khu dân cư nội thành Hà Nội được bao phủ bởi những dinh thự hiện đại, thế hệ kiến trúc sư này cũng thử nghiệm việc kết hợp giữa hiện đại và truyền thống để kế thừa lại quá trình phát triển kiến trúc giai đoạn sau 1954.

6

Nhìn lại thời điểm hiện tại, kiến trúc thuộc địa đã tạo nên những ảnh hưởng lớn trong tiến trình phát triển lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ảnh hưởng đó diễn ra theo trình tự, quy luật song song với giai đoạn chính trị 1859 – 1954. Những thành quả để lại của nó tạo nên một qũy di sản kiến trúc cũng như kiến thức lớn mang ý nghĩa lịch sử. Tự nội trạng kiến trúc thuộc địa đã thay đổi để thích ứng hơn với môi trường, và nó phát triển được nhờ vào việc ứng dụng những giá trị truyền thống. Cần bảo tồn cũng như sử dụng, quy hoạch hợp lý những quỹ di sản này.

Giá trị truyền thống trong sáng tác cần được nâng cao và kết hợp với yếu tố tự nhiên, môi trường. Cần tránh việc sao chép, áp đặt trong kiến trúc. Kiến trúc thuộc địa Pháp tồn tại khi đi kèm với một tiến trình lịch sử nhất định. Lịch sử thay đổi cũng làm thay đổi phương pháp tư duy sáng tác, việc sử dụng những hình thái trang trí đã trở nên không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại. Kiến trúc sư Việt đang đối đầu với thử thách lớn trong việc định hình một nền kiến trúc phù hợp với con người, thiên nhiên, xã hôi và thời đại mới. Nền kiến trúc đó có sức nặng khi nó tiếp nối, phát triển, định hình nên từ lịch sử kiến trúc và truyền thống dân tộc.

Trần Duy Anh Vũ

AAVF


Chantal Descours-Gatin, Guide de recherche sur le Vietnam, Paris, L’Harmattan, 1963.

PEDELAHORE DE LODDIS Christian, Inventaire Architectural du Patrimoine Colonial de Saigon, Ho Chi Minh – Ville, Institut des Projets Urbains, 1993.

Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Paris, Fayard, 2001.

Ha Noi Chu Ky Cua Nhung Doi Thay ; Nha Xuat Ban Khoa Hoc va Ky Thuat Ed., Hanoi, 2003.

Amaury Lorin, Le Tremplin colonial : Paul Doumer, gouverneur général de l’Indochine (1897-1902), Paris, L’Harmattan, coll. « Recherches asiatiques », 2004.

Marc Pabois, Alessandro Piperno, Bernard Toulier, Architecture Coloniale et Patrimoine ; Institut National du Patrimoine – Somogy éditions d’art, Paris, 2005.

Arnauld Le Brusq, Léonard de Selva, Le Vietnam à travers l’architecture coloniale, L’Oeil – n° 640, Paris, 2011.

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :